Lạc Dương: Nhiều giải pháp trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật

06:01, 03/01/2020

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân...
 

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Thực hiện tốt điều này sẽ nâng cao hiểu biết pháp luật, giúp người dân điều chỉnh hành vi đúng với quy định của pháp luật. Từ đó tạo nên cộng đồng ổn định và phát triển.
 
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tốt sẽ xây dựng cộng đồng bình yên, người dân ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển kinh tế. Ảnh: H.My
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tốt sẽ xây dựng cộng đồng bình yên, người dân ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển kinh tế. Ảnh: H.My
 
Theo số liệu thống kê từ huyện Lạc Dương, hiện ở địa phương này, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện có 23 người, tuyên truyền viên cấp xã là 62 người. Ngoài ra còn có 8 giáo viên tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân tại các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện.
 
Ông Cil Poh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Lạc Dương cho biết: “Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp. Ngoài tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tủ sách pháp luật, các cuộc họp dân ở thôn, xã...; huyện Lạc Dương đặc biệt chú trọng tới cách thức tuyên truyền miệng”. Theo đó, trong năm 2019, các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức 28 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, lâm nghiệp, Luật lâm nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật Tố cáo... Song song với tuyên truyền miệng, các tài liệu và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đến tận tay người dân. Gần 10 ngàn bộ tài liệu pháp luật về dân sự, đất đai, lâm nghiệp,… cũng như các nội dung tìm hiểu pháp luật về hình sự, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, dân sự,… đã đến được với Nhân dân trên địa bàn huyện. 
 
Bên cạnh đó, pháp luật còn đến gần với người dân thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Hiện nay, 12 cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Lạc Dương gồm có 7 người là cộng tác viên cấp huyện và 5 cộng tác viên cấp xã đã duy trì công tác trợ giúp pháp lý miễn phí tại trụ sở cơ quan và UBND các xã, thị trấn cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo, qua đó đảm bảo nhu cầu trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong năm 2019, các cộng tác viên đã trợ giúp gần 100 người liên quan đến các vần đề về đất đai, hôn nhân và gia đình, công tác khiếu nại, tố cáo, hộ tịch… Công tác này không những hỗ trợ người dân rất lớn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà còn nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần vào việc bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp vi phạm pháp luật. 
 
Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có 2 Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm” ở xã Đạ Sar, xã Lát; 1 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở xã Đạ Nhim với gần 200 hội viên cũng là kênh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân hiệu quả. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Cil Poh cho biết thêm, địa phương này cũng thực hiện các đề án giáo dục pháp luật đặc thù với các thành phần trong xã hội như trong các trường học, đối với người lao động và sử dụng lao động, đối với thanh thiếu niên, đối với người dân tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật… Các đề án được triển khai với từng nhóm đối tượng và mục tiêu cụ thể góp phần làm tăng hiệu quả của công tác giáo dục và phổ biến pháp luật. 
 
Song song với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác hòa giải ở cơ sở cũng được đẩy mạnh, góp phần xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở. Nhiều mô hình hay, cách làm mới ra đời đã giúp cho việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh được thực hiện ngay tại cộng đồng dân cư. 
 
Lạc Dương hiện có 35/35 thôn, tổ dân phố có tổ hòa giải với 175 hòa giải viên, đảm bảo 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều có hòa giải viên. Trung bình mỗi tổ hòa giải từ 3 - 5 hòa giải viên. Theo thống kê của huyện Lạc Dương, trong năm 2019 đã có 11 vụ, việc lớn cần sự tham gia của tổ hòa giải. Trong đó 6 vụ, việc đã được hòa giải thành công, số còn lại đang tiếp tục hòa giải. Các lĩnh vực chủ yếu đã hòa giải liên quan đến hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai...
 
Thành phần tổ hòa giải ngoài đầy đủ cán bộ thôn còn có sự tham gia của người có uy tín. Các tổ hòa giải đều có hòa giải viên nữ, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Điều này đem lại hiệu quả rất lớn trong công tác hòa giải. Hoạt động của các tổ hòa giải đã góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, các mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp phát sinh, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề trong thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở Lạc Dương. Theo kết quả kiểm tra, đánh giá của Hội đồng, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo sâu sát việc xây dựng và đánh giá xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, dẫn đến đánh giá một cách sơ sài và không khách quan, chưa thực chất, không kịp thời. Công tác chấm điểm, đánh giá tiếp cận pháp luật ở một số xã còn mang tính hình thức, kết quả đánh giá còn chưa thật sự phản ánh đúng với tình hình thực tế của địa phương. Các xã chưa ban hành văn bản phân công nhiệm vụ cụ thể cho công chức Tư pháp - hộ tịch chịu trách nhiệm theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật. Những nội dung về luật đa phần khô khan đòi hỏi các báo cáo viên pháp luật, các địa phương phải linh hoạt trong phương pháp tuyên truyền, giáo dục để pháp luật len sâu và tác động trực tiếp trong việc thay đổi hành vi của các cá nhân, góp phần tạo sự ổn định trong cộng đồng, xã hội.
 
HOÀNG MY