Lấy ý kiến công khai Dự thảo Luật Giao thông đường bộ

03:05, 20/05/2020

(LĐ online) - Luật Giao thông đường bộ được ban hành từ năm 2008 và nhiều quy định không còn phù hợp với thời điểm hiện tại...

(LĐ online) - Luật Giao thông đường bộ được ban hành từ năm 2008 và nhiều quy định không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng Dự thảo Luật thay thế. Hiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ lần 1 đang được đăng tải để lấy ý kiến công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông Vận tải để tiếp thu ý kiến, bổ sung, chỉnh sửa đến hết ngày 21/6/2020. Theo Dự thảo Luật sửa đổi lần này, có rất nhiều điểm thay đổi đáng lưu ý. 
 
Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng kiểm tra phương tiện giao thông trên Quốc lộ 20. Ảnh: Lê Tiến
Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng kiểm tra phương tiện giao thông trên Quốc lộ 20. Ảnh: Lê Tiến
 
1. Cấm sử dụng điện thoại khi lái xe
 
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12, người điều khiển xe mô tô 2 bánh, 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động mà không quy định đối với người điều khiển xe ô tô…
 
Tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ, việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những hành vi bị cấm (khoản 26 Điều 9).
 
2. Ngồi ghế sau cũng phải thắt dây an toàn
 
Theo Dự thảo Luật, người điều khiển và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây an toàn tại những chỗ có trang bị dây an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ thay vì chỉ yêu cầu người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước như quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ.
 
3. Phân biệt rõ dừng xe và đỗ xe
 
Hiện nay, khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ quy định:
 
- Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
 
- Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
 
Dự thảo đề xuất, quy định rõ 2 trạng thái này, theo đó:
 
- Dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 05 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp xuống để đóng mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe.
 
- Còn đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải là dừng xe.
 
4. Thêm Giấy phép lái xe hạng A0
 
Theo quy định hiện hành có tất cả 12 hạng Giấy phép lái xe: A1, A2, A3, A4, B1 (B1 số tự động và B1), B2, C, D, E, FB2, FD, FE.
 
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chia Giấy phép lái xe thành 17 hạng khác nhau gồm A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.
 
Đáng chú ý, lần đầu tiên có Giấy phép lái xe hạng A0 được cấp cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xi-lanh dưới 50 cm 3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 04 kW.
 
Ngoài ra, Giấy phép lái xe hạng A1 được cấp cho người lái xe mô tô 02 bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm 3 - 125 cm 3 (hiện nay là 50 cm 3 - dưới 175 cm 3) hoặc có công suất động cơ điện trên 4 kW - 11 kW.
 
Còn Giấy phép lái xe hạng A2 đang cấp cho người điều khiển các loại xe mô tô 02 bánh có dung tích trên 175 cm 3 và các loại xe quy định cho Giấy phép lái xe hạng A1 sẽ được gộp chung lại trong Giấy phép lái xe hạng A dành cho xe mô tô 02 bánh trên 125 cm 3 hoặc có động cơ trên 11 kW.
 
5. Được sử dụng bằng lái xe nước ngoài
 
Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe (điểm b khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ).
 
Theo dự thảo, người lái xe phải mang theo bản chính Giấy phép lái xe khi điều khiển phương tiên. Trong đó, Giấy phép lái xe gồm một trong các loại sau:
 
- Giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
 
- Giấy phép lái xe nước ngoài phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia được công nhận theo nguyên tắc có đi có lại cấp, còn giá trị sử dụng;
 
- Giấy phép lái xe nước ngoài phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia được công nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam cùng là thành viên cấp, còn giá trị sử dụng;
 
- Giấy phép lái xe quốc tế và Giấy phép lái xe quốc gia phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia là thành viên của Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp đối với người nước ngoài.
 
Như vậy, người lái xe được sử dụng một trong các loại Giấy phép lái xe trên khi tham gia giao thông tại Việt Nam.
 
Ngoài ra, Dự thảo này còn bổ sung nhiều định nghĩa như xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe đạp…
 
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ lần 1 đang được đăng tải lấy ý kiến công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông Vận tải đến hết ngày 21/6/2020.
 
Nếu được thông qua Dự thảo này sẽ thay thế Luật Giao thông đường bộ hiện hành số 23/2008/QH12 ban hành ngày 13/11/2008.
 
NGUYỄN NGHĨA (tổng hợp)