Bảo Lộc nỗ lực thi hành án dân sự

09:07, 20/07/2017

Án dân sự chưa thi hành xong tồn đọng ngày càng nhiều là một thực trạng phổ biến hiện nay ở các địa phương. Tại thành phố Bảo Lộc cũng không ngoại lệ mặc dù thành phố đã có những nỗ lực để thi hành án dân sự, kể cả những vụ việc phức tạp, chây ì.

Án dân sự chưa thi hành xong tồn đọng ngày càng nhiều là một thực trạng phổ biến hiện nay ở các địa phương. Tại thành phố Bảo Lộc cũng không ngoại lệ mặc dù thành phố đã có những nỗ lực để thi hành án dân sự, kể cả những vụ việc phức tạp, chây ì.
 
Theo Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Bảo Lộc, trong 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục đã thụ lý mới 769 việc; nâng tổng số vụ việc phải giải quyết trong kỳ là 1.725 việc. Trong đó, số việc có điều kiện thi hành chiếm 71,3% và chưa có điều kiện thi hành chiếm 28,7%. Số tiền phải thi hành cũng khá lớn, đã lên tới 342 tỷ đồng. Trong đó, số tiền có điều kiện thi hành chỉ chiếm 43,8%.
 
Để thực hiện nhiệm vụ khá nặng nề nói trên, Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Bảo Lộc đã xây dựng kế hoạch công tác năm 2017; ra quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và phân công lại địa bàn phụ trách cho từng chấp hành viên; phân công thư ký, chuyên viên giúp việc cho các chấp hành viên; kiểm tra, rà soát án; bổ sung, sửa đổi một số nội dung Quy chế phối hợp liên ngành và thực hiện nghiêm Quy chế đã ký kết; lập kế hoạch tăng cường giải quyết án tồn đọng; xác minh, phân loại án; tập trung giải quyết án có điều kiện thi hành, những vụ việc có giá trị lớn, án có liên đến các khoản thu cho ngân sách Nhà nước và án tín dụng ngân hàng để giảm nợ “xấu”; tổ chức cưỡng chế những vụ việc có điều kiện thi hành, nhưng cố tình chây ỳ, chống đối... 
 
Ngoài những giải pháp nói trên, Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Bảo Lộc còn tăng cường, phối hợp với các ngành, đoàn thể và các xã, phường trong việc vận động, thuyết phục, đôn đốc thi hành án; công khai thủ tục, kết quả giải quyết về thi hành án để phòng, chống tiêu cực và hạn chế khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đối với những vụ việc trọng điểm, án phức tạp kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương, Chi cục Thi hành án Dân sự báo cáo Ban Chỉ đạo Thi hành án và UBND thành phố kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi để Chi cục Thi hành án Dân sự đẩy nhanh việc giải quyết thi hành án. Đối với những vụ việc cố tình chây ì, chống đối, kéo dài, không chấp hành, Chi cục Thi hành án Dân sự đề nghị Ban Chỉ đạo Thi hành án và UBND thành phố ra quyết định cưỡng chế. 
 
Nhờ có những biện pháp tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Bảo Lộc đã thi hành xong 508 việc và số tiền thi hành được 54,7 tỷ đồng. Việc thực hiện các biện pháp chế tài, thành phố đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 47 vụ việc cố tình dây dưa, kéo dài thời gian thi hành án. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp trong việc thi hành án và “áp lực” về số lượng án thụ lý, nên trong số 1.231 vụ việc có điều kiện thi hành, Chi cục Thi hành án Dân sự chỉ mới thi hành được 41%; số tiền có điều kiện thi hành chỉ mới thi hành được 36,4%.
 
Hiện nay, thành phố còn tồn đọng 1.217 việc và số tiền chưa thi hành là 287 tỷ đồng, phải chuyển sang kỳ sau. 
 
Từ thực tiễn, theo Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Bảo Lộc, việc kéo dài thời gian thi hành án và án tồn đọng ngày càng gia tăng là do trong quá trình thi hành án, hầu hết các vụ việc đều liên quan đến tài sản của đương sự, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên đới. Do vậy, tình trạng người phải thi hành án tìm mọi cách đối phó để trốn tránh, tẩu tán tài sản hoặc chống đối thi hành án... diễn ra khá phổ biến. Từ đó, số vụ việc phải cưỡng chế ngày càng tăng cao. Tình trạng chống đối việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá cũng gia tăng. Có những vụ việc, Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các xã, phường huy động lực lượng tới 70 người mới cưỡng chế, giao được tài sản cho người khác. Cũng từ đó đã dẫn tới tâm lý ngại mua tài sản do cơ quan Thi hành án kê biên, bán đấu giá; làm cho việc thi hành án kéo dài, phát sinh đơn thư khiếu nại. Có những tài sản, do thẩm định giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm, dẫn tới việc phải điều chỉnh, giảm giá nhiều lần, kéo dài nhiều năm mới bán đấu giá được.
 
Ngoài ra, trong thực tế còn có những vụ việc đang thi hành thì bị Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm mua bán, chuyển nhượng...”. Tài sản tiến hành kê biên đã bị chuyển nhượng trái pháp luật cho người khác trước đó. Trong quá trình thi hành án những vụ việc liên quan đến đất đai, nhà cửa thường phát sinh thêm công việc là phải xác minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của các thành viên trong cùng một gia đình trong trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ghi “cấp cho hộ”. Số đo thực tế diện tích đất, nhà ở không trùng khớp với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà... Tất cả những trường hợp này đã dẫn đến việc phải thẩm định, xác minh và điều chỉnh, bổ sung hồ sơ dẫn đến thời gian thi hành án bị kéo dài.
 
XUÂN LONG