Đủ kiểu "hạ sát" thông rừng ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà

06:01, 15/01/2022
(LĐ online) - Khu vực rừng nằm sau dãy núi Lang Biang thuộc Tiểu khu 112B, lâm phần do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý (thuộc địa giới hành chính thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương), có một số vị trí đang bị các đối tượng chặt hạ, đầu độc thông, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.
 
Nhiều gốc thông có đường kính lớn bị cưa hạ tại Tiểu khu 112B, lâm phần do Vườn Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý, bảo vệ
Nhiều gốc thông có đường kính lớn bị cưa hạ tại Tiểu khu 112B, lâm phần do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý, bảo vệ
 
Tại tiểu khu này, chúng tôi ghi nhận nhiều điểm thông rừng bị ken gốc đổ thuốc diệt cỏ hoặc cưa hạ. Ghi nhận tại hiện trường vụ việc sáng 12/1, những cây thông 3 lá có đường kính gốc từ 40 – 60 cm nằm phía trên con đường đất men theo triền núi thuộc Tiểu khu 112B bị cưa hạ phần gốc, thân cây bị cắt khúc nằm lăn lóc, một số cây chết khô trong khi phần gốc của nhiều cây khác bị đốt nhằm mục đích xoá dấu vết. 
 
Một số người dân thuộc xã Lát, có vườn cà phê tại khu vực này cho biết số thông 3 lá bị cưa hạ nhiều lần trong vòng hơn 2 năm trở lại đây. Các vụ cưa hạ, đầu độc mới nhất thì diễn ra cuối năm 2021. Theo quan sát của chúng tôi, số lượng gốc thông bị các đối tượng huỷ hoại rải rác tại 3 khu vực nhưng nằm chủ yếu trên một vệt đồi và đã được cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, đánh số kiểm đếm. Nhiều lóng gỗ thông vẫn còn nằm ngổn ngang ở hiện trường chưa được di chuyển ra khỏi rừng. 
 
Cũng tại các tại vị trí này, nhiều gốc thông đường kính 40 – 50 cm khác đang bị chặt, khoan đục xung quanh gốc thông còn tươi, sau đó đổ hoặc bơm thuốc diệt cỏ với mục đích làm lá héo và thân cây chết khô dần. Không những vậy, mặc dù là khu vực đất rừng nhưng một số đối tượng vẫn lén lút đào bới, san gạt mặt bằng thành băng rộng 200 – 400 m 2 tại một số vị trí làm biến dạng địa hình.
 
Hàng chục cây thông bị cưa hạ năm 2020 còn nằm ngổn ngang tại Tiểu khu 112B
Hàng chục cây thông bị cưa hạ năm 2020 còn nằm ngổn ngang tại Tiểu khu 112B
 
Qua trao đổi, ông Trần Đình Toàn - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Lát - Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà xác nhận khu trên thuộc đối tượng rừng phòng hộ xung yếu do đơn vị quản lý, bảo vệ thuộc Tiểu khu 112B. Những năm trở lại đây, một số vị trí tại Tiểu khu có địa thế đất đẹp, khu vực đỉnh núi có thể nhìn xuống hồ Đan Kia - Suối Vàng, một phần thị trấn Lạc Dương và TP Đà Lạt, gần vị trí rừng mai anh đào mọc trên núi Lang Biang du khách đến tham quan nên nhiều đối tượng có hành vi lén lút cưa hạ, ken gốc thông bằng các thủ đoạn tinh vi với mục đích lấn chiếm đất rừng để bán.
 
Ông Toàn thông tin từ cuối năm 2020 tới nay, Tiểu khu 112B rộng 1.653 ha xảy ra 3 vụ phá rừng trái pháp luật, 1 vụ dựng nhà tôn trái phép trong đất rừng. Trong đó, có 1 vụ điều tra, bắt và khởi tố 2 đối tượng, 2 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm. Cụ thể, tháng 12/2020, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, cơ quan chức năng huyện Lạc Dương đã lập biên bản, hồ sơ xác định Rơ Ông Ha Ka và Liêng Hót Ja Bát có hành vi cưa hạ 23 gốc thông 3 lá có khối lượng trên 17 m3 trên diện tích rừng phòng hộ trên 4.000 m 2 tại khoảnh 14, Tiểu khu 112B.
 
Một vị trí đất rừng bị đào sới, san ủi với mục đích chiếm đất rừng thành đất canh tác nông nghiệp
Một vị trí đất rừng bị đào sới, san ủi với mục đích chiếm đất rừng thành đất canh tác nông nghiệp
 
Tới ngày 17/9/2021, Trạm Kiểm lâm xã Lát cùng Ban Lâm nghiệp thị trấn Lạc Dương phát hiện tại khoảnh 12, Tiểu khu 112B các đối tượng cưa hạ 29 cây thông 3 lá đường kính 23 – 50 cm với khối lượng lâm sản gần 13 m 3. Và gần nhất ngày 23/10/2021 tại lô a3, khoảnh 13, Tiểu khu 112B, lực lượng chức năng đo đạc, xác định có 23 cây thông đường kính gốc từ 16 - 68 cm bị cưa hạ, toàn bộ số lâm sản đã bị lấy đi với diện tích rừng trên 1.200 m 2.
 
Theo đại diện Hạt Kiểm lâm Vườn Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, hiện Trạm Kiểm lâm xã Lát có 4 cán bộ kiểm lâm trong biên chế, 1 kiểm lâm viên hợp đồng và hợp đồng với 2 Tổ nhận khoán bảo vệ rừng (63 hộ dân) quản lý, bảo vệ diện tích 3.379 ha đất rừng; trong đó, riêng Tiểu khu 112B rộng 1.635 ha. Do diện tích rừng rộng, lực lượng mỏng nên công tác tuần tra, phát hiện các đối tượng xâm lấn đất, cưa hạ thông rừng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các vụ vi phạm được ghi nhận thường các đối tượng đều cưa hạ thông bằng máy cưa điện vào ban đêm, lúc trời mưa gió, việc ken cây đổ thuốc độc cây thông chết khô diễn ra tinh vi, nhỏ lẻ nên khó phát hiện, xử lý.
 
Một trong hàng chục cây thông rừng bị đẽo, chặt phần gốc, đổ thuốc diện cỏ cho chết dần
Một trong hàng chục cây thông rừng bị đẽo, chặt phần gốc, đổ thuốc diệt cỏ cho chết dần
 
“Thời gian qua chúng tôi tổ chức lực lượng bảo vệ, đội tuần tra liên tục các khu vực có nguy cơ cũng như các vị trí rừng bị các đối tượng phá rừng; đồng thời, lập kế hoạch phối hợp với các đơn vị chức năng địa phương mật phục, truy tìm các đối tượng lấn chiếm, tác động lên đất rừng để xử lý. Bên cạnh đó, đơn vị đã kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân để xảy ra vụ phá rừng trái pháp luật và chấm dứt ký hợp đồng giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng đối với 3 hộ dân nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng” - đại diện Hạt Kiểm lâm Vườn Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà thông tin.
 

 CHÍNH THÀNH - NGỌC NGÀ