Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật cho hội viên phụ nữ

12:07, 13/07/2020

Hiểu rõ vai trò của người phụ nữ trong mỗi gia đình, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đơn Dương đã có những thay đổi trong cách thức vận động, tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho các hội viên.

Hiểu rõ vai trò của người phụ nữ trong mỗi gia đình, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đơn Dương đã có những thay đổi trong cách thức vận động, tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho các hội viên.
 
21 năm làm công tác Hội Phụ nữ, bà Ka Chuông (bên trái) luôn đặt mình vào vị trí của mỗi hội viên để chia sẻ
21 năm làm công tác Hội Phụ nữ, bà Ka Chuông (bên trái) luôn đặt mình vào vị trí của mỗi hội viên để chia sẻ
 
Bà Phan Thị Hoài Thanh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương cho biết: Những năm trở lại đây, các hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền pháp luật được các cấp Hội tập trung về tận các thôn đồng bào DTTS, thay vì tổ chức tập trung ở xã như trước đây. Thực tế, kiến thức và khả năng tiếp cận thông tin của hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số không nhanh bằng người Kinh, nên các hoạt động phải đổi mới hình thức theo hướng dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ thực hiện hơn. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên phối hợp với các đợt trao quà của các tổ chức, đoàn thể để lồng ghép các nội dung tuyên truyền, bởi đây là những cơ hội tốt để tập hợp bà con.
 
“Việc tổ chức sinh hoạt và tuyên truyền ngay tại nhà sinh hoạt cộng đồng tạo điều kiện thuận lợi để chị em tham gia. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến tích cực. Chính vì vậy, những năm gần đây, tỷ lệ suy sinh dưỡng trong trẻ em, bạo hành gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương đều giảm bớt” - bà Thanh chia sẻ.
 
Với đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên, người phụ nữ là chủ gia đình, nên khi họ đã nhận thức được rồi thì sẽ vận động, giáo dục, thay đổi gia đình. Tận dụng lợi thế này, Hội LHPN các xã chú trọng phát huy vai trò của những chị có uy tín, có tiếng nói trong thôn, xã. Tiêu biểu có bà Ka Chuông ở xã Lạc Lâm; chị Ka Rơm ở xã Đạ Ròn; chị Ma Hồng ở xã Ka Đô... Đây là những chi hội trưởng chi hội phụ nữ đầy tâm huyết, trách nhiệm và tạo dựng được lòng tin trong hội viên.
 
Tại thôn M’Răng, xã Lạc Lâm, bà Ka Chuông (63 tuổi) đã làm công tác phụ nữ bắt đầu từ những năm 1999 cho đến bây giờ. Bà nói rằng thời điểm đó, bà con trong thôn sinh nhiều, lại chỉ biết trồng bắp, trồng lúa nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Giờ thì đã biết học người Kinh trồng rau thương phẩm nên kinh tế được cải thiện, ổn định hơn nhiều, sinh ít con hơn, con cái được chăm sóc tốt hơn và được đến trường đến nơi đến chốn. Có được sự thay đổi này, một phần lớn là nhờ vào sự thay đổi nhận thức trong chị em phụ nữ.
 
21 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn M’Răng, bà Ka Chuông chia sẻ: “Làm công tác Hội, mình cứ sống thật tâm, thật tình với người ta thì người ta sẽ tin tưởng, chia sẻ, tâm sự với mình”. Hơn ai hết, bà hiểu rõ bà con, hàng xóm của mình. Không thể vận động suông, mà phải làm cho bà con thấy thì họ mới tin và làm theo. Chính vì vậy, bản thân gia đình bà đã là một tấm gương để bà con nhìn vào và học hỏi. Từ chuyện làm kinh tế, đến nuôi dạy con cái, cuộc sống vợ chồng hòa thuận. Thế nên, dù khó khăn nhưng bà nhất định cố gắng cho con bám theo con chữ. Nhà bà có 6 người con thì đã có 4 người học đại học, là niềm tự hào chung của cả thôn M’Răng, cũng là “nền tảng” vững chắc để bà Ka Chuông tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với chị em trong thôn.
 
Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương Phan Thị Hoài Thanh cho biết, các cấp Hội luôn tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em hội viên, đặc biệt chị em hội viên phụ nữ vùng đồng bào DTTS. Từ đó, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động phù hợp, từng bước vận động phụ nữ xây dựng nếp sống văn minh; đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ trong vùng đồng bào DTTS từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu… Qua các hoạt động tuyên truyền trên đã thu hút 80% hội viên phụ nữ tham gia.
 
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với phụ nữ trên địa bàn huyện, Hội LHPN huyện Đơn Dương đã xây dựng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền kiến thức pháp luật, vận động phụ nữ dân tộc - tôn giáo,... gắn với 3 nhiệm vụ và phong trào thi đua của Hội như phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, gắn với đẩy mạnh thực hiện Đề án 704 “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng như Công an, Ban Chỉ huy Quân sự, Phòng Tư pháp, Phòng văn hóa, Phòng Dân tộc huyện tổ chức các đợt tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nghĩa vụ Quân sự, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an ninh nông thôn, Luật Bình đẳng giới… 
 
Trong 10 năm qua, các cấp Hội duy trì sinh hoạt các mô hình, CLB như “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy”, 10 CLB “Nuôi dạy con tốt”, CLB “Phụ nữ với kiến thức pháp luật”, CLB “Phòng chống HIV/AIDS”, CLB “5 không, 3 sạch”; mô hình “Gia đình phát triển bền vững”, “Phòng chống bạo lực gia đình”... “Đây là nền tảng thuận lợi để chúng tôi tập hợp, thu hút hội viên trong vùng đồng bào DTTS. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện và các xã sẽ tiếp tục phát huy những cách làm mới, hiệu quả, nhất là chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên ở cơ sở” - bà Phan Thị Hoài Thanh khẳng định.
 
VIỆT QUỲNH