Nhiều sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng ở Lâm Hà

04:05, 06/05/2020

(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thông báo Kết luận thanh tra công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và thực hiện các dự án QLBVR kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Hà, với nhiều sai phạm được phát hiện qua thanh tra…

(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thông báo Kết luận thanh tra công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và thực hiện các dự án QLBVR kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Hà, với nhiều sai phạm được phát hiện qua thanh tra…
 
Rừng thông tại Tiểu khu 26B xã Nam Hà, huyện Lâm Hà bị triệt hạ trái phép để chiếm dụng đất
Rừng thông tại Tiểu khu 26B xã Nam Hà, huyện Lâm Hà bị triệt hạ trái phép để chiếm dụng đất
 
Theo đó, bên cạnh những việc làm được, như xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động của Trung ương, Tỉnh ủy và chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác QLBVR, UBND huyện Lâm Hà còn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; thường xuyên kiểm tra các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về QLBVR, PCCCR. 
 
Cùng với đó, UBND huyện còn chỉ đạo tăng cường hoạt động tuần tra, truy quét, điều tra, xử lý vi phạm liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp được giao quản lý; thành lập và kiện toàn các Ban chỉ đạo, Đội truy quét; ban hành quy chế phối hợp giữa hạt kiểm lâm, các ban quản lý rừng, UBND cấp xã trong công tác QLBVR; lập hồ sơ thiết kế trồng rừng, giao khoán bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp theo quy định. Đối với các đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất, thuê rừng đã có nhiều cố gắng trong công tác QLBVR, quản lý đất lâm nghiệp được giao, được thuê đã đẩy mạnh hoạt động tuần tra, phát hiện các hành vi vi phạm để xử lý.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được vẫn còn nhiều tồn tại, sai phạm trong QLBVR tại huyện Lâm Hà. Cụ thể, công tác QLBVR của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Lâm Hà thời gian qua hiệu quả chưa cao; chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vi phạm để lập hồ sơ xử lý; việc xử lý vi phạm chưa kịp thời; tỷ lệ vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng vi phạm còn cao. 
 
Việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp có 43 hộ với 22 hợp đồng nhận khoán không đúng đối tượng; các đối tượng nhận khoán chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên theo các nghị định của Chính phủ.
 
Mặc dù, UBND huyện Lâm Hà có văn bản chỉ đạo tạm ngưng giao khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, nhưng Ban QLRPH Nam Ban (nay sáp nhập với Ban QLRPH Lán Tranh thành Ban QLRPH Lâm Hà) vẫn tiếp tục ký kết giao khoán đối với 6 hợp đồng (55 ha đất) cho các cá nhân là viên chức của đơn vị. 
 
Tại thời điểm chưa sáp nhập, các Ban QLRPH Lán Tranh và Nam Ban đồng ý cho chuyển nhượng thành quả đầu tư đối với 17 hợp đồng giao khoán trồng rừng, với 819,27 ha, nhưng không thực hiện đúng phương án được phê duyệt và hợp đồng đã ký kết, để đất bị lấn chiếm, không trồng rừng theo hợp đồng đã ký kết. Khi thanh lý và cho phép chuyển nhượng, các ban quản lý rừng không xử lý đối với diện tích để bị lấn chiếm, không thực hiện đúng hợp đồng mà cho phép chuyển nhượng sang 18 hợp đồng (397,14 ha). 
 
Nổi cộm là việc Ban QLRPH Lán Tranh lập hồ sơ tạm giao, cam kết trồng rừng, cho phép 69 hộ gia đình, cá nhân (trong đó có người nhà, hoặc có quan hệ thân thiết với lãnh đạo Ban QLRPH Lán Tranh) phát dọn thực bì 504,1 ha để trồng rừng không đúng quy định. Hiện nay  hầu hết diện tích đất này để các hộ dân trồng cà phê và chủ rừng không quản lý được.
 
Vi phạm này có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
 
Việc quản lý đất tại các khu vực nhà trạm QLBVR thuộc phạm vi quản lý của Ban QLRPH Lán Tranh (trước đây) bị buông lỏng, để cho nhân viên của đơn vị chiếm, sử dụng làm nhà, trồng cà phê và một số cây trồng khác nhưng ban quản lý rừng không tiến hành xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
 
Trong khi đó, về QLBVR, quản lý, sử dụng đất cho thuê, qua kiểm tra có 8/8 doanh nghiệp không có phương án QLBVR; 1 doanh nghiệp không xây dựng phương án PCCCR hàng năm; 4/8 dự án có vi phạm về QLBVR, quản lý, sử dụng đất/111,52 ha (gồm: Để xảy ra phá rừng tại 2 dự án/99,96 ha; để bị lấn chiếm, sản xuất nông nghiệp tại 4 dự án/40,88 ha); 2 doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích cho thuê, phương án sử dụng đất được duyệt với 212,18 ha.
 
Ngoài ra, tại diện tích Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai thuê đất trồng rừng (Công ty Tân Mai được thuê 3.245,39 ha đất trên địa bàn huyện Lâm Hà, Đức Trọng là đất rừng trồng nguyên liệu giấy liên kết với các chủ rừng Nhà nước trước đây), nhưng đã để rừng bị phá và lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp. Đơn vị này mới phát hiện, lập hồ sơ 268 vụ vi phạm; diện tích còn lại gồm: 58,68 ha rừng trồng bị phá; 16,69 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nhưng doanh nghiệp không phát hiện, không lập hồ sơ chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo quy định… 
 
Từ những tồn tại, sai phạm trên, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà; lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp. Chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn kiểm tra các trường hợp đã thanh lý hợp đồng giao khoán để xử lý, hoặc tham mưu UBND huyện xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm. 
 
Đồng thời, yêu cầu Ban QLRPH Lâm Hà trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong mùa mưa năm 2020. Lập thủ tục giải tỏa, thu hồi toàn bộ diện tích đất do các gia đình, cá nhân lấn chiếm, sử dụng sai mục đích tại các khu vực xung quanh các nhà Trạm QLBVR để quản lý và trồng rừng theo quy định.
 
Tổ chức kiểm điểm đối với lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn về những tồn tại, sai phạm qua kiểm tra; có hình thức xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp đến các tồn tại, sai phạm qua kiểm tra; đề ra biện pháp cụ thể để khắc phục các tồn tại.
 
UBND tỉnh cũng yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, khẩn trương tổ chức giải tỏa, đưa vào quản lý, sử dụng, tiến hành trồng rừng theo đúng mục đích đầu tư dự án đối với diện tích đất bị lấn chiếm tại dự án của 4 doanh nghiệp (Công ty Tân Mai, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khải Tâm, Công ty TNHH Dược phẩm Việt Thái; Công ty Cổ phần Địa ốc Việt R.E.M.A.X); hoàn thành trước ngày 30/9/2020.
 
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị Công an tỉnh liên hệ Thanh tra tỉnh để tiếp nhận toàn bộ hồ sơ sai phạm tại Ban QLRPH Lâm Hà, tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
 
THỤY TRANG