"Máu rừng" vẫn chảy

06:11, 01/11/2019

Tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng đã và đang là vấn đề "nóng" ở Lâm Hà. Mặc dù cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, nhiều đối tượng đã bị xử lý trước pháp luật nhưng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục bị "chảy máu"; những hộ trồng rừng liên tục bị đe dọa; đất rừng bị lấn chiếm, sang nhượng, mua bán ngang nhiên.

Tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng đã và đang là vấn đề “nóng” ở Lâm Hà. Mặc dù cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, nhiều đối tượng đã bị xử lý trước pháp luật nhưng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục bị “chảy máu”; những hộ trồng rừng liên tục bị đe dọa; đất rừng bị lấn chiếm, sang nhượng, mua bán ngang nhiên.
 
Các đối tượng ngang nhiên đưa máy múc vào ủi đường giữa rừng tự nhiên
Các đối tượng ngang nhiên đưa máy múc vào ủi đường giữa rừng tự nhiên
 
Nhiều hộ dân trồng rừng bị đe dọa
 
Đó là câu chuyện đã xảy ra từ những năm trước. Năm 2016, ông Phạm Thanh Tú (51 tuổi), thường trú tại thôn Đoàn Kết, xã Tân Thanh có đủ các giấy tờ hợp pháp để tiến hành trồng rừng trên diện tích 6,7 ha đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 292, lâm phần thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Lán Tranh (nay là BQLRPH Lâm Hà). Tuy nhiên, diện tích đất này nhiều lần bị các đối tượng phá và lấn chiếm. Tháng 4/2018, gia đình ông Tú dựng căn nhà gỗ lợp tôn tại đây để tiện trông coi. Ngày 14/6/2018, gia đình ông trồng mắc ca trên diện tích này, sau đó 5 ngày thì bị chặt 100 cây. Do bị phá nên gia đình ông dựng tiếp một căn nhà tạm để tiện trông coi thì có một số đối tượng lạ mặt không cho dựng và dọa “nếu dựng nhà sẽ bị đốt”. Đêm 2/7/2018, toàn bộ vật liệu để trên nền nhà đã bị đốt. Và đến ngày 26/7/2018 căn nhà bị đốt cháy hoàn toàn. Theo ông Tú, việc các đối tượng ngang nhiên uy hiếp những hộ có diện tích trồng rừng, nhằm lấn chiếm diện tích này để sang nhượng trái phép. 
 
Vụ việc thứ 2 của ông Trần Đức Hòa (56 tuổi), trú tại thôn Tân Bình, xã Tân Thanh. Cụ thể, ngày 31/7/2013, ông Nguyễn Văn Toàn (47 tuổi) trú tại xã Tân Hà đã nhận hợp đồng giao khoán với BQLRPH Lán Tranh để trồng rừng trên diện tích 4,4 ha tại Lô B2 Khoảnh 3, Tiểu khu 287 thời hạn 50 năm. Ông Toàn và ông Hòa đã có hợp đồng hợp tác trồng rừng với thời hạn 46 năm công chứng tại Văn phòng công chứng Lâm Hà ngày 2/2/2016.
 
Theo đó, ông Hòa sẽ đảm nhận toàn bộ việc trồng rừng, khai thác và tiêu thụ sản phẩm sau khi thu hoạch. Lợi nhuận ông Toàn hưởng 40%, ông Hòa hưởng 60%. Đồng thời, ông Hòa chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp liên quan đến diện tích được giao khoán và cây trồng. Do diện tích rộng, ông Hòa đã thỏa thuận cùng ông Hoàng Văn Môn trú tại xã Tân Thanh chăm sóc, quản lý diện tích đất trên. Mỗi người quản lý 2,2 ha. Đến tháng 11/2017, trên diện tích đất rừng này đã trồng cây sao, hiện khoảng 4 - 5 tuổi. Tuy nhiên, có một số đối tượng đã tự ý đưa máy múc vào phá hoại gần 15.000 m 2, làm hư hại hoàn toàn lượng cây sao trên diện tích đất này. Vụ việc đã được ông Hòa gửi đơn đến các cơ quan chức năng.
 
Ngày 15/6/2018, gia đình ông Hòa đã trồng mắc ca trên diện tích 8.000 m 2. Mắc ca phát triển tốt, độ cao từ 50 cm - 1 m/cây. Đến 9/12/2018, lợi dụng ban đêm không người trông coi có đối tượng đã chặt hạ hơn 250 cây mắc ca. Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, trên diện tích hơn 1,5 ha, cây sao, mắc ca đã bị chặt trắng hoàn toàn, có dấu vết của việc đưa máy múc lên đào xới. Ông Hoàng Văn Môn cho biết thêm, khi ông dọn dẹp đất để trồng lại cây rừng thì có đối tượng thường xuyên gọi điện đe dọa ngăn không cho trồng lại.
 
Trả lời về vụ việc của ông Trần Đức Hòa, Công an huyện Lâm Hà cho biết: Đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ làm rõ đối tượng, tiến hành định giá tài sản và làm việc với ông Hòa, ông Môn, các đối tượng nghi vấn liên quan và phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và BQLRPH Lâm Hà để xác định nguồn gốc đất và tài sản trên đất để xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra giải quyết tin báo đã hết và chưa xác định được đối tượng nên ngày 18/4/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lâm Hà đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo.
 
 Đây là những vụ việc tiêu biểu mà người dân có đơn gửi cơ quan chức năng. Nhưng nằm sâu trong các tiểu khu, còn nhiều người dân cũng đang rơi vào tình trạng này. Trong đó có cả những hộ người đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên đã sinh sống tại khu vực này từ lâu. Hiện các hộ này đang thực hiện trồng cây rừng xen vào diện tích cà phê trước đây theo nội dung Đề án số 04 ngày 27/7/2014 của UBND huyện: Người dân vừa trồng rừng vừa có thể canh tác nông nghiệp xen canh dưới tán cây rừng với mật độ trồng phù hợp, đảm bảo, diện tích rừng vừa được phục hồi và vẫn đảm bảo được kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không yên tâm sản xuất bởi diện tích đất liên tục bị lấn chiếm và đe dọa lấn chiếm. Chỉ sau một đêm nhiều diện tích cà phê, cây rừng bị chặt phá. Và lợi dụng những ngày cuối tuần khi bà con vào xã để đi lễ nhà thờ các đối tượng dùng máy múc vào đào xới để khẳng định “chủ quyền”. 
 
Việc mua bán, sang nhượng đất rừng trong các tiểu khu còn diễn ra rất “sôi động”. Ðơn cử như tại Tiểu khu 287, 292, người dân nơi đây cho biết nhiều diện tích đất rừng đã được mua qua bán lại, giá trung bình 400 - 500 triệu đồng/ha, đồng thời, việc lấn chiếm đất lâm nghiệp tại những khu vực này thời gian gần đây diễn ra rất ngang nhiên.
 
Trao đổi về những bất ổn trên, đại diện lãnh đạo BQLRPH Lâm Hà bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn tới việc diện tích và loại cây mà người dân trồng có đúng với phương án giao khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng hay không. Nếu người dân trồng sai diện tích, sai loại cây rừng thì đã có cơ quan chức năng xử lý. Không có cá nhân hay thế lực nào tự ý giải quyết việc này theo kiểu chặt cây, đe dọa, hành hung…
 
Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị lâm tặc đốn hạ
Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị lâm tặc đốn hạ
 
Mất rừng ngay cạnh trạm QLBVR
 
Tại khu vực các tiểu khu nói trên, diện tích rừng tự nhiên cũng bị tác động. Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực này nhiều cây gỗ lớn có đường kính gần 90 cm bị đốn hạ và xẻ ngay trong rừng. Nhiều con đường do các đối tượng tự ý dùng máy múc để mở giữa rừng. Vết đất còn rất mới, nhiều cây rừng lớn bị cưa đổ ngổn ngang. Một hộ nhận khoán tại khu vực này khẳng định: “Có rất nhiều con đường như thế giữa rừng. Chúng tôi đã báo trạm QLBVR nhiều lần nhưng không thấy trạm có động thái gì”. Người dân nơi đây cho biết thêm, hiện khu vực này có một số máy múc thường hoạt động vào ban đêm, ban ngày được giấu kỹ trong rừng.
 
Điều đáng nói là để vào các tiểu khu này chỉ có con đường độc đạo đi qua Trạm QLBVR Con Óh. Chiều 23/10, trao đổi với chúng tôi về việc Trạm Con Óh có phát hiện và báo cáo có xe máy múc đi vào rừng hay không, ông Võ Kim Lan - Phó BQLRPH Lâm Hà cho biết: Trạm đã báo cáo bằng miệng trước đó 1 ngày.
 
Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị lâm tặc đốn hạ
Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị lâm tặc đốn hạ
 
Để khẳng định rõ việc rừng tự nhiên tại đây đang bị tác động mạnh và để đối chiếu với trả lời từ phía BQLRPH Lâm Hà, phóng viên đã chủ động liên lạc với Chi Cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng. Sau khi có thông tin từ phóng viên, ngày 25/10, Hạt Kiểm lâm Lâm Hà phối hợp với đội KLCĐ&PCCCR số 1 và UBND xã Phúc Thọ đã tổ chức kiểm tra về việc phá rừng, san ủi làm đường xảy ra tại Lô c1, Khoảnh 1a, Tiểu khu 286A. Kết quả phát hiện hiện trường phá rừng, rà ủi đường, rừng bị phát luỗng với diện tích 6.750 m 2, 43 cây gỗ đường kính mặt cắt gốc từ 14 - 70 cm bị cưa hạ, khối lượng còn lại tại hiện trường đo đếm được 8,472 m 3. Tại vị trí này bị san ủi mở đường dài 385 m, rộng 3 m. Tại Lô C2 Khoảnh 2, Tiểu khu 287 phát hiện hiện trường phá rừng trái phép với diện tích 2.235 m 2, có 40 cây gỗ có đường kính gốc chừa từ 16 - 40 cm bị cắt khúc, gom đống. Tại đây cũng có con đường dài 385 m, rộng 3 m vừa san ủi. Dấu vết tại hiện trường cho thấy sau khi ủi đường, cắt cây, xe cơ giới vào cào, xới lớp đất mặt. Ngoài ra, khu vực lân cận còn có 3 điểm luỗng phát khác bằng dao, rựa phá hủy hoàn toàn các cây tái sinh cho đến những cây có đường kính 15 cm trở xuống. Toàn bộ diện tích bị tác động trên đều thuộc rừng tự nhiên. Ngoài ra, qua kiểm tra cũng đã phát hiện 1 máy múc được giấu trong rừng tự nhiên tại Lô c1, Khoảnh 3, Tiểu khu 287.
 
Toàn bộ các diện tích bị phát hiện phá rừng trên chỉ cách trạm Con Óh trong vòng bán kính gần 2 km, có đường đi thuận lợi. Diện tích phá rừng, san ủi làm đường lớn, thời gian vi phạm kéo dài nhưng cán bộ trạm “không hề hay biết”. Hay nói đúng hơn đó là hậu quả từ việc buông lỏng quản lý của đơn vị chủ rừng. Từ việc đe dọa các hộ dân trồng rừng, lấn chiếm đất rừng cho đến đưa máy móc tác động vào rừng tự nhiên… đều diễn ra công khai. Diện tích bị tác động lớn và mức độ tác động nghiêm trọng. Ở nơi được cho là còn nhiều diện tích rừng nhất của huyện Lâm Hà, “máu rừng” vẫn đang chảy.
 
NHÓM PV