Phòng chống tội phạm - những vấn đề đặt ra

09:09, 05/09/2017

Báo cáo với đoàn khảo sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào trung tuần tháng 8/2017, đại diện UBND tỉnh Lâm Ðồng nhận định: Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Trong đó, tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống tội phạm.

Báo cáo với đoàn khảo sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào trung tuần tháng 8/2017, đại diện UBND tỉnh Lâm Ðồng nhận định: Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Trong đó, tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống tội phạm.
 
Xã hội hóa camera an ninh giúp phát hiện, phòng chống tội phạm tại khu dân cư. Ảnh: Hà Nguyệt
Xã hội hóa camera an ninh giúp phát hiện, phòng chống tội phạm tại khu dân cư. Ảnh: Hà Nguyệt

Gần một năm qua, từ tháng 10 năm 2016 đến nay, về lĩnh vực phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan, truy quét, giải tỏa tình hình khai thác thiếc trái phép tại khu vực Núi Cao thuộc TK 142, 143 xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Kết quả, đã phát hiện 2 điểm khai thác trái phép gồm 29 đối tượng tham gia khai thác, tháo dỡ 12 chòi bạt và nổ mìn lấp các hầm để ngăn chặn các đối tượng tiếp tục khai thác. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã phát hiện, lập biên bản 836 vụ vi phạm lâm luật, giảm 15,88% so cùng kỳ, giảm 26,45% diện tích rừng bị thiệt hại. Đã xử lý 756 vụ, trong đó xử lý hành chính 726 vụ, chuyển 30 vụ sang cơ quan chức năng xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
 
Về lĩnh vực phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới. Chỉ tính riêng đợt trước và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, đã phát hiện và xử lý trên 1.629 vụ kinh doanh hàng lậu, gian lận thương mại có quy mô nhỏ lẻ. Cơ quan chức năng tiến hành xử lý 1.248 vụ, xử phạt hành chính trên 5 tỷ đồng, tiến hành thu giữ, tiêu hủy hàng hóa trị giá trên 1,5 tỷ đồng theo quy định của pháp luật.
 
Về công tác thanh tra, đã phát hiện và chuyển hồ sơ 3 vụ liên quan đến tham nhũng với tổng số tiền sai phạm trên 835 triệu đồng, hiện đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh tiếp tục xử lý.
 
UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành nắm sát tình hình, vận động quần chúng, tham mưu chính quyền tổ chức tuyên truyền trong quần chúng nhân dân, phòng ngừa không để những vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thực hiện Đề án “xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”. Toàn tỉnh hiện có 28/147 xã, phường không có tệ nạn ma túy. 
 
Theo thống kê, hiện có khoảng 1.155 người bị bệnh lý tâm thần và 106 người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” đang sinh sống tại gia đình và cộng đồng.
 
Về hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh cũng được kiềm chế do công tác phòng chống tệ nạn mại dâm được đôn đốc thường xuyên.  Có 13 đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015. Qua đó, đã vận động được 122 người đi cai nghiện tự nguyện, tư vấn cho hàng trăm lượt người qua đường dây nóng hoặc tư vấn trực tiếp qua kênh truyền thông tại các tổ chức, trường học.
 
Các biện pháp ngăn ngừa vi phạm pháp luật chủ yếu là nâng cao giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với tầng lớp thanh niên. Cơ quan Công an phối hợp với Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn Đà Lạt và các trường học, phường, xã tổ chức tuyên truyền cho hơn 11 ngàn đoàn viên, thanh niên về tác hại của ma túy, về công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy, về các thủ đoạn của tội phạm ma túy nhằm cung cấp kiến thức căn bản cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, tạo sức “đề kháng” giúp các em thanh thiếu niên không bị dụ dỗ, lôi kéo. Các ngành đoàn thể tại tổ dân phố đã phối hợp thực hiện cảm hóa giáo dục cho 135/254 thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội.
 
Cũng theo tổng hợp của cơ quan chức năng, toàn tỉnh không có trường hợp vi phạm nào về hành vi bao che, tiếp tay cho tội phạm và các đối tượng vi phạm pháp luật.
 
Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo phòng chống tội phạm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Liêm cho rằng: Một phần hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn nhiều bất cập, chồng chéo; tình hình người nghiện ma túy tổng hợp trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, số đối tượng nghiện ngoài xã hội khó kiểm soát chính là nguyên nhân phát sinh tội phạm và các tệ nạn xã hội. Mặt khác, công tác quản lý lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện vào cơ sở cai nghiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; lực lượng làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật tại một số nơi, một số lĩnh vực còn thiếu, trình độ năng lực còn hạn chế, bố trí công việc chưa hợp lý, không đúng chuyên môn nghiệp vụ… khiến cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn toàn tỉnh chưa được như mong muốn.
 
Trao đổi thẳng thắn với đoàn khảo sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về tồn tại, hạn chế và khó khăn, nhiều đại biểu ngành Công an, Tư pháp, khối nội chính của tỉnh cũng cho rằng, nguyên nhân do một số cơ chế, chính sách pháp luật chưa được bổ sung hoàn thiện, chưa sát với thực tế, trong khi việc bổ sung chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến công tác đấu tranh trấn áp tội phạm. Nhất là bất cập trong việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc tại các Trung tâm cai nghiện theo quy định tại Luật xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định 221, 136 còn gặp nhiều khó khăn, chưa giải quyết được trong quá trình thực hiện.  
 
Công tác phối hợp triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, mua bán người trái phép… còn rất hạn chế, nhất là công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện tại cấp cơ sở. Vai trò, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở trong triển khai thực hiện phòng chống tội phạm chưa cao, chưa nắm bắt thường xuyên, sâu sát. Mặt khác, do một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, thiếu ý thức cảnh giác, chưa nâng cao ý thức bảo quản tài sản nên phần nào cũng đã tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động. 
 
Do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã tạo ra nhiều loại hình dịch vụ viễn thông, Internet rất khó kiểm soát, khó quản lý. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như bán hàng đa cấp, kinh doanh trò chơi điện tử máy bắn cá, quản lý dịch vụ mạo hiểm, quản lý cư trú người nước ngoài… còn để sơ hở, thiếu sót tạo kẽ hở cho các đối tượng vi phạm pháp luật hoạt động, gây thất thoát tài sản, kinh tế của nhân dân.  
 
HÀ NGUYỆT