Cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để mất rừng cộng đồng

06:11, 04/11/2019

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 8 cộng đồng dân cư được giao đất, giao rừng với tổng diện tích hơn 2.260 ha...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 8 cộng đồng dân cư được giao đất, giao rừng với tổng diện tích hơn 2.260 ha. Thẩm quyền giao rừng và thu hồi rừng cộng đồng thuộc UBND các huyện có rừng được giao cho cộng đồng, gồm: Đam Rông, Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lâm.
 
Cơ quan chức năng kiểm tra tại một khu vực rừng cộng đồng bị phá trồng cây nông nghiệp
Cơ quan chức năng kiểm tra tại một khu vực rừng cộng đồng bị phá trồng cây nông nghiệp
 
Theo kết quả kiểm tra của Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho thấy, trong 8 mô hình rừng cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ có 3 mô hình, gồm: Thôn Phú An (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng), Thôn 6 (xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông) và mô hình rừng cộng đồng thôn Ka La Tơng Gu (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh), với tổng diện tích rừng, đất rừng được giao gần 990 ha đã và đang phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của bà con trong công tác quản lý và bảo vệ rừng được giao. Nhờ vậy, diện tích rừng tại những mô hình này đang phát triển tốt và chỉ để xảy ra mất rừng với diện tích không đáng kể khoảng 18 ha.
 
Trong khi đó, 5 mô hình rừng cộng đồng còn lại ở các xã: Gia Bắc, Sơn Điền (huyện Di Linh) và Lộc Bảo, Lộc Nam, (huyện Bảo Lâm) được giao tổng cộng 1.270 ha rừng và đất rừng thì lại để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nghiêm trọng, với hơn 268 ha. Cụ thể, qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, 5 mô hình rừng cộng đồng nói trên đã để mất hơn 166 ha rừng và để lấn chiếm 102,4 ha đất lâm nghiệp. Điều đáng nói, hầu hết diện tích rừng bị mất và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là do chính người dân thuộc các mô hình cộng đồng nhận quản lý, bảo vệ rừng rồi tự phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để làm rẫy. Hầu hết, diện tích rừng để mất và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm chủ yếu để trồng cây nông nghiệp như cà phê, bơ… Trong đó, đã có nhiều diện tích cây trồng đã cho thu hoạch.
 
Trước thực trạng trên, Sở NN & PTNT Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo 2 huyện Di Linh và Bảo Lâm thu hồi 5 mô hình giao rừng cộng đồng tại các xã Gia Bắc, Sơn Điền (Di Linh) và Lộc Bảo, Lộc Nam (Bảo Lâm) vì 5 cộng đồng này không phù hợp để quản lý rừng cộng đồng. Diện tích để mất rừng lớn, đối tượng không đúng quy định; có diện tích rừng tự nhiên trước đây cho cải tạo hiện không còn phù hợp và diện tích đã cải tạo để trồng rừng lại để bị lấn chiếm. Sau khi thu hồi, những diện tích rừng này sẽ được giao lại cho chủ rừng nhà nước thiết kế, giao khoán rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho chính các hộ thuộc cộng đồng này nhận khoán.
 
Không chỉ đề nghị thu hồi, Sở NN & PTNT Lâm Đồng còn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để mất rừng đã giao cho các cộng đồng. Từ đó, xử lý hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý theo quy định. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giải tỏa cây trồng trái phép trên phần diện tích rừng bị mất, đất bị lấn chiếm để trồng lại rừng, phục hồi rừng.
 
HẢI ĐƯỜNG