Công an và Ngân hàng Nhà nước chung tay đẩy lùi tín dụng đen

07:03, 26/03/2020

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Giám đốc Công an Lâm Đồng, trong năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng công an đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen. 
 

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Giám đốc Công an Lâm Đồng, trong năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng công an đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen. 
 
Phòng An ninh Kinh tế thường xuyên phối hợp với Công ty Truyền tải điện Lâm Đồng kiểm tra đường dây 500kv tại Trạm Di Linh.
Phòng An ninh Kinh tế thường xuyên phối hợp với Công ty Truyền tải điện Lâm Đồng kiểm tra đường dây 500kv tại Trạm Di Linh.
 
Nỗ lực trấn áp tội phạm liên quan đến tín dụng đen
 
Hoạt động tín dụng đen xuất phát từ quan hệ kinh tế thông thường giữa người cho vay và người đi vay, nhưng đối tượng phạm tội đã lợi dụng quan hệ này để tiến hành hoạt động tội phạm. Theo đánh giá của Phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh, người đi vay tín dụng đen, có nhiều dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm. Vì hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường thì khó có thể trả lãi cao, nên những người đi vay đó cũng có mục tiêu sử dụng tiền để vi phạm pháp luật như cờ bạc, buôn bán gian lận thương mại, họ cần khoản tiền rất nhanh để giải quyết phi vụ. Hoạt động tín dụng đen vì vậy là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm và nhiều phức tạp khác. 
 
Chỉ tính riêng trong năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng công an đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen; gắn liền công tác này với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hoạt động có tổ chức, tội phạm hoạt động theo băng nhóm, hành vi bảo kê, đòi nợ thuê và các hành vi khác liên quan. Theo số liệu thống kê Phòng An ninh Kinh tế cung cấp, năm 2019, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 59 vụ, 128 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen; đã khởi tố 17 vụ, 41 đối tượng (2 vụ/6 bị can cưỡng đoạt tài sản; 11 vụ/24 bị can cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; 2 vụ/7 bị can cố ý gây thương tích; 2 vụ/4 bị can hủy hoại hoặc có ý làm hư hỏng tài sản), xử lý hành chính 32 lượt vi phạm với 65 đối tượng số tiền 256 triệu đồng; lập hồ sơ răn đe, giáo dục 10 vụ, 22 đối tượng.
 
Đặc biệt, trong đợt cao điểm đã tập trung triển khai đồng bộ các lực lượng, phương tiện, biện pháp để thực hiện có hiệu quả đợt tổng kiểm tra hành chính việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở cầm đồ, cho vay kinh doanh tài chính, kinh doanh dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động liên quan tín dụng đen trên địa bàn theo phê duyệt của UBND tỉnh. Đã thành lập 114 tổ kiểm tra (cấp tỉnh 21 tổ, cấp huyện 93 tổ) tiến hành kiểm tra đồng loạt 189 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Qua kiểm tra, phát hiện 63 cơ sở vi phạm các quy định về an ninh trật tự (ANTT) đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở nêu trên số tiền 219.750.000 đồng, đồng thời yêu cầu các cơ sở vi phạm cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh. 
 
Nỗ lực của ngành ngân hàng
 
Đóng góp vào việc nỗ lực bài trừ nạn tín dụng đen, lực lượng công an, đặc biệt là Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh thời gian qua đã thường xuyên tham mưu, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngân hàng và 54 tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao ý thức cho cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, đảm bảo an ninh an toàn tiền và tài sản của các ngân hàng và các TCTD, góp phần làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen. Phòng cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất, bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen để nhận diện rõ hơn về các thủ đoạn, phương thức của các loại tội phạm hoạt động tín dụng đen. Đồng thời, cụ thể hóa các quy định của pháp luật và có chế tài xử lý mang tính răn đe, nghiêm khắc để xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động tín dụng đen, nhằm giữ vững ANTT, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Về phía các ngân hàng, để chung tay đẩy lùi và hạn chế tín dụng đen, cũng đã triển khai các giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng; Mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay, để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân; Dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống chính đáng của người dân; Xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen… 
 
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, thanh kiểm tra, giám sát 54 TCTD (có trụ sở tại Lâm Đồng) thực hiện nghiêm chính sách tiền tệ, đổi mới thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng chính đáng của người dân và doanh nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ và các điều kiện hình thành tín dụng đentrên địa bàn. 
 
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại Lâm Đồng (Agribank Lâm Đồng) tổ chức triển khai các chương trình cho vay ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tính đến ngày 30/11/2019, hệ thống Agribank Lâm Đồng đã cho vay 83 tỷ đồng với số lượng 3.158 khách hàng hộ cá nhân, gia đình theo chủ trương, giải pháp hạn chế tín dụng đen của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời áp dụng các hình thức ưu đãi về tài sản đảm bảo, lãi suất, thỏa thuận thời hạn cho vay, hạn mức cho vay, thỏa thuận phương thức và quy trình, thủ tục cho vay (như cho vay lưu vụ, cho vay theo hạn mức tín dụng, cho vay từng lần), thỏa thuận thời hạn trả nợ gốc và lãi… Xem xét giải quyết khoanh nợ không tính lãi, xóa nợ và xóa lãi cho khách hàng… Đồng thời tổ chức triển khai 2 mô hình điểm giao dịch lưu động tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa tại huyện Đơn Dương, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức của ngân hàng đến đối tượng là người nghèo, đối tượng chính sách khu vực nông thôn, góp phần hạn chế tín dụng đen…
 
Ngoài ra, để thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 54 TCTD khác đã tích cực triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn, dịch vụ, tiêu dùng với hình thức cho vay tín chấp và vay có tài sản đảm bảo, nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của người dân, góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Phát biểu tại Hội nghị về chính sách tín dụng, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, dù rất cần vay vốn, song nhiều người dân vẫn e ngại vì nghĩ rằng việc tiếp cận ngân hàng còn khó khăn bởi thủ tục rườm rà, mất thời gian. Do vậy, họ tìm đến tín dụng đen như một phao cứu sinh cấp bách. Trước thực trạng này, các ngân hàng kỳ vọng với những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen.
 
NGUYÊN THI