Rừng thông Hiệp An tiếp tục bị tàn phá, san ủi trái phép

06:03, 15/03/2022
Trước cơn sốt bất động sản, tỉnh Lâm Đồng đã và đang tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng, san ủi, bao chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Vậy nhưng, tình trạng này vẫn chưa được chấn chỉnh triệt để, nhiều khu vực rừng vẫn tiếp tục bị gặm nhấm, tàn phá tan hoang…
 
Hiện trường san ủi đất rừng trái phép tại Tiểu khu 267C
Hiện trường san ủi đất rừng trái phép tại Tiểu khu 267C
 
Những ngày đầu tháng 3/2022, trở lại Tiểu khu 267C, khu vực dưới sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (gọi tắt Ban QLRPH Đại Ninh), thuộc địa bàn xã Hiệp An (H. Đức Trọng, Lâm Đồng), nơi cửa ngõ vào TP Đà Lạt (Lâm Đồng), đập vào mắt chúng tôi là cả một khu vực rộng lớn trơ ra màu đất đỏ bazan thay vì màu xanh của rừng. Quanh khu vực nhà bảo vệ rừng của Ban QLRPH Đại Ninh là những khoảnh rừng liền kề bị tàn phá, cưa hạ, đốt cháy nham nhở, cạnh đó, với hàng loạt cây thông đã, đang chết đứng vì bị khoan gốc, bị đầu độc bằng chất độc. Tại đây, dù cây rừng chưa kịp cưa hạ nhưng người dân đã đóng cọc sắt làm ranh phân lô, thửa chia phần. Cùng với đó, nhiều sườn đồi, khe núi trong khu vực cũng chung tình trạng, bị cạo trọc, cày xới, san ủi mở đường ngang, dọc và cải tạo thành những thửa đất rất đẹp. Chưa kể, nhiều khoảnh rừng tiếp tục bị bao chiếm, trồng cà phê, mít, chuối và mai anh đào. 
 
Theo ông Hồ Hữu Hiếu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hiệp An, do nhu cầu đất đai tăng cao nên kéo theo nạn phá rừng, chiếm đất, san ủi mặt bằng trái phép trên địa bàn diễn ra khá phức tạp, dù chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong kiểm tra, xử lý kiên quyết nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Cũng theo Chủ tịch xã Hiệp An, một số đối tượng lấn chiếm đất rừng, phá rừng với mục đích nhằm sang nhượng cho người khác để thu lợi bất chính. Trong năm 2021, xã đã tập trung xử lý các đối tượng lấn chiếm đất rừng, san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép trên 50 trường hợp, đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng, san gạt mặt bằng, làm nhà trái phép trên đất rừng. 
 
Một cán bộ lâm nghiệp cho biết, khu vực rừng bị bao chiếm, san ủi trái phép trên, năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho một doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đầu tư quản lý bảo tồn, xây dựng khu du lịch sinh thái cao cấp... Đến năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định thu hồi dự án của doanh nghiệp này và giao cho Ban QLRPH Đại Ninh quản lý hơn 266 ha, trong đó, với 175 ha rừng, hơn 20 ha đất trống và 71 ha rừng bị phá, bị lấn chiếm trồng cà phê. Điều đáng nói, tình trạng phá rừng, chiếm đất, san ủi cải tạo mặt bằng diễn ra trong suốt thời gian dài. Ban QLRPH Đại Ninh cũng cắt cử cán bộ lâm nghiệp địa bàn túc trực, tuần tra, kiểm soát nhưng không hiệu quả. Rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá, gặm nhấm, bao chiếm, tái lấn chiếm trái phép từng ngày; các vụ bao chiếm, san ủi đất lâm nghiệp xảy ra công khai nhưng chủ rừng không có biện pháp ngăn chặn. 
 
Trả lời phóng viên các báo về câu hỏi “liệu có sự tiếp tay, bao che của cán bộ quản lý, bảo vệ rừng hay không ?”. Ông Nguyễn Văn Nhẫn - Trưởng Ban QLRPH Đại Ninh, khẳng định không có chuyện này, hầu hết các vụ vi phạm đều được xử lý nghiêm theo đúng quy định. Cũng theo ông Nhẫn, để xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất có nhiều nguyên nhân. Do địa bàn rộng nên khi nghe thông tin và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đến nơi thì vụ việc đã xảy ra rồi. 
 
Minh chứng cho việc này, Trưởng Ban QLRPH Đại Ninh, cho biết, mới đây (ngày 24/2/2022), đích thân lãnh đạo Ban QLRPH Đại Ninh đã trực tiếp kiểm tra hiện trường khu vực Tiểu khu 267C, phát hiện vụ việc cán bộ, nhân viên đơn vị để xảy ra tình trạng san ủi gần 2.000 m2 đất lâm nghiệp và đào hồ chứa nước diện tích 1.700 m2 trái phép trên đất rừng. Ban QLRPH Đại Ninh lập tức ban hành ngay các quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Đội trưởng Đội Chuyên trách QLBVR số 1 cùng một nhân viên của đội này để làm rõ trách nhiệm do lơ là công việc quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra việc san ủi đất rừng nhưng không phát hiện, không báo cáo kịp thời cho lãnh đạo đơn vị để xử lý. Đơn vị cũng đã chủ động phối hợp với UBND xã Hiệp An cùng các cơ quan liên quan tiến hành lập biên bản tạm giữ xe múc để chờ xử lý, đồng thời, có văn bản báo cáo UBND huyện Đức Trọng về việc san ủi đất lâm nghiệp tại Khoảnh 3, 4 Tiểu khu 267C. 
 
Trước đó, năm 2021, Ban QLRPH Đại Ninh còn phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện mật phục bắt quả tang nhiều vụ phá rừng trái phép tại Tiểu khu 267C. Đồng thời, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức giải tỏa được 24,7 ha đất rừng bị lấn chiếm để trồng cà phê, mai anh đào, chuối; và trồng lại 3,15ha rừng sau giải tỏa tại Tiểu khu 267C. 
 
Trước tình trạng phá rừng, bao chiếm đất, tái lấn chiếm và san ủi đất rừng trái phép xảy ra tại Tiểu khu 267C, ngày 3/3, UBND huyện Đức Trọng đã có văn bản yêu cầu UBND xã Hiệp An, Công an, Phòng TN&MT, Hạt Kiểm lâm huyện và Ban QLRPH Đại Ninh vào cuộc điều tra, xử nghiêm các hành vi vi phạm. Cụ thể, UBND huyện Đức Trọng giao UBND xã Hiệp An chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục để xử lý, hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm tại khu vực trên. Huyện cũng yêu cầu Ban QLRPH Đại Ninh tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất đai trên lâm phần được giao quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định. Kiên quyết không để các đối tượng tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến việc để xảy ra san gạt đất lâm nghiệp trái phép tại Khoảnh 3, 4 Tiểu khu 267C theo đúng quy định của pháp luật. 
 
UBND huyện Đức Trọng cũng giao cho Công an huyện, Hạt Kiểm lâm, Phòng TN&MT cùng các đơn vị liên quan phối hợp vào cuộc xác minh, làm rõ đối tượng vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng, bộ phận chuyên môn phối hợp, hỗ trợ Ban QLRPH Đại Ninh, UBND xã Hiệp An xử lý nghiêm các hành vi tàn phá, bao chiếm, san ủi đất rừng.
 
THỤY TRANG