Bộ luật Lao động (sửa đổi) bảo vệ quyền lợi sát sườn của người lao động

06:10, 08/10/2019

Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có rất nhiều điểm mới được sửa đổi, góp ý, trưng cầu ý kiến người lao động và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần xây dựng luật đi vào thực tiễn, bảo vệ quyền lợi sát sườn cho người lao động. 

Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có rất nhiều điểm mới được sửa đổi, góp ý, trưng cầu ý kiến người lao động và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần xây dựng luật đi vào thực tiễn, bảo vệ quyền lợi sát sườn cho người lao động. 
 
Ông Hoàng Bình, đại diện Tổ Tư vấn pháp luật của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý điều chỉnh một số điều của Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho phù hợp với thực tiễn, bảo vệ quyền lợi sát sườn người lao động. Ảnh: N.Thu
Ông Hoàng Bình, đại diện Tổ Tư vấn pháp luật của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý điều chỉnh một số điều của Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho phù hợp với thực tiễn, bảo vệ quyền lợi sát sườn người lao động. Ảnh: N.Thu
 
Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đã có 170 ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến thảo luận ở tổ và 26 ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội và cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam.
 
Trên thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật; từ phía người lao động bản chất là do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống; từ phía người sử dụng lao động là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tùy theo từng thời điểm. Vấn đề này hiện nay còn có ý kiến khác nhau từ phía Công đoàn, người lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp.
 
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định theo phương án 1 do Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định nâng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành và đề nghị làm rõ về việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ; đồng thời cũng cho rằng việc quy định này sẽ dẫn đến nhiều tranh luận khác nhau giữa “tuổi nghỉ hưu” và “tuổi nghề”.
 
Quá trình lấy ý kiến cũng cho thấy, dư luận người lao động (nhất là người lao động trực tiếp sản xuất, đứng máy dây chuyền… ở doanh nghiệp) chưa có sự đồng thuận cao về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đòi hỏi cần có thời gian để tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khác nhau và quan tâm hơn công tác truyền thông trong thời gian tới.
 
Về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định làm rõ hơn vai trò của tổ chức Công đoàn nhằm khẳng định vị trí chính trị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được Hiến pháp và Luật Công đoàn ghi nhận, đồng thời tránh nhầm lẫn giữa tổ chức Công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
 
Các nội dung này chưa được dự án Bộ luật cũng như các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành đề cập, đề nghị cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ hơn. Về tiền lương, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị phải quy định rõ mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu; có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tiền lương theo kết cấu về tiền lương sẽ tạo ra những khó khăn trong quản lý nhà nước.
 
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Điều 93 dự thảo Bộ luật chỉnh lý theo hướng: quy định mức lương tối thiểu “phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”; Chính phủ quyết định, công bố mức lương tối thiểu như quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
 
Về độ tuổi nghỉ hưu, đa số các đối tượng người lao động của Lâm Đồng cho rằng: nếu tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố về đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, đề nghị Quốc hội cần cân nhắc kỹ đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Đề nghị Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Đối với công chức, viên chức được quyền nghỉ hưu sớm hơn tối đa là 5 năm; người lao động ở lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quyền nghỉ hưu sớm hơn 10 năm so với quy định.
 
Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề góp ý Luật Lao động của đại biểu Quốc hội với lực lượng viên chức, người lao động Lâm Đồng, ông Lê Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng cũng góp ý đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu theo các nhóm là: công chức - tăng tất cả, viên chức - tăng một bộ phận lớn, công nhân lao động - chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng với lao động nữ chỉ nên là 58 tuổi. Về chế độ tiền lương, rất nhiều ý kiến của người lao động, công chức, viên chức Lâm Đồng cho rằng: thống nhất việc doanh nghiệp được tự quyết định chính sách tiền lương thông qua xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương và trả lương theo năng suất, hiệu quả, mức độ đóng góp của họ. 
 
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đề nghị cần quy định cụ thể hơn về sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động trong quá trình xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, không chỉ là “tham khảo ý kiến” mang tính hình thức như hiện nay. Đề nghị Chính phủ là cơ quan xác định “mức sống tối thiểu” và công bố “mức sống tối thiểu” làm căn cứ xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm, đảm bảo “mức tiền lương tối thiểu” phải tiệm cận với “mức sống tối thiểu”, vì thực tế hiện nay mức tiền lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hàng năm vẫn thấp hơn nhiều so với mức sống tối thiểu. 
 
Các ý kiến góp ý xác đáng, sát thực tiễn, bảo vệ quyền lợi sát sườn cho người lao động sẽ được Tổ thư ký Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tổng hợp, chuyển ý kiến góp ý đến Ban soạn thảo đề nghị Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh Bộ luật Lao động cho phù hợp. 
 
NGUYỆT THU