Đạ Huoai: Tăng cường quản lý việc gây nuôi động vật hoang dã

03:04, 05/04/2022
Những năm qua, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn hoạt động, cơ quan chức năng của huyện Đạ Huoai cũng tăng cường công tác quản lý nhằm hạn chế vi phạm trong hoạt động này. Qua đó, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân địa phương, giảm thiểu áp lực săn bắt các loài động vật hoang dã ngoài tự nhiên. 
 
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai kiểm tra tình hình gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai kiểm tra tình hình gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn
 
Hiện nay, tại huyện Đạ Huoai có 12 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với số lượng 367 cá thể. Các động vật hoang dã được gây nuôi bao gồm: cá sấu nước ngọt, cầy vòi hương, chim trĩ, đà điểu, dúi, heo rừng, heo rừng lai, hươu sao, nai, khỉ vàng, nhím bờm. Trong đó, số lượng động vật hoang dã nguy cấp, quy hiếm là 54 cá thể, gồm: 15 cá thể cá sấu nước ngọt, 36 cá thể cầy vòi hương, 3 cá thể nai. Số loài động vật hoang dã thông thường là 313 cá thể, gồm: 1 cá thể đà điểu, 6 cá thể khỉ vàng, 17 cá thể heo rừng, 56 cá thể heo rừng lai, 117 cá thể nhím bờm, 67 cá thể dúi, 6 cá thể chim trĩ, 43 cá thể hươu sao.
 
Theo Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai, tổng số loài động vật hoang dã hiện đang gây nuôi tại các cơ sở trên địa bàn đều có nguồn gốc hợp pháp. Các cơ sở đều có sổ theo dõi nuôi động vật hoang dã theo Mẫu số 16 của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ; khi có biến động tăng, giảm đàn các cơ sở đều ghi chép đầy đủ và báo cáo kịp thời theo quy định. Hầu hết các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đều có chuồng nuôi kiên cố, phù hợp với đặc tính của loài được nuôi, đảm bảo an toàn cho con người; vị trí chuồng, trại xa khu nhà ở và không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
 
Điển hình như năm 2021, qua kiểm tra tình hình gây nuôi động vật hoang dã cho thấy, huyện Đạ Huoai có số lượng 361 cá thể với 11 cơ sở nuôi. Đến 3 tháng đầu năm 2022 thì số lượng cá thể tăng lên 367 với 12 cơ sở. Có được những số liệu cập nhật kịp thời là nhờ sự tăng cường quản lý của cơ quan chức năng và sự ghi chép đầy đủ về biến động tăng, giảm đàn của các chủ cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. 
 
Theo quy định, việc gây nuôi động vật hoang dã nhóm IB, IIB và Phụ lục II CITES  phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp mã số cơ sở gây nuôi. Trên địa bàn huyện Đạ Huoai hiện nay có 6 cơ sở nuôi phải lập thủ tục và đã được Chi cục Kiểm Lâm Lâm Đồng cấp mã số. 
 
Việc gây nuôi các loại động vật hoang dã là một trong những biện pháp nhằm bảo tồn nguồn gen, giúp mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, để tránh tình trạng các cơ sở lợi dụng để nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép; đưa động vật hoang dã săn bắt, khai thác trái phép ngoài tự nhiên vào nhập chuồng, để hợp thức hóa động vật hoang dã thì việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở gây nuôi luôn được Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện.   
 
Ông Nguyễn Mạnh Tiến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai cho biết: Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện. Ngoài các quy định về việc gây nuôi động vật hoang dã theo quy định; hàng tháng, hàng quý, cán bộ phụ trách của Hạt sẽ xuống các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã để kiểm tra, kiểm soát và thu thập thông tin như: sự biến động về đàn, tình hình gây nuôi, các cá thể gây nuôi cụ thể… hướng dẫn các cơ sở gây nuôi mới về các thủ tục cần thiết, việc cấp mã số cơ sở. 
 
Cũng theo Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai, Hạt đã đề xuất, kiến nghị lên CITES sớm cấp mã số đối với các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Phối hợp hoặc kiến nghị lên với cơ quan chức năng có thẩm quyền hướng dẫn các cơ sở có hoạt động gây nuôi động vật hoang dã lập báo báo đánh giá tác động môi trường (đối với các cơ sở phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường). Đề xuất UBND huyện Đạ Huoai chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đăng ký, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường và tham mưu đến UBND huyện xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường khi các cơ sở có hồ sơ đề nghị.    
 
ĐỨC TÚ