Cảnh giác khi mua khẩu trang y tế trên mạng

06:03, 06/03/2020

Nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế tăng mạnh thời gian qua, trong khi trên thị trường khan hiếm nguồn hàng đã đẩy giá lên cao...

Nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế tăng mạnh thời gian qua, trong khi trên thị trường khan hiếm nguồn hàng đã đẩy giá lên cao. Chính vì vậy, có không ít người dân trên địa bàn tỉnh đã mua phải “hàng dỏm” hay giá “trên trời” từ nhiều trang mạng xã hội đăng bài giới thiệu, bán khẩu trang trong mùa dịch bệnh COVID-19. 
 
Nhiều người dân vẫn bỏ tiền mua khẩu trang với giá cao bất thường từ các trang mạng điện tử thời gian qua. Ảnh chụp màn hình
Nhiều người dân vẫn bỏ tiền mua khẩu trang với giá cao bất thường từ các trang mạng điện tử thời gian qua. Ảnh chụp màn hình
 
Đã có nhiều trường hợp người dân lên mạng xã hội tìm mua khẩu trang giá rẻ nhưng khi đặt cọc tiền rồi thì các chủ trang bán hàng lặn mất tăm, không thể gọi điện. Chị N.M.Ngọc (huyện Đức Trọng) cho biết, cuối tháng 2 vừa qua, chị vào tài khoản Facebook có tên Tran Thi Binh trong hội “khẩu trang 3M...” đang rao bán trên mạng. Chị Ngọc đặt mua 100 cái khẩu trang loại có lớp than hoạt tính diệt khuẩn với giá 130.000 đồng/hộp 50 chiếc. Người bán còn cẩn thận giới thiệu khẩu trang uy tín của thương hiệu Mayan 3D Medi PM2.5 do Công ty TNHH VPC Việt Nam sản xuất và nói rằng do hàng khan hiếm mới nhập về nên yêu cầu khách trả tiền trước sẽ giao hàng đúng số lượng và thời gian. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền được 5 ngày, chị Ngọc không nhận được hàng nên gọi điện vào số trang mạng bán hàng thì không có người bốc máy, nhắn tin chủ trang không phản hồi.
 
Tương tự, anh Đ.T.Huy (ngụ Phường 9, TP Đà Lạt) cũng bị lừa mất 420.000 đồng vì mua khẩu trang trên mạng. Theo anh Huy, sau khi chuyển trước 50% số tiền mua hàng, người bán khẩu trang trên mạng hẹn chuyển khẩu trang từ TP Hồ Chí Minh về Đà Lạt nhưng anh chờ hơn 3 ngày vẫn không thấy hàng đâu. Sau đó anh Huy gọi điện, nhắn tin cho người bán hàng đều không được, trong khi trang facebook cá nhân của anh bị trang này chặn lại. “Ngày 17/2, sau khi tìm kiếm trên mạng tôi thấy tài khoản fanpage “Khẩu trang y tế 4 lớp, nước sát khuẩn chất lượng...” giá chỉ nhỉnh hơn ngoài thị trường khoảng 30.000 đồng/hộp 50 chiếc nên liều mua 7 hộp khẩu trang với giá 840.000 đồng. Tôi còn cẩn thận hỏi người bán đường link công ty để an tâm nhưng cuối cùng khi chuyển 50% số tiền mới biết mình bị lừa” - anh Huy thuật lại.
 
Theo ghi nhận, trong ngày 3/3, trên địa bàn TP Đà Lạt và các huyện lân cận, các nhà thuốc hầu hết vẫn báo hết khẩu trang y tế và nước sát khuẩn. Do đó những ngày qua, có nhiều người dân đã tìm mua nguồn khẩu trang y tế trên mạng xã hội với giá cao hơn ngoài thị trường. Đại diện Sở Công thương Lâm Đồng cho hay, trên thực tế có nhiều người lợi dụng bán hàng online để lừa người tiêu dùng, đặc biệt trong thời điểm diễn biến phức tạp trên thế giới của dịch bệnh viêm phổi chủng mới COVID-19. Khó khăn đặt ra cho cơ quan quản lý là việc lừa đảo bán hàng qua mạng xã hội nhìn chung rất phức tạp, khó kiểm soát hơn nhiều lần so với các cửa hàng bán vật tư y tế có địa chỉ rõ ràng trên địa bàn. “Người dân cần tỉnh táo hơn khi mua hàng khẩu trang y tế trên mạng internet. Nên mua hàng với điều kiện nhận được hàng mới chuyển tiền, hoặc chỉ nên chuyển tiền cho các công ty có địa chỉ, các trang thương mại điện tử uy tín để dễ khiếu nại hoặc tố cáo khi cần. Trong trường hợp người dân chuyển khoản qua ngân hàng thì cần lưu ý ghi rõ thông tin người bán, người mua hàng, chủ tài khoản nhận và chuyển tiền, ghi rõ nội dung khi chuyển khoản... để tiện đối chiếu, kiểm tra sau này nếu có bất trắc xảy ra”, cán bộ Sở Công thương khuyến cáo.
 
Trong khi đó, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng cho biết, các hành vi lừa đảo bán khẩu trang online như trên có đủ yếu tố cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và có thể bị khởi tố hình sự nếu giá trị lừa đảo đủ lớn theo quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với cá nhân thực hiện hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, với giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng và chưa đủ các yếu tố cấu thành hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử phạt tiền 1 - 2 triệu đồng theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013. Về mặt hình sự, cá nhân dùng thủ đoạn chiếm đoạt 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng, những người vi phạm đã từng bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý theo khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Mặt khác, theo điểm c khoản 3 của Điều 174, người phạm tội lợi dụng tình trạng thiên tai, dịch bệnh để chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù 7 - 15 năm tù.
 
C.PHONG