Thay đổi chính sách để ai cũng có lương hưu

06:12, 28/12/2020

Mục tiêu của ngành BHXH là đến năm 2021, có 35% lực lượng lao động trong độ tuổi sẽ tham gia BHXH

Mục tiêu của ngành BHXH là đến năm 2021, có 35% lực lượng lao động trong độ tuổi sẽ tham gia BHXH
 
Nhiều biện pháp đã được BHXH Việt Nam đưa ra để "giữ chân" những người đang tham gia BHXH. BHXH Việt Nam cũng đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn, thuận lợi hơn nữa cho người tham gia để ai cũng có lương hưu khi về già.
 
Giữ chân người đang tham gia BHXH là ưu tiên của BHXH Việt Nam trong năm 2021.
Giữ chân người đang tham gia BHXH là ưu tiên của BHXH Việt Nam trong năm 2021.
 
67% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH
 
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hiện cả nước có trên 16,1 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 32,6% lực lượng lao động và tăng 327.000 người so với năm 2019. Đặc biệt, đã có 1,068 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 494.000 người so với năm 2019 và chiếm khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Cùng đó, gần 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.
 
Ông Mạnh cho biết trong năm 2021, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu tăng số người tham gia BHXH - trong đó cả nước có 17,54 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 14,2 triệu người tham gia BHTN. Ngành BHXH đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hoàn thành tỉ lệ bao phủ tham gia BHXH đạt khoảng 35% so với lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2021, 45% vào năm 2025 và 60% đến năm 2030. Mặc dù lĩnh vực BHXH, BHTN, BHXH tự nguyện có chuyển biến mạnh mẽ nhưng năm 2020 ngành BHXH vẫn giải quyết trên 897.000 người hưởng trợ cấp 1 lần. Theo các chuyên gia, chính sách BHXH bắt buộc của Việt Nam hướng đến mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động (NLĐ); hỗ trợ NLĐ mất việc làm; bảo đảm cuộc sống ổn định sau khi hết tuổi lao động. "Hiện nước ta vẫn còn gần 67% lao động trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH, đây cũng là cơ hội để phát triển BHXH tự nguyện. Do đó, ngoài việc "giữ chân" những người đang tham gia BHXH, không để họ vì một lý do nào đó mà bán sổ BHXH, đăng ký nhận BHXH một lần, cũng cần có chính sách tốt hơn nữa để thu hút nhóm đối tượng không thuộc diện biên chế nhà nước, không có hợp đồng lao động dài hạn... tham gia BHXH tự nguyện" - một chuyên gia chia sẻ.
 
Nâng mức hỗ trợ
 
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 của BHXH Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh chỉ khi nào có một hệ thống bảo hiểm với độ bao phủ lớn, cơ bản toàn dân thì lưới an sinh xã hội mới bền vững. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, BHXH Việt Nam cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tìm tòi cách làm mới để tiếp tục duy trì, mở rộng độ bao phủ BHYT, đặc biệt là tăng nhanh tỉ lệ NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHTN. "Trước hết phải thay đổi thói quen của người dân tự tiết kiệm, tích trữ phòng lúc khó khăn sang mua bảo hiểm, đóng góp vào hệ thống an sinh xã hội chung" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị BHXH Việt Nam xây dựng chiến lược, bước đi dài hơi, bài bản, đầu tư dài hạn; nhìn thẳng vào các hạn chế, bất cập trong phát triển BHYT, BHXH, BHTN; linh hoạt, sáng tạo khi triển khai thực hiện.
 
Trong phát triển BHXH tự nguyện, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh việc giao chỉ tiêu cho địa phương như BHYT, quan trọng nhất là phải thay đổi suy nghĩ, thói quen của NLĐ. "Cần nghiên cứu phương án đưa ra các gói bảo hiểm có mệnh giá rất thấp, rất nhỏ về giá trị trong một số năm để thay đổi thói quen của người dân, đồng thời kết hợp với một số chương trình hỗ trợ an sinh xã hội" - Phó Thủ tướng gợi mở. Trước đó, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cũng cho biết để mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn, thuận lợi hơn nữa cho người tham gia. Trong đó, kiến nghị, đề xuất sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu. Quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng người nông dân, NLĐ phi chính thức không thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện. Cùng đó, quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, NLĐ khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. 
 
Tạo thuận lợi cho người dân
 
Nhiều chuyên gia cho rằng để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ về chính sách BHXH tự nguyện. Trong tương lai gần cần sửa đổi chính sách theo hướng chặt chẽ hơn quy định hưởng BHXH một lần. Đồng thời, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp NLĐ dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần. Ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết BHXH Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công cho người dân với bước đột phá mới, điển hình là việc ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số". Đây là ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động dành cho cá nhân, giúp người sử dụng dễ dàng tra cứu thông tin về quá trình tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT; nâng cao chất lượng dịch vụ công về an sinh xã hội tại Việt Nam theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân.
 
(Theo nld.com.vn)