Có nên quy định cấp điểm, trừ điểm Giấy phép lái xe?

06:04, 29/04/2020

Mới đây, Bộ Công an có đề xuất về việc cấp điểm, trừ điểm Giấy phép lái xe. Theo đó, mọi GPLX sẽ có 12 điểm, mỗi lần tài xế vi phạm sẽ bị trừ cho đến khi về 0.

Mới đây, Bộ Công an có đề xuất về việc cấp điểm, trừ điểm Giấy phép lái xe (GPLX). Theo đó, mọi GPLX sẽ có 12 điểm, mỗi lần tài xế vi phạm sẽ bị trừ cho đến khi về 0. Khi đó, GPLX sẽ bị coi là không còn hiệu lực và tài xế muốn cấp GPLX mới phải học và thi lại trong thời gian ít nhất sáu tháng kể từ ngày GPLX bị coi là không còn hiệu lực. Đây là đề xuất được đánh giá là rất nhân văn và có nhiều tiến bộ trong việc xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông hiện nay.
 
Thực tế, việc tước GPLX hiện nay là chế tài rất nghiêm khắc, nếu tài xế vô tình vi phạm quy định có áp dụng hình phạt bổ sung là tước GPLX thì việc này đồng nghĩa tài xế sẽ mất việc, mất thu nhập hoặc cuộc sống sẽ bị xáo trộn,…Mặc dù, đã bị tước GPLX, nhiều tài xế vẫn cố tình lái xe để kiếm sống hoặc mua, bán GPLX giả nhằm che mắt lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông. Nếu quy định mọi GPLX sẽ có 12 điểm, mỗi lần tài xế vi phạm sẽ bị trừ cho đến khi về 0 sẽ tạo điều kiện cho lái xe được hành nghề sau khi vi phạm bị trừ điểm, bởi trên thực tế nhiều lỗi vi phạm giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, khách quan cũng có, chủ quan cũng có. Và hầu hết, không tài xế nào muốn bị tước GPLX, bởi vì nếu bị tước GPLX đồng nghĩa sẽ mất đi “cần câu cơm” của họ. 
 
Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất của Bộ Công an, dự thảo cần phải được lấy ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội. Đồng thời, phải rà soát toàn bộ các quy định có liên quan đến pháp luật giao thông đường bộ, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính để bãi bỏ các quy định có liên quan đến việc tước GPLX, đồng thời bổ sung quy định về trừ điểm GPLX nếu tài xế xảy ra hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng hệ thống dữ liệu hiệu quả, có thể xử phạt và trừ điểm GPLX tự động, không để xảy ra sai sót. Muốn vậy, ngành Công an phải đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý vi phạm, đặc biệt là đào đạo nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ này. Ngoài ra, nếu quy định mọi GPLX sẽ có 12 điểm và bị trừ điểm nếu vi phạm thì có biện pháp giám sát, ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra như tài xế sẽ “mãi lộ” để không bị trừ điểm.
 
Khi GPLX bị trừ về điểm 0 có nghĩa là GPLX đó không còn giá trị sử dụng; tài xế buộc phải nộp lại và cơ quan chức năng thông báo hủy. Tài xế phải học và thi lại bằng lái xe mới đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
 
Mục đích của việc trừ điểm GPLX là tạo điều kiện cho tài xế được kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với lỗi vi phạm do lỗi vô ý hoặc khách quan được tiếp tục hành nghề. Vấn đề là, những lỗi vi phạm nào thì bị trừ 1 điểm, lỗi nào thì bị trừ 2 điểm,... phải quy định rõ ràng, áp dụng cụ thể; tuyệt đối không để người thi hành công vụ trừ điểm theo cảm tính, sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan và phát sinh khiếu nại. Đồng thời, đối với tài xế bị trừ điểm GPLX nhưng 1 hoặc 2 năm sau không xảy ra vi phạm, không bị trừ điểm thì cũng phải quy định cộng lại điểm đã bị trừ. Có như vậy, mới có thể khuyến khích đội ngũ tài xế chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay.
 
ĐỖ VĂN NHÂN