Phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, phòng chống bạo lực học đường

07:06, 24/06/2019

Qua 3 năm triển khai quy chế phối hợp giữa Sở Giáo dục - Ðào tạo và Công an tỉnh đã ghi nhận 329 vụ liên quan đến 792 học sinh, sinh viên, giáo viên vi phạm pháp luật...

Qua 3 năm triển khai quy chế phối hợp giữa Sở Giáo dục - Ðào tạo và Công an tỉnh đã ghi nhận 329 vụ liên quan đến 792 học sinh, sinh viên, giáo viên vi phạm pháp luật. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Ðề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên” trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Khen thưởng các điển hình trong 3 năm thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Công an và Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng. Ảnh: A.Nhiên
Khen thưởng các điển hình trong 3 năm thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Công an và Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng. Ảnh: A.Nhiên
 
Trong 3 năm gần đây, Công an tỉnh đã điều tra 104 vụ (khởi tố 35 vụ) liên quan đến 227 đối tượng (chưa tính số học sinh, sinh viên vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông bị xử lý vi phạm hành chính). Cụ thể: giết người 1 vụ 1 đối tượng; hiếp dâm 3 vụ 3 đối tượng; dâm ô trẻ em 2 vụ 2 đối tượng; cướp tài sản 3 vụ 3 đối tượng; mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất kích thích (ma túy) 41 vụ 143 đối tượng; sử dụng công cụ hỗ trợ trái pháp 1 vụ 1 đối tượng; bắt giữ người trái pháp luật 1 vụ 1 đối tượng; trộm cắp tài sản 38 vụ 51 đối tượng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản 4 vụ 5 đối tượng; chiếm đoạt tài sản 1 vụ 1 đối tượng; đánh bạc 3 vụ 4 đối tượng; hủy hoại tài sản 4 vụ 9 đối tượng; cưỡng đoạt tài sản 1 vụ 1 đối tượng…
 
Theo nhận định của hai sở, ngành Công an và Giáo dục - Đào tạo, tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thống kê từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 106 vụ mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau với 342 đối tượng liên quan. Trong đó, chủ yếu là vụ việc đánh nhau giữa học sinh với học sinh; giữa giáo viên với giáo viên 1 vụ 3 người; 1 vụ học sinh đánh nhân viên bảo vệ. Đáng chú ý, các vụ việc đánh nhau có hung khí nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng trong học sinh vẫn tiếp tục xảy ra. 
 
Cụ thể: 1 vụ tại Trường THCS Lạc Xuân (Đơn Dương), chỉ từ việc xích mích nhỏ, một học sinh lớp 8 đã sử dụng dao rọc giấy có sẵn đâm bạn cùng lớp bị thương. Nhà trường đã phối hợp Công an xã giải quyết vụ việc trên, ra quyết định đuổi học 1 tuần đối với học sinh đâm bạn và kỷ luật cảnh cáo 2 học sinh (1 học sinh bị đâm và 1 học sinh cho mượn dao rọc giấy).  
 
Vụ đánh nhau gây thương tích giữa 2 học sinh lớp 9 Trường THCS Hòa Nam (Di Linh), hậu quả 1 học sinh phải nhập viện khâu vết thương 22 mũi. Công an huyện đã phối hợp nhà trường giải quyết vụ việc, bàn giao cho nhà trường xử lý đúng quy định và phối hợp với gia đình quản lý chặt chẽ, giáo dục con em học sinh. 
 
Một vụ xảy ra tại Sân vận động thị trấn Di Linh (Di Linh) đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí nguy hiểm giữa 2 học sinh Trường THPT Phan Bội Châu và Trường THPT Di Linh, nguyên nhân phát sinh do mâu thuẫn bên ngoài. Hậu quả 1 trường hợp bị thương phải đi điều trị ở Trung tâm Y tế Di Linh. Công an huyện phối hợp với Ban giám hiệu 2 trường trên tiến hành điều tra, xác minh, xử lý theo quy định pháp luật. 
 
Trong 3 năm qua, Sở Giáo dục - Ðào tạo và Công an tỉnh đã tổ chức 396 buổi tuyên truyền cho gần 194.000 cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên về công tác đảm bảo an ninh trật tự trong nhà trường. 
 
Chủ động rà soát, lập danh sách trao đổi thông tin số học sinh, sinh viên có biểu hiện vi phạm pháp luật để phối hợp với gia đình và các đoàn thể có biện pháp răn đe, quản lý, giáo dục, nhất là đối tượng học sinh cá biệt.
 
Song song với việc triển khai quy chế phối hợp, giữa 2 sở, ngành Công an và Giáo dục - Đào tạo đã triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Bao gồm các hoạt động được triển khai như nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân, chất lượng các hoạt động ngoại khóa, giáo dục học sinh, sinh viên ý thức đấu tranh và phòng ngừa các tệ nạn xã hội, ma túy, các hành vi vi phạm pháp luật xâm nhập vào học đường.
 
Giữa hai sở, ngành Giáo dục - Đào tạo và Công an tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp trong năm 2019, tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, giữ vững trật tự an toàn trong trường học. Theo đó, phát động phong trào xây dựng nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, chủ động phòng ngừa vi phạm pháp luật trong nhà trường.  
 
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên” năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thanh thiếu niên. Nội dung quan trọng của Đề án là khảo sát thực trạng nhận thức và hiểu biết pháp luật của một số đối tượng, trong đó tập trung vào nữ thanh thiếu niên, thanh thiếu niên là người nghèo, DTTS để tạo cơ sở đề xuất giải pháp, mô hình triển khai phù hợp.
 
Đồng thời, nâng cao năng lực, kỹ năng PBGDPL cho báo cáo viên pháp luật, cán bộ Đoàn, cán bộ quản lý theo dõi công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên (lồng ghép kết hợp với thực hiện nhiệm vụ được giao trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới). Trong đó, nghiên cứu thí điểm đổi mới việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL trong chương trình bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.  Chia sẻ kinh nghiệm, mô hình PBGDPL hiệu quả và chỉ đạo điểm về PBGDPL cho thanh thiếu niên. Tiến hành rà soát và lựa chọn các sáng kiến, mô hình PBGDPL có hiệu quả cho thanh thiếu niên trên cơ sở cuộc thi viết “Sáng kiến, mô hình PBGDPL hiệu quả cho thanh thiếu niên” được Bộ Tư pháp tổ chức năm 2018; tổ chức hội thảo, tổng kết đánh giá kết quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến mô hình PBGDPL hiệu quả cho thanh thiếu niên.
 
AN NHIÊN