Khó khăn trong bảo vệ rừng giáp ranh ở Đạ Sar

05:09, 04/09/2020

Bảo vệ diện tích rừng giáp ranh luôn là vấn đề khó khăn của những địa phương có rừng. Xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương cũng không là ngoại lệ. Ngoài bảo vệ diện tích rừng giáp ranh ở xa, thách thức của địa phương này nằm ở chính diện tích rừng giáp ranh với thành phố Đà Lạt.

Bảo vệ diện tích rừng giáp ranh luôn là vấn đề khó khăn của những địa phương có rừng. Xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương cũng không là ngoại lệ. Ngoài bảo vệ diện tích rừng giáp ranh ở xa, thách thức của địa phương này nằm ở chính diện tích rừng giáp ranh với thành phố Đà Lạt.
 
Các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát diện tích rừng ở khu vực giáp ranh của xã Đạ Sar (Ảnh: Trạm QLBVR Đarahoa cung cấp)
Các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát diện tích rừng ở khu vực giáp ranh của xã Đạ Sar (Ảnh: Trạm QLBVR Đarahoa cung cấp)
 
Đạ Sar là địa phương có gần 20 ngàn ha rừng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 80,35% tổng diện tích tự nhiên. Đạ Sar có nhiều diện tích rừng giáp ranh với thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương và tỉnh Ninh Thuận. Diện tích rừng trên địa bàn xã Đạ Sar thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý. Trên địa bàn xã, Ban Quản lý rừng đã đặt 2 Trạm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Trong đó, các diện tích rừng giáp ranh thuộc phạm vi quản lý của Trạm QLBVR Đarahoa.
 
Khu vực rừng giáp ranh xa nhất của địa phương này khoảng trên 30 km, thuộc Tiểu khu 139 (giáp tỉnh Ninh Thuận) và các Tiểu khu 140, 141 (giáp huyện Đơn Dương), đường sá đi lại khó khăn. Đối với các khu vực này, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã có quy chế phối hợp với Vườn Quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) và Ban Quản lý rừng D’Ran (huyện Đơn Dương) để tổ chức các đợt tuần tra, truy quét. Những khó khăn về địa hình, đường sá cộng với việc tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát giữa các đơn vị giữ rừng và các hộ nhận khoán nên những khu vực rừng giáp ranh ở xa cơ bản được giữ yên.
 
Diện tích rừng giáp ranh của xã Đạ Sar với Phường 12, thành phố Đà Lạt tại các tiểu khu 143, 144. Theo nhận định của cán bộ Trạm QLBVR Đarahoa, diện tích giáp ranh khu vực này là điểm “nhức nhối” trong công tác quản lý, bảo vệ của đơn vị chủ rừng cũng như chính quyền địa phương. Liên quan tới vấn đề này ông Liêng Jrang Ha Rô Ki - Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Lâm nghiệp xã Đạ Sar cho biết thêm: Diện tích rừng của xã Đạ Sar giáp Phường 12 đất đai bằng phẳng, đường sá đi lại thuận lợi, khí hậu phù hợp với sản xuất nông nghiệp nên nhiều đối tượng muốn lấn chiếm khu vực này để sản xuất. Mặt khác, diện tích này gần khu sản xuất của người dân cả hai địa phương nên việc lấn chiếm cũng vì vậy mà dễ dàng hơn so với các khu vực khác. Đặc biệt, những năm gần đây, khi giá đất khu vực Đạ Sar liên tục tăng, việc mua bán, sang nhượng đất trái phép diễn ra nhiều, nên việc lấn chiếm đất rừng không chỉ đơn thuần để lấy đất sản xuất. Đạ Sar là một trong những địa bàn có nhiều vụ vi phạm về rừng so với các địa phương khác trong huyện. Phần lớn các vụ vi phạm thời gian gần đây cho thấy các đối tượng thực hiện thường là người từ nơi khác đến, thuê trọ ở khu vực lân cận nên việc kiểm tra, kiểm soát và truy tìm đối tượng cũng vì vậy mà gặp khó khăn hơn. 
 
Theo số liệu thống kê của Ban Lâm nghiệp xã Đạ Sar, trong 6 tháng đầu năm 2020, tại các tiểu khu nhất là Tiểu khu 143, Tiểu khu 144 xảy ra nhiều vụ vi phạm phức tạp. Kiểm lâm địa bàn và các trạm QLBVR thường xuyên tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền trong Nhân dân để tố giác các đối tượng vi phạm. 
 
Ông Vũ Trung Kiên - Trạm phó Trạm QLBVR Đarahoa cho biết: Thủ đoạn lấn chiếm đất tại khu vực này ngày càng tinh vi và không phải chuyện ngày một, ngày hai. Bởi các đối tượng đã lén lút ken cây, đổ hóa chất trước đó rất lâu, nhằm làm cây chết dần để lấn chiếm đất. Sau đó vào mùa mưa sẽ tranh thủ trồng cây trên đất lấn chiếm để sản xuất hoặc mua bán, sang nhượng. Ngoài thủ đoạn tinh vi, các đối tượng thường tiến hành các hành vi vi phạm vào ban đêm, ngày mưa gió hay dịp lễ, tết nên rất khó khăn cho cơ quan quản lý bảo vệ rừng. 
 
Quản lý bảo vệ rừng khu vực giáp ranh nói chung là một trong những nội dung trọng tâm mà những năm gần đây xã Đạ Sar cũng như các trạm QLBVR trên địa bàn xác định thực hiện. Kết quả thực hiện nội dung này được báo cáo lên Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim và UBND xã Đạ Sar hàng tháng, để kịp thời có biện pháp xử lý. Riêng khu vực các tiểu khu giáp ranh Phường 12, phía Trạm QLBVR Đarahoa tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các vụ vi phạm. Khi phát hiện các vụ lấn chiếm, kiên quyết giải tỏa và trồng rừng lại ngay, tránh để tình trạng tái lấn chiếm phải giải tỏa nhiều lần. 
 
Đạ Sar đang là địa phương được xác định tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Lạc Dương. Do đó, việc giữ độ che phủ rừng là một trong những nội dung quan trọng mà địa phương này tập trung thực hiện. Trong đó, công tác QLBVR nói chung và khu vực giáp ranh Phường 12, thành phố Đà Lạt nói riêng được địa phương này đặc biệt chú trọng.
 
HOÀNG MY