Vi phạm giảm, nhưng chưa ngăn chặn triệt để

09:09, 05/09/2017

8 tháng đầu năm 2017, tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) 721 vụ, diện tích thiệt hại do phá rừng (THDPR) 65,6778 ha, lâm sản thiệt hại (LSTH) 2.805,482 m3. So cùng kỳ năm 2016, số vụ vi phạm giảm 279 vụ (28%); diện tích THDPR giảm 31,4543 ha (32%), LSTH giảm 502,308 m3 (15%).

8 tháng đầu năm 2017, tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) 721 vụ, diện tích thiệt hại do phá rừng (THDPR) 65,6778 ha, lâm sản thiệt hại (LSTH) 2.805,482 m3. So cùng kỳ năm 2016, số vụ vi phạm giảm 279 vụ (28%); diện tích THDPR giảm 31,4543 ha (32%), LSTH giảm 502,308 m3 (15%). Tuy nhiên, “tình hình vi phạm pháp luật BV&PTR trên địa bàn vẫn còn diễn ra mà chưa được ngăn chặn triệt để...”, Chi cục trưởng Kiểm lâm Nguyễn Khang Thiên cho biết. 
 
Bài học buông lỏng trong quản lý, bảo vệ rừng ở Bảo Lâm vẫn luôn là sự cảnh báo đối với bất kỳ lâm phần nào. Ảnh: M.Đ
Bài học buông lỏng trong quản lý, bảo vệ rừng ở Bảo Lâm vẫn luôn là sự cảnh báo đối với bất kỳ lâm phần nào. Ảnh: M.Đ

Vi phạm giảm sâu 
 
Thông tin từ Phòng Thanh tra-Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng: Trong tháng 8/2017, toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản 91 vụ vi phạm Luật BV&PTR, diện tích THDPR 68.818 m2, LSTH 238,075 m 3; trong đó, vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng 36 vụ (chiếm 40%), vi phạm quy định về phát triển rừng 14 vụ (15%), vi phạm quy định về quản lý lâm sản 41 vụ (45%). Đáng buồn là so với tháng 7/2017, số vụ tiếp tục tăng lên 4 vụ; tuy nhiên, diện tích THDPR giảm được 79.103 m 2 (53%). So sánh tháng 8/2016, số vụ vi phạm giảm 59 vụ (bằng 39%), diện tích THDPR giảm 103.080 m 2 (60%), LSTH giảm 266,232 m 3 (53%). Đây là những con số rất đáng ghi nhận về sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn, bản ở Lâm Đồng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quản lý, BV&PTR. Cũng theo Phòng Thanh tra - Pháp chế, đã có 66 vụ vi phạm được xử lý, trong đó xử lý hành chính 64 vụ và 2 vụ chuyển xử lý hình sự. Theo đó, 29 phương tiện, dụng cụ tịch thu qua xử lý vi phạm cùng 164,283 m 3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 806 triệu đồng. 
 
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhìn chung các dự án thuê đất thuê rừng đã ngày càng phát huy tính xã hội hóa về BV&PTR cũng như đất lâm nghiệp. Trong lĩnh vực này, đáng ghi nhận nhất là việc thu hút đầu tư và giải quyết việc làm, nâng cao, cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn miền núi sống gần rừng, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. 
 
Đạt được kết quả giảm sâu về các hành vi vi phạm Luật BV&PTR nêu trên, những yếu tố cần được phát huy là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành; việc triển khai đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân đến giao khoán BVR. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm tra rừng thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt tại những khu vực trọng điểm, vùng giáp ranh...
 
Nhưng chưa ngăn chặn triệt để
 
Theo đánh giá nghiêm túc của Thường trực Ban chỉ đạo về Kế hoạch BV&PTR tỉnh Nguyễn Khang Thiên, những nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại và hạn chế có cả khách quan và chủ quan. Ông Thiên cho rằng, công tác kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp chưa hiệu quả; việc giải tỏa thu hồi để tổ chức trồng rừng không kịp thời dẫn đến đất lâm nghiệp dễ bị tái lấn chiếm. Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm vẫn hoạt động tinh vi, phức tạp, manh động gây không ít khó khăn, trở ngại trong triển khai nhiệm vụ truy bắt và xử lý. 
 
Mặt khác, mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng thẳng thắn mà nói, sự phối hợp giữa các lực lượng kiểm lâm - chủ rừng - chính quyền địa phương cấp xã; giữa kiểm lâm và công an ở một số nơi chưa thực sự đạt hiệu quả, còn hoạt động theo vụ việc. Căn cứ các văn bản chỉ đạo và định hướng, đặc biệt là Chỉ thị số 30/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát huy năng lực lãnh đạo của Đảng và sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị, Quy chế phối hợp giữa kiểm lâm và công an, rõ ràng vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục chấn chỉnh và khắc phục quyết liệt hơn. 
 
Theo ông Thiên, “Việc phối hợp điều tra, xác minh, truy tìm để xử lý các “đầu nậu”, chủ đường dây mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép của các lực lượng chức năng chưa triệt để nên các hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra phức tạp”. 
 
Một thực tế khác cũng chưa chuyển biến mạnh là một số chủ rừng, nhất là các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư còn buông lỏng trong công tác BVR và PCCCR, chưa tổ chức lực lượng đủ mạnh để thực hiện việc ngăn chặn, đẩy lùi dần, tiến tới xóa bỏ triệt để các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng trên lâm phần được thuê. Tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Thời gian qua, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh đã tác động thực sự về việc thẩm định và xử lý đến các chủ rừng vi phạm. Đến nay, sau thu hồi, toàn tỉnh còn 395 dự án thuộc 328 doanh nghiệp đang đầu tư triển khai với tổng diện tích 57.057 ha. Vấn đề tiếp tục đặt ra là, ngoài triển khai đúng tiến độ, bố trí lực lượng tuần tra, quản lý BVR, chủ doanh nghiệp cần phối kết hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tại địa phương một cách kịp thời, thường xuyên hết sức quan trọng. 
 
Để tiếp tục giữ vững mức độ giảm sâu về các hành vi vi phạm Luật BV&PTR trong những tháng còn lại năm 2017, ngoài khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại nêu trên, rất cần tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị 13 của Ban Bí thư và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như 622, 38, 49, 44 cũng như các văn bản của tỉnh Lâm Đồng... “Có thực hiện đồng bộ các giải pháp, chương trình, dự án về quản lý BVR, PCCCR; phấn đấu giảm các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng cả về số vụ và diện tích thiệt hại thì mới thực hiện được mục tiêu chung năm 2017 là giảm được 20% số vụ vi phạm Luật BV&PTR và giảm ít nhất 50% diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng, phá rừng gây ra so với năm 2016”, ông Nguyễn Khang Thiên nhấn mạnh. 
 
MINH ÐẠO