Khi nghị định 100 đi vào cuộc sống (Kỳ 1)

06:03, 10/03/2020

Có thể nói, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ...

Những tai họa từ rượu bia
 
Có thể nói, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt dù mới được ban hành hơn 2 tháng nay nhưng đã thực sự đi vào cuộc sống và tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân. Sau hơn 2 tháng triển khai, các cơ quan chức năng nhận định, Nghị định không những hiệu quả vì đã có sức răn đe người tham gia giao thông, mà còn tạo được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân trên cả nước. 
 
Cảnh sát giao thông tổ chức kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Lê Tiến
Cảnh sát giao thông tổ chức kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Lê Tiến
 
Theo thống kê của Bộ Y tế cho biết, mức sử dụng rượu bia ở nam giới trên 15 tuổi của nước ta đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Thái Lan, đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Còn theo thống kê của ngành Công an cho thấy, có tới 40% các vụ tai nạn giao thông ở nước ta do người điều khiển phương tiện có uống rượu bia gây ra. Chính vì vậy, sẽ chẳng hề oan ức khi khẳng định rằng, người điều khiển các phương tiện giao thông mà uống rượu bia chính là những ẩn họa khôn lường đối với an toàn giao thông và xã hội.
 
Đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) do người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia gây ra mà hậu quả của nó thật kinh hoàng, gây phẫn nộ không chỉ cho người gặp nạn do họ gây ra mà cho cả xã hội. Những vụ tai nạn ấy để lại những hậu quả nặng nề, đau lòng mà suốt đời cũng không thể khắc phục bằng pháp luật hay tiền bạc. Nhiều trẻ em mồ côi, nhiều người đang có cơ thể khỏe mạnh trở thành người tàn tật mang đến gánh nặng cho gia đình và xã hội. 
 
Tại Lâm Đồng, có nhiều vụ TNGT do người điều khiển phương tiện uống rượu bia gây ra và để lại nhưng hậu quả nặng nề. Có lẽ dư luận huyện Đức Trọng nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung chắc vẫn chưa thể quên được vụ TNGT vô cùng thảm khốc khiến 3 người chết, 4 người bị thương nặng xảy ra trên Quốc lộ 20 vào đầu năm 2019 do một tài xế chuyên nghiệp điều khiển taxi gây ra. Vụ việc xảy ra vào đúng đêm Tết Tây ngày 1/1/2019. Xe taxi biển kiểm soát 49A - 174.72 do tài xế Đỗ Thục Hân (23 tuổi, trú tại huyện Đức Trọng) điều khiển, chở 5 người lưu thông trên Quốc lộ 20, khi chạy đến Km 198+200, Quốc lộ 20 thuộc địa phận khu phố Nam Sơn, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng thì gây tai nạn với chiếc xe máy do anh Nguyễn Văn Huy (30 tuổi, trú tại huyện Đức Trọng) điều khiển cùng chiều đang đi ở phía trước. Vụ tai nạn đã khiến 3 người ngồi trên taxi tử vong, những người còn lại bị thương nặng. Công an sau đó xác định, tài xế taxi Đỗ Thục Hân đã vi phạm với nồng độ cồn đo được sau khi gây tai nạn là 1.108 mg/l. Càng đau lòng hơn nữa là những người tử vong cũng như bị thương trong tai nạn này đều đang ở độ tuổi thanh niên và hậu quả sau đó để lại khá nặng nề.
 
Một vụ tai nạn khác xảy ra gần đây, vào ngày 23/11/2019. Một chiếc xe ô tô đang lưu thông trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn gần cây xăng Tùng Lâm thì bất ngờ tông vào một chiếc xe máy do một cô gái vừa 18 tuổi điều khiển. Chiếc xe ô tô sau đó còn tiếp tục đẩy xe máy và người điều khiển vào đầu chiếc xe tải đang đậu ở bên đường khiến người điều khiển xe máy tử vong. Hai chiếc ô tô bị hư hỏng. Người điều khiển chiếc xe ô tô gây tai nạn sau đó được cơ quan chức năng đo nồng độ cồn và phát hiện người này có nồng độ cồn vượt qui định. 
 
Đây là 2 vụ TNGT trong rất nhiều vụ khác mà tôi được biết, và sau đó cũng đã được cơ quan chức năng của tỉnh xác định do người điều khiển phương tiện giao thông đã uống rượu bia nhưng vẫn lái xe và gây tai nạn nghiêm trọng. Đây cũng chỉ là 2 trong số vô vàn những vụ TNGT xảy ra do người điều khiển phương tiện đã uống rượu bia, chất kích thích. 
 
Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2019, Lâm Đồng có tới 80% các vụ TNGT liên quan đến rượu bia, chất kích thích. 
 
Có điều đáng trách nữa đó là hầu hết các vụ TNGT do uống rượu bia gây ra khi được cơ quan chức năng hỏi, người vi phạm đều có chung một câu trả lời là họ chỉ uống một ít do có tiệc chúc mừng hay công việc gì đó không thể không uống. Bản thân họ không phải tất cả đều không hiểu biết pháp luật nhưng có lẽ do nhận thức về mức độ nguy hiểm và sự răn đe, xử phạt của pháp luật còn nhẹ nên họ đã dễ dãi với bản thân mà dẫn đến hậu quả như đã xảy ra trên thực tế. Một số người thì lại cho rằng, uống một chút thôi thì cũng không sao bởi vẫn nhìn thấy đường và điều khiển được xe. Nhưng theo phân tích của các nhà khoa học, những chất cồn như rượu bia chính là nguyên nhân trực tiếp làm giảm phản ứng của lái xe từ 10% đến 30%. Rượu bia còn làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực của người điều khiển giao thông. Chính vì vậy mà dù cho chúng ta chỉ uống 1 ít rượu bia thôi thì cũng rất nguy hiểm khi điều khiển phương tiện giao thông.
 
Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, Công an Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định 100 của Chính phủ. Có thể nói, việc tổ chức kiểm tra nồng độ cồn đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong việc kiềm chế và làm giảm TNGT. Song song đó, thông qua các hoạt động tuyên truyền của các cấp, các ngành cùng với các quy định xử phạt tăng từ 2 đến 3 lần so với nghị định trước đây thì người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đa phần đều đã chấp hành nghiêm túc. 
 
Thiếu tá Lê Anh Khoa - Đội trưởng Đội tuần tra Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, hơn ai hết những chiến sỹ trực tiếp làm công tác về tuần tra giao thông như chúng tôi hiểu rõ tác hại của rượu bia đối với người tham gia giao thông gây ra cũng như gây hại cho xã hội như thế nào. Chính vì vậy, khi Luật này chính thức có hiệu lực, chúng tôi rất vui mừng vì cuối cùng sau 8 năm soạn thảo và chờ đợi, nước ta cũng đã có một đạo luật đủ sức điều chỉnh quan hệ xã hội liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu bia. Còn theo anh Phạm Vũ Hùng - Đội trưởng Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, thì Nghị định 100 của Chính phủ là nghị định nghiêm khắc nhất từ trước đến nay, đảm bảo tính giáo dục, răn đe đối với người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Anh cũng đánh giá, hiệu quả của nghị định này đã tác động và có hiệu lực tức thời chỉ sau 1, 2 ngày có hiệu lực. Kết quả này khiến anh cũng khá bất ngờ.
Kỳ 2: Đã uống rượu bia - không lái xe
 
NGUYỄN NGHĨA