Một năm nhận diện thủ đoạn phá rừng

05:01, 08/01/2020

Khép lại năm 2019, lực lượng chức năng Lâm Đồng đã phát hiện, nhận diện những thủ đoạn phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn, qua đó cho thấy những bài học kinh nghiệm bức thiết cho công tác phòng ngừa và xử lý vi phạm trong năm mới 2020. 

Khép lại năm 2019, lực lượng chức năng Lâm Đồng đã phát hiện, nhận diện những thủ đoạn phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn, qua đó cho thấy những bài học kinh nghiệm bức thiết cho công tác phòng ngừa và xử lý vi phạm trong năm mới 2020. 
 
Thủ đoạn ken cây, đổ hóa chất phá rừng ở Đức Trọng xảy ra trong năm 2019. Ảnh: V.Việt
Thủ đoạn ken cây, đổ hóa chất phá rừng ở Đức Trọng xảy ra trong năm 2019. Ảnh: V.Việt
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong năm 2019, lực lượng phối hợp trong tỉnh Lâm Đồng đã tuần tra phát hiện, lập biên bản 735 vụ xâm hại rừng trên địa bàn. Trong đó, đối tượng vi phạm đã xác định 384 vụ, chưa xác định 351 vụ. Tổng diện tích rừng bị phá gần 57,4 ha, lâm sản thiệt hại hơn 3.800 m 3. Cụ thể gồm: 416 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, 277 vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chế biến lâm sản trái phép; còn lại 43 vụ vi phạm về bảo vệ động vật rừng, quản lý hồ sơ lâm sản, phòng cháy chữa cháy, quản lý bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. So với năm 2018 giảm 18% số vụ vi phạm và 8% diện tích rừng bị thiệt hại. Kết quả cơ quan chức năng Lâm Đồng đã xử lý hành chính 611 vụ, xử lý hình sự 58 vụ, tịch thu gần 919 m3 gỗ tròn, xẻ các loại, thu nộp ngân sách gần 4,7 tỷ đồng.
 
Qua phân loại với 49 vụ vi phạm có tính chất phức tạp, nổi cộm, tăng 14 vụ so với năm 2018. 
 
Trong đó có các vụ vi phạm gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng như: khoan cây, đổ hóa chất tại Tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà thiệt hại hơn 10 ha rừng và hơn 912 m3 lâm sản. Hoặc vụ phá rừng tại Tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông gây thiệt hại gần 2,5 ha rừng và hơn 44 m3 lâm sản… “Ngay sau khi nhận được báo cáo từ các Hạt Kiểm lâm, tùy vào tính chất, mức độ từng vụ nổi cộm, điển hình, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã chủ động ban hành văn bản hoặc tham mưu cấp thẩm quyền chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, điều tra, xử lý đúng quy định của pháp luật; đồng thời xem xét xử lý kỷ luật, tổ chức kiểm điểm một số tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng”, báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết.
 
Đáng chú ý trong năm 2019, trên địa bàn huyện Đức Trọng xảy ra 2 vụ chống người thi hành công vụ quản lý bảo vệ rừng. Vụ thứ nhất, xảy ra tại thôn K’Long Boong, xã Tà Năng, huyện Đức Trọng vào ngày 15/3/2019, hậu quả các đối tượng vi phạm (khoảng 100 người) đã cướp phương tiện (gồm 3 xe gắn máy) rời khỏi hiện trường. Hiện cơ quan điều tra Công an huyện Đức Trọng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật. Vụ thứ hai, vào lúc 20 giờ, ngày 20/5/2019, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng phối hợp với Ban QLRPH Tà Năng và UBND xã Tà Năng tiến hành kiểm tra rừng tại vùng giáp ranh 2 xã Tà Năng và Đà Loan (thuộc 2 Tiểu khu 367 và 368) phát hiện 6 đối tượng đang bốc gỗ lên 1 chiếc xe độ chế. Tổ công tác tiến hành vây bắt 3 đối tượng đều cư trú ở xã Đà Loan, Đức Trọng là: Đào Duy Thiện (sinh năm 1975); Ya Phéo (sinh năm 1984); Ya Tho (sinh năm 1979). Tuy nhiên, trong khi chờ lực lượng hỗ trợ đến thì các đối tượng vi phạm đã huy động khoảng 20 người đến khống chế, đe dọa, uy hiếp tổ công tác và nổ máy xe độ chế, bỏ lại toàn bộ số lâm sản rồi chạy khỏi hiện trường. Khối lượng lâm sản đo tính tại hiện trường hơn 10 m3, chủng loại thông ba lá, nhóm IV. Hạt Kiểm lâm Đức Trọng điều tra ban đầu và chuyển toàn bộ hồ sơ đến Công an huyện Đức Trọng để xử lý hình sự...
 
Cả vạt rừng thông bị đầu độc. Ảnh: V.Việt
Cả vạt rừng thông bị đầu độc. Ảnh: V.Việt
 
Nhận định tình hình vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng trong năm 2020 trên địa bàn Lâm Đồng sẽ diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường, nhất là những khu vực trọng điểm trên địa bàn. Trên cơ sở nhận diện các thủ đoạn phá rừng trong năm 2019, tổng kết kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại, hạn chế, lực lượng chức năng Lâm Đồng tiếp tục triển khai nhiều phương án đồng bộ, hiệu quả và kịp thời hơn nữa, nhằm đạt mục tiêu “quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có, tăng cường các hoạt động bảo vệ rừng; ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; phấn đấu giảm ít nhất 10% số vụ vi phạm, giảm 30% diện tích rừng thiệt hại, giảm 30% thiệt hại về lâm sản so với cùng kỳ. Phấn đấu giảm số vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm xuống dưới 30% trong tổng số vụ vi phạm. Cương quyết giải tỏa diện tích đất rừng bị lấn chiếm mới; không để xảy ra điểm nóng về khai thác rừng, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp….” mà ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã thông qua. 
 
VĂN VIỆT