Đẩy mạnh thu hồi vũ khí làm sạch địa bàn, giảm tội phạm

05:08, 07/08/2020

Sau 4 tháng thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...

Sau 4 tháng thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Công an Lâm Đồng đã triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần làm trong sạch địa bàn, kéo giảm tội phạm có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
 
Công an huyện Đức Trọng kiểm kê số vũ khí thu hồi trong đợt cao điểm
Công an huyện Đức Trọng kiểm kê số vũ khí thu hồi trong đợt cao điểm
 
Ngay sau khi Bộ Công an có Kế hoạch số 105 về tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân thu hồi, vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tại những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, lực lượng công an (LLCA) cơ sở phải tổ chức rà soát, nắm thông tin về các loại vũ khí còn lưu giữ trong dân cũng như tình hình sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ. Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch này, LLCA từ tỉnh đến cơ sở đã in và phát 45.163 tài liệu tuyên truyền, sản xuất 880 bản tin, tổ chức 551 buổi tuyên truyền tập trung cho 20.727 lượt người dân. Bên cạnh đó, tranh thủ 210 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân. Ông K’Tem - Chủ tịch MTTQ xã Tà Năng, huyện Đức Trọng chia sẻ: “Người DTTS vẫn giữ thói quen từ ngày xưa. Thời gian không có việc làm họ thường vào rừng sử dụng các loại vũ khí để săn bắt mà không biết rằng những vũ khí này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tính mạng của bản thân họ và người dân. Thời gian tới, phát huy vai trò của Mặt trận, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong dân, đặc biệt là những người đang sử dụng vũ khí phải giao nộp cho Nhà nước, không sử dụng như hiện nay”.
 
Trên tất cả các địa bàn, tùy tình hình thực tế của địa phương mà LLCA có biện pháp vận động linh hoạt và tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ khác nhau. Như tại 5 xã vùng sâu của huyện Đức Trọng, LLCA đã triển khai mô hình “Đổi gạo lấy vũ khí” với nguồn gạo được mua từ số tiền quyên góp của các tổ chức và các mạnh thường quân. Mô hình này được triển khai và bước đầu thu được kết quả khả quan. “Khi chúng tôi tham mưu triển khai mô hình “Đổi gạo lấy vũ khí” thì nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của cả hệ thống chính trị ở cơ sở và quần chúng nhân dân. Người dân đã nhận thức được tác hại, nguy hiểm của việc lưu giữ và sử dụng hung khí, vũ khí, vật liệu nổ nên đã đồng tình ủng hộ và tự nguyện giao nộp cho LLCA” - Thiếu tá Nguyễn Phúc Thịnh - Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Đức Trọng kể lại. Còn anh Ninh Văn Thương - trú tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng thú nhận: “Trước đây do không hiểu biết về pháp luật nên tôi đã làm một số súng để bắn chim, bắn gà. Vừa qua được Công an xã Ninh Gia tuyên truyền, vận động nên tôi tự giác giao nộp vũ khí cho cơ quan công an”.
 
Tại các địa bàn khác, LLCA đã đồng loạt triển khai mô hình “Hỗ trợ nhu yếu phẩm khi người dân tự giác giao nộp các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ”. 
 
Từ những việc làm cụ thể và thiết thực đó tính đến hết tháng 7/2020, Công an Lâm Đồng đã thu hồi được 6 khẩu súng quân dụng, 37 súng hơi, 388 súng tự chế, 18 đầu đạn bom mìn, 8,6 kg đạn chì cùng hàng ngàn công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ, trong đó có 243 khẩu súng các loại được thu hồi trong vùng đồng bào DTTS. 
 
Song song với việc vận động Nhân dân giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, LLCA toàn tỉnh đã thực hiện đợt tổng kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đấu tranh bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ. Qua đó, đã phát hiện 76 vụ với 90 đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, khởi tố 8 vụ với 9 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 31 vụ, phạt thu 262,3 triệu đồng, số còn lại cảnh cáo cho viết cam kết không vi phạm. Đồng thời có biện pháp quản lý, nhắc nhở đối với 39 công ty, doanh nghiệp hoạt động liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp. Qua kiểm tra đã phát hiện 2 cơ sở vi phạm hành chính và đã lập biên bản xử phạt 55 triệu đồng với lỗi “không thực hiện canh gác, bảo vệ khu bảo quản vật liệu nổ công nghiệp theo quy định; hộ chiếu nổ mìn lập không đầy đủ”.
 
Với mục tiêu làm trong sạch địa bàn, kéo giảm tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, trong những tháng cuối năm, Công an toàn tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục triển khai các mô hình, tranh thủ sự giúp đỡ của người có uy tín, già làng, trưởng bản để vận động Nhân dân giao nộp, thu gom triệt để số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn trong dân, thể hiện quyết tâm cao thực hiện tốt kế hoạch của Bộ Công an.
 
ĐỨC HUY