Lừa đảo vay tiền đáo hạn ngân hàng, chiếm đoạt tài sản lĩnh án chung thân

08:08, 29/08/2017

Sau khi hoãn phiên tòa vào các ngày 30 và 31/3/2017 do có tình tiết mới được đề nghị điều tra bổ sung và mới đây, ngày 24 và 25/7, TAND tỉnh Lâm Ðồng đã đưa vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại TP Ðà Lạt ra xét xử sơ thẩm.

Sau khi hoãn phiên tòa vào các ngày 30 và 31/3/2017 do có tình tiết mới được đề nghị điều tra bổ sung và mới đây, ngày 24 và 25/7, TAND tỉnh Lâm Ðồng đã đưa vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TP Ðà Lạt ra xét xử sơ thẩm.  
 
Theo đó, hồ sơ vụ án, bị cáo Nguyễn Thị Thúy Lộc (SN1978), thường trú ở 01/D18 Hồ Xuân Hương P.9, Đà Lạt, Giám đốc  Công ty CP Hoa Việt Đà Lạt, bằng chiêu thức “thuê người” giả danh cán bộ các ngân hàng thương mại là con của các lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng để lừa đảo vay vốn đáo hạn ngân hàng, chiếm đoạt của 6 bị hại với số tiền lên đến 53,690 tỷ đồng.
 
Kết quả điều tra của cơ quan CSĐT Công an tỉnh và cáo trạng của VKSND tỉnh cho thấy: Vốn là sinh viên của Trường Đại học Đà Lạt, nên tháng 1/2011, thông qua ông Nguyễn Vinh Quang, giảng viên Trường Đại học Đà Lạt, Nguyễn Thị Thúy Lộc thiết lập được quan hệ với bà Lê Thị Xuân Lan là vợ của ông Quang. Từ mối quan hệ này, Lộc đặt vấn đề và được bà Lan nhiều lần cho vay tiền lên đến 20 tỷ đồng để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Khi bị bà Lan nhiều lần đòi nợ, không có khả năng chi trả, Lộc nghĩ ra chiêu thức lừa đảo: Nhờ người quen giới thiệu Đàm Thị Bé (hay còn  gọi là Vy) là nhân viên quán karaoke vào vai cán bộ tín dụng ngân hàng có tên Nguyễn Nữ Huyền Trang - con gái Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng. Được Lộc may sắm đồng phục của Ngân hàng Vietcombank và dạy học thuộc lòng những nội dung về hoạt động đáo hạn tại ngân hàng, Bé tiếp xúc với bà Lan tự giới thiệu mình là Nguyễn Nữ Huyền Trang - cán bộ tín dụng Ngân hàng Vietcombank, đồng thời cho bà Lan xem một giấy xác nhận số tiền 11,2 tỷ đồng trong số 20 tỷ đồng mà bà Lan cho Lộc vay trước đó đã được đáo hạn tại Ngân hàng Vietcombank. Tin tưởng “cán bộ ngân hàng” , bà Lan yên tâm tiếp tục cho Lộc vay vốn để đáo hạn ngân hàng nhiều lần. Và cứ sau mỗi lần đưa tiền cho Lộc vay, bà Lan lại được Bé trong vai cán bộ tín dụng ngân hàng Nguyễn Nữ Huyền Trang giao cho bản danh sách hồ sơ khách hàng đáo hạn tại Ngân hàng Vietcombank, có đầy đủ thông tin ngày tháng, số tiền đáo hạn, tiền lãi được hưởng. Cứ như vậy, bà Lan bị dẫn dụ ngày càng sâu vào chiêu thức lừa đảo của Lộc, nên từ tháng 1/2011 đến thời điểm Lộc bị bắt tạm giam 20/12/2014, bà Lan đã “tình nguyện” cho Lộc vay với số tiền lên đến 93,808 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản, bà Lan bị Lộc lừa đảo chiếm đoạt 28,019 tỷ đồng. 
 
Thấy chiêu thức thuê người đóng vai cán bộ ngân hàng để qua mặt lừa đảo những người “hám lợi” nhẹ dạ, cả tin, tháng 4/2013, Lộc nhờ Bé giới thiệu Nguyễn Thị Bích Loan là bạn cùng quán karaoke với Bé vào vai Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Trưởng phòng tín dụng Ngân hàng Eximbank là em gái bà Hằng vợ ông Hùng - Giám đốc Ngân hàng ĐT-PT Lâm Đồng. Cũng như Bé, Loan được Lộc mua sắm áo quần đồng phục của Ngân hàng Eximbank và dạy các chiêu thức dẫn dụ  “con mồi”. Vì vậy, không những bị sập bẫy” tiếp tục đưa tiền cho Lộc vay, mà đầu năm 2012, bà Lan còn giới thiệu Lộc làm quen với bà Ngô Thị Minh Thành. Khi đã trở nên thân thiết, Lộc đặt vấn đề vay vốn, thì được bà Thành cho hay: Chỉ cho vay đáo hạn ngân hàng. Có được “cơ hội ngàn vàng”, Lộc chỉ đạo Bé vào vai Vũ Nguyễn Huyền Trang-cán bộ tín dụng Ngân hàng Vietcombank cũng là con gái của một Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng khác, đồng thời chỉ đạo Loan vào vai Nguyễn Thị Thanh Hồng-cán bộ tín dụng Ngân hàng Eximbank. Qua đó, ba đối tượng Lộc, Bé và Loan đã lừa đảo bà Thành cho vay để đáo hạn ngân hàng với số tiền 20,370 tỷ đồng. Sau khi trừ số tiền gốc, lãi mà Lộc đã chi trả, số tiền  bà Thành bị lừa đảo còn lại 14,018 tỷ đồng. Điều đáng nói là, gần đến ngày bị phát hiện bắt giữ về tội lừa đảo, Lộc vẫn “qua mặt” được bà Thành, để bà này tiếp tục đưa thêm tiền cho vay 5,5 tỷ đồng, nâng  tổng số tiền bị thiệt hại lên đến 19,518 tỷ đồng.
 
Cũng với chiêu thức lừa đảo như trên, Lộc, Bé và Loan đã dẫn dụ thêm 4 nạn nhân khác cho vay vốn đáo hạn ngân hàng, gồm: Bà Cao Thị Thúy 1,366 tỷ đồng, Phạm Thị Minh Hằng 3,324 tỷ đồng, Đặng Văn Nghĩa 1,070 tỷ đồng, Nguyễn Thị Hiền 350 triệu đồng. Như vậy, với sự giúp sức của hai đồng phạm Bé và Loan, Nguyễn Thị Thúy Lộc đã lừa đảo chiếm đoạt của 6 nạn nhân nêu trên số tiền 53,690 tỷ đồng. 
 
Ngoài việc Bé và Loan được Lộc thưởng công 46 triệu đồng và 26 triệu đồng ra,  riêng Đàm Thị Bé, với chiêu thức vào vai cán bộ ngân hàng đã qua mặt Lộc, trực tiếp lừa đảo, chiếm đoạt của hai nạn nhân khác với số tiền trên 3,684 tỷ đồng.
 
Sau hai ngày xét xử, căn cứ vào kết luận điều tra, cáo trạng, luận tội của cơ quan CSĐT, VKSND và tranh tụng tại tòa, Hội đồng xử án đã tuyên án: 
 
Bị cáo Nguyễn Thị Thúy Lộc chung thân, Đàm Thị Bé 16 năm tù giam, Nguyễn Thị Bích Loan 14 năm tù giam và buộc các bị cáo phải hoàn trả cho các nạn nhân toàn bộ số tiền đã lừa đảo chiếm đoạt.
 
Điều đáng quan tâm là tại phiên tòa, trong quá trình tranh tụng, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng thuận quan điểm khi luật sư chứng minh ông Nguyễn Thế Việt - chồng của Lộc là đồng phạm trong hành vi lừa đảo của bị cáo Nguyễn Thị Thúy Lộc, trong khi kết luận điều tra của cơ quan CSĐT và cáo trạng của VKSND tỉnh thì lại cho rằng ông Nguyễn Thế Việt không phải là đồng phạm trong vụ án. Mặt khác, nhiều khoản vay nợ giữa bị cáo Nguyễn Thị Thúy Lộc với bị hại Lê Thị Xuân Lan và Ngô Thị Minh Thành chồng chéo phức tạp chưa được làm rõ… Do vậy, tuy phiên xử sơ thẩm đã kết thúc, nhưng các bị hại và các bị cáo đều bày tỏ sẽ có đơn kháng án đến TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.        
               
 HOÀNG ÐẠI HUYNH