Khi nghị định 100 đi vào cuộc sống (Kỳ 2)

06:03, 11/03/2020

Tình trạng người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi uống rượu - bia thời gian qua diễn biến phức tạp, các vụ tai nạn xảy ra mỗi ngày để lại những hậu quả nặng nề...

[links()]
Đã uống rượu bia, không lái xe
 
Tình trạng người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi uống rượu - bia thời gian qua diễn biến phức tạp, các vụ tai nạn xảy ra mỗi ngày để lại những hậu quả nặng nề. Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Ðã uống rượu bia, không lái xe”, ngay từ đầu năm 2020, Phòng Cảnh sát giao thông đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Ðảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm với mục tiêu chính là thay đổi nhận thức và thói quen tham gia giao thông của người dân để đưa Nghị định 100 đi vào cuộc sống.
 
Lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý vi phạm. Ảnh: Lê Tiến
Lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý vi phạm. Ảnh: Lê Tiến
 
Từ 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu - bia chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong Luật này là cấm triệt để việc điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người. Cụ thể, đối với người điều khiển xe máy, nếu như trước đây, nồng độ cồn cho phép là 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở thì với quy định trong luật mới, nồng độ cồn phải ở mức 0. Đại đa số người dân đều bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ khi được hỏi về quy định tuyệt đối không sử dụng rượu - bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông và mức xử phạt gấp từ 2 đến 3 lần so với Nghị định trước đây. Theo đó, mức phạt cao nhất đối với việc điều khiển xe ô tô từ 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng. 
 
Các ban, ngành chức năng thời gian qua đã ra quân và quyết liệt xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu - bia và Nghị định số 100/2019 của Chính phủ. Có thể nói, việc kiểm tra nồng độ cồn một cách quyết liệt của lực lượng cảnh sát giao thông thời gian qua đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong việc kiềm chế và giảm tai nạn giao thông mặc dù Nghị định này mới chỉ triển khai được hơn 2 tháng nay. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm sâu so với 2 tháng đầu của cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/1/2020; thời gian cao điểm dịp lễ, tết và khách du lịch đông, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 3.506 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tạm giữ 34 xe ô tô, 699 mô tô và tước 494 giấy phép lái xe. Trong đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 336 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; tạm giữ 28 ô tô, 308 mô tô và đã tước có thời hạn 174 giấy phép lái xe. Những ngày đầu tháng 3/2020, con số này vẫn đang có tín hiệu tiếp tục giảm.
 
Đạt được kết quả này, Công an tỉnh cho biết, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định 100 của Chính phủ. Chủ động thành lập các tổ công tác liên ngành tiến hành tổ chức kiểm tra công khai nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông để răn đe, phòng ngừa và xử lý vi phạm. Theo đánh giá của lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh, trong tháng 2, qua kiểm tra, hầu như ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng lên rõ rệt, số trường hợp uống rượu - bia trước và trong khi tham gia giao thông giảm khoảng 50% so với những lần kiểm tra trước.
 
Trung tá Cù Tuấn Nghĩa - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, thời gian đầu, vẫn còn một số trường hợp người dân chống đối, quay đầu bỏ trốn khi thấy lực lượng cảnh sát giao thông lập điểm đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, gần đây, ý thức chấp hành đã tốt hơn rất nhiều. Rất ít các trường hợp lái xe uống rượu. Trung tá Nghĩa cũng cho biết, trong các đợt ra quân gần đây, lực lượng chức năng cũng đã áp dụng quy trình kiểm tra nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, tại khu vực tổ chức kiểm tra được lực lượng bố trí dải cọc phản quang bằng nhựa phân làn, có xe chuyên dụng báo hiệu bảo đảm thuận lợi cho việc tổ chức xử lý vi phạm, tránh gây ùn tắc giao thông. Lái xe sau khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn chỉ việc kéo cửa kính để cảnh sát giao thông kiểm tra. Mô hình này vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa nhanh. 
 
Trung tá Cù Tuấn Nghĩa cho biết thêm, việc thực hiện kiểm tra đo nồng độ cồn công khai thời gian qua được thực hiện đối với mọi đối tượng, mọi phương tiện tham gia giao thông kể cả xe của công an, quân đội. Lãnh đạo Công an tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo nghiêm cấm cán bộ, chiến sỹ công an can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang vi phạm, bên cạnh việc xử lý theo quy định của pháp luật, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ thông báo về cơ quan, đơn vị công tác để xử lý theo quy định của ngành.
 
Có thể nói, việc triển khai Nghị định 100 đã đạt kết quả vượt ngoài mong đợi khi mà không chỉ giảm về tai nạn giao thông mà ý thức của người dân cũng đã được nâng lên rõ rệt. Bản thân phần đông cán bộ, công chức, viên chức, lao động và người dân đều tự giác chấp hành. Phần lớn bạn bè từ thanh niên đến người lớn tuổi, nếu trước đây đi dự liên hoan thường hay ép nhau, “kích” nhau uống bia - rượu thì nay nhận thức của họ cũng thay đổi hẳn khi chính họ lại là những người tuyên truyền luật và Nghị định này, ngăn cản và động viên bạn bè không uống rượu - bia khi đi xe máy hoặc ô tô. Nếu đã uống thì đi taxi hoặc Grap về nhà chứ không cho đi xe. Nghị định này ra đời cũng hạn chế việc tổ chức tiệc tùng ăn nhậu, tổ chức liên hoan ăn uống sau hội họp ở các cơ quan, đơn vị...
 
Với nhiều tín hiệu đáng mừng đã đạt được trong hơn 2 tháng triển khai Nghị định, có thể thấy rằng Nghị định 100 chỉ mới triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình ủng hộ, nghiêm túc chấp hành. Ngành công an cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, song song đó, vẫn tiếp tục tổ chức kiểm tra nồng độ cồn bằng những biện pháp an toàn trong thời gian dịch COVID-19. Trung Tá Đoàn Mạnh Toàn - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, Phòng và công an các địa phương đã trang bị thêm phương tiện kiểm tra nồng độ cồn, ống thổi sử dụng một lần và các trang thiết bị khác để kiểm tra nồng độ cồn, nhằm tiếp tục có những biện pháp răn đe, nhắc nhở người dân tuân thủ pháp luật, đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần thúc đẩy người dân xây dựng ý thức tốt, thói quen tốt khi tham gia giao thông “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
 
NGUYỄN NGHĨA