Ý thức tài xế đã có chuyển biến tích cực

06:01, 10/01/2020

Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực với những chế tài hết sức nghiêm khắc, tại Lâm Đồng, ý thức của người tham gia giao thông bắt đầu được nâng lên thấy rõ.

Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực với những chế tài hết sức nghiêm khắc, tại Lâm Đồng, ý thức của người tham gia giao thông bắt đầu được nâng lên thấy rõ.
 
Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt sau 1 tuần chính thức có hiệu lực (ngày 1/1/2020) đang được người dân, đặc biệt là người thường xuyên sử dụng bia, rượu quan tâm đặc biệt.
 
Đội CSGT Đà Lạt, Phòng PC08 kiểm tra các tài xế có dấu hiệu sử dụng bia, rượu trên đường Trần Phú. Ảnh: C.Phong
Đội CSGT Đà Lạt, Phòng PC08 kiểm tra các tài xế có dấu hiệu sử dụng bia, rượu trên đường Trần Phú. Ảnh: C.Phong
 
Sau các cuộc nhậu 
 
Theo ghi nhận, hầu hết người dân đều đồng tình với các nội dung tại Nghị định 100 bởi có quá nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia gây ra. Người dân hy vọng, với những quy định nghiêm khắc sẽ giúp hạn chế được nhiều vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
 
Theo anh T.V.B., quản lý quán nhậu trên đường Phù Đổng Thiên Vương (Phường 8, TP Đà Lạt), mấy ngày nay lượng khách của quán đã giảm nhẹ. Có một số nhóm khách đặt chỉ dùng nước ngọt hay nước suối thay vì chỉ toàn gọi bia, rượu như trước. “Tôi nghĩ đó là tình trạng chung của tất cả các quán nhậu tại TP Đà Lạt chứ không riêng gì quán của tôi. Việc chế tài xử phạt nặng, tước bằng lái 1-2 năm nên một số khách e dè cũng là điều dễ hiểu” - anh B. chia sẻ.
 
Bên cạnh đó, anh B. cho biết thêm sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, quán anh vẫn có tình trạng khách nhậu xong tự lái xe về. “Nhiều khách vẫn tự chạy xe về dù đã uống khá nhiều. Tôi cho đó là thói quen vì việc cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia đối với người điều khiển các phương tiện khi tham gia giao thông thời gian đầu có thể sẽ gây khó chịu, chưa thể thay đổi suy nghĩ một sớm một chiều của người sử dụng” - anh B. nhận xét. 
 
Tại một quán nhậu thịt bê trên đường Nguyễn Đình Chiểu - Đà Lạt, anh Hoàng, quản lý quán cho biết hoạt động kinh doanh ảnh hưởng ít nhiều, đặc biệt trong thời gian lực lượng CSGT bắt đầu kiểm tra tài xế với xử phạt mới. Anh Hoàng cho hay trong những ngày ra quân xử phạt theo nghị định mới, lượng khách đến quán giảm đáng kể. Đặc biệt, lượng khách đi ô tô đi nhậu giảm mạnh, họ chuyển qua lái xe máy, hay đi taxi, xe ôm đến quán. “Sau tuần đầu tiên áp dụng mức phạt mới, lượng bia rượu nhà hàng bán ra giảm khoảng 10-20%” - anh Hoàng nói.
 
Trong khi đó, một số thanh niên ăn nhậu tại quán nêu trên cho rằng đã là quy định thì phải chấp hành. Tuy nhiên, nhu cầu ăn uống, tiếp khách của mọi người không thể bỏ được, chỉ có thể cân nhắc giảm bớt. Tới khoảng 22h đêm ngày 7/1, mặc dù ghi nhận có những thay đổi tích cực như việc nhiều khách uống rượu, bia tại các quán nhậu thay đổi phương tiện, gọi taxi đi về nhưng theo quan sát vẫn còn những khách nhậu xong tự lái xe máy đi về.
 
MỨC XỬ PHẠT CAO CHƯA TỪNG CÓ
 
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP trước đây, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo đó, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất sẽ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg/1l khí thở; đối với người điều khiển xe mô tô bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Phạt tiền 400.000-600.000 đồng nếu điều khiển xe đạp trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Sẽ ra quân kiểm tra nồng độ cồn liên tục

Tại TP Đà Lạt, Đội CSGT Công an TP Đà Lạt thông tin, từ ngày 1/1 tới ngày 6/1, Đội CSGT đã 4 đợt phối hợp với Phòng PC08 và Công an các phường trên địa bàn đồng loạt ra quân kiểm tra nồng độ cồn và các chất kích thích khác đối với người điều khiển xe ô tô, xe máy và xe đạp.
 
Lực lượng chức năng đã dừng hàng trăm phương tiện qua chốt và kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt. Điều đáng mừng là hầu hết những người điều khiển các phương tiện khi tham gia giao thông đều nghiêm túc chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Số trường hợp uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông đã giảm so với các lần kiểm tra trước khi Nghị định 100 có hiệu lực. Do đó, sau 4 đợt ra quân, cơ quan chức năng mới chỉ phát hiện 6 trường hợp có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông và một trường hợp dương tính với chất ma túy. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, bởi Luật mới vừa được áp dụng nhưng người dân đã nghiêm túc chấp hành.
 
Tương tự, tại TP Bảo Lộc, Di Linh…, lực lượng CSGT địa phương kết hợp với Phòng CSGT (PC08) Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quân kiểm tra nồng độ cồn tài xế điều khiển phương tiện trên Quốc lộ 20 và xử phạt nhiều tài xế vi phạm. Trong số trên 200 lượt kiểm tra, lực lượng CSGT đã phát hiện trên 20 trường hợp tài xế có nồng độ cồn vượt mức quy định và ra quyết định xử phạt hành chính từ 2,5 triệu tới 35 triệu đồng tùy từng trường hợp nồng độ cồn đo được. Ngoài xử phạt hành chính, lực lượng công an còn tạm giữ xe và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tài xế từ 11 tới 23 tháng. Riêng Công an TP Bảo Lộc, trong tối ra quân ngày 7/1 đã phạt hành chính 14 tài xế vi phạm nồng độ cồn với tổng số tiền xử phạt là hơn 77 triệu đồng. Trong đó, có tài xế với nồng độ rượu trong máu cao bị phạt 35 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe 23 tháng.
 
Phòng PC08 Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo Kế hoạch triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP từ Ban Giám đốc, Phòng PC08 sẽ phối hợp với Đội CSGT các huyện, thành phố trên địa bàn liên tục ra quân kiểm tra, kiểm soát đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Mục đích trước tiên trong những ngày đầu Nghị định 100 có hiệu lực, lực lượng CSGT sẽ tiến hành nhắc nhở các tài xế, người điều khiển phương tiện để người dân nắm bắt các quy định, có sự chuyển biến trong nhận thức. Sau thời gian tuyên truyền nhất định, lực lượng CSGT sẽ kiểm tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định mới để Luật phòng, chống tác hại rượu, bia đi vào đời sống.
 
C.PHONG