Báo động vi phạm Luật Giao thông đường bộ vùng nông thôn

09:06, 23/06/2017

Những năm qua, nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nên hạ tầng giao thông ở vùng nông thôn trong toàn tỉnh Lâm Đồng ngày càng được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đó, tình hình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tai nạn giao thông ở các vùng nông thôn đang có chiều hướng gia tăng đến mức báo động.

Những năm qua, nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nên hạ tầng giao thông ở vùng nông thôn trong toàn tỉnh Lâm Đồng ngày càng được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đó, tình hình vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), tai nạn giao thông (TNGT) ở các vùng nông thôn đang có chiều hướng gia tăng đến mức báo động.
 
Việc người dân ở vùng nông thôn vi phạm Luật GTĐB đang diễn ra phổ biến. Ảnh: Khánh Phúc
Việc người dân ở vùng nông thôn vi phạm Luật GTĐB đang diễn ra phổ biến. Ảnh: Khánh Phúc
Ý thức người dân chưa cao
 
Thực tế cho thấy, mặc dù các cấp chính quyền, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật GTĐB, nhưng tình trạng người dân ở nhiều vùng nông thôn vi phạm các quy định khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT. Một trong những nguyên nhân chính khiến TNGT ở vùng nông thôn đang có chiều hướng gia tăng đó chính là ý thức chấp hành Luật GTĐB của người dân còn nhiều hạn chế.
 
Đơn cử khi chúng tôi có mặt tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm), qua quan sát cho thấy, đa phần người dân khi tham gia giao thông đều vi phạm các lỗi như: Điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chở hàng hóa cồng kềnh và điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi quy định... Đây là những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Bà Nguyễn Thị Oanh (thôn 6, xã Lộc Tân) cho biết: “Trong thôn chẳng mấy khi có công an tuần tra, nên người dân chạy xe máy mà không hề đội mũ bảo hiểm cả. Đặc biệt, vào ban đêm, thanh niên chạy xe không đội mũ bảo hiểm lại còn chở ba, chở bốn người và phóng nhanh, vượt ẩu nên người dân ra đường sợ lắm. Thậm chí trẻ con trong thôn mới chỉ 12, 13 tuổi cũng đã biết leo lên xe máy chạy ầm ầm. Khoảng 2 năm trở lại đây, TNGT trên địa bàn thôn liên tục xảy ra và đã có vụ làm chết người vậy mà ý thức người dân vẫn không thay đổi”.
 
Tương tự, tại những địa phương mà chúng tôi có mặt như các xã Lộc Thành, Lộc Nam (huyện Bảo Lâm); Phước Lộc, Đạ P’Loa, Đoàn Kết... (huyện Đạ Huoai) cùng nhiều địa phương khác tại các huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên thì việc người dân không chấp hành Luật GTĐB cũng diễn ra khá phổ biến. Các lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, điều khiển xe máy khi chưa đủ độ tuổi quy định hay điều khiển xe máy khi đã uống rượu bia... Thậm chí, có những trường hợp khi tham gia giao thông vẫn mang theo mũ bảo hiểm hẳn hoi nhưng chỉ treo trên xe mà không sử dụng.
 
Khi chúng tôi hỏi, thì hầu hết những người vi phạm đều biện hộ, vì chỉ di chuyển trên những quãng đường ngắn nên việc đội mũ bảo hiểm làm vướng víu, nặng đầu. 
 
Hơn nữa, khi đi làm rẫy, làm vườn để tiết kiệm nhiên liệu, đỡ mất công trông coi xe, nên họ thường xuyên chở từ 3 - 4 người.  Còn việc họ mang theo mũ bảo hiểm đi cùng chỉ là để phòng khi có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát đột xuất. Thực tế, ngay cả khi lực lượng chức năng có mặt thì việc xử lý các lỗi vi phạm cũng không phải là điều dễ dàng vì những người vi phạm thường thông báo cho nhau tìm cách đối phó, né tránh, qua mặt. Thế rồi, sau khi lực lượng chức năng đi khỏi địa bàn thì mọi chuyện đâu lại vào đó, việc vi phạm Luật GTĐB tiếp tục diễn ra. 
 
Công tác tuyên truyền chưa hiệu quả 
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hàng năm, cùng với việc tổ chức riêng những buổi tuyên truyền Luật GTĐB cho người dân vùng sâu, vùng xa thì thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, thôn, buôn… công tác này cũng đã được các ngành chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên lồng ghép thực hiện. Tuy nhiên, với thực tế tình trạng người dân không chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông vẫn còn diễn ra phổ biến cho thấy hoạt động tuyên truyền chưa đạt được những kết quả như mong muốn. 
 
Ông Trần Văn Dương, Trưởng Công an xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) cho biết: “Hàng nằm, Công an xã đều có kế hoạch tuyên truyền Luật GTĐB cho người dân. Việc tuyên truyền được thực hiện chủ yếu bằng cách lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đoàn thể, thôn, xóm. Tuy nhiên, các buổi tuyên truyền chỉ mới tập hợp, thu hút được một lượng nhỏ người dân tham gia và thành phần chủ yếu là người lớn tuổi. Chính vì vậy, sự hiểu biết, tiếp thu các kiến thức về Luật GTĐB của người dân còn nhiều hạn chế là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, hiện tại, lực lượng công an xã không còn được phép dừng xe, kiểm tra người điều khiển xe máy, nên đã giảm hẳn tính răn đe đối với người dân. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến TNGT trên địa bàn xã trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Nếu như trong năm 2016, toàn xã xảy ra gần 40 vụ TNGT làm 2 người chết và hàng chục người bị thương, thì 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn đã xảy ra 23 vụ TNGT làm hàng chục người bị thương. Cùng với đó, trong 6 tháng qua, qua việc tuần tra, kiểm soát lực lượng công an xã đã xử phạt người vi phạm Luật GTĐB với số tiền hơn 30 triệu đồng”.
 
Trước thực trạng trên, việc các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật GTĐB; đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý vi phạm. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng cần được đổi mới hình thức, hiệu quả, đặc biệt cần tập trung tuyên truyền cho các đối tượng thanh, thiếu niên khi tham gia giao thông.              
 
  KHÁNH PHÚC