Đức Trọng: Quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng

05:04, 12/04/2022
Thời gian qua, tình hình vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng diễn biến khá phức tạp. Do đó, các cấp, ngành chức năng huyện Đức Trọng đang tập trung chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn.
 
Cán bộ Trạm Quản lý chuyên trách Bảo vệ rừng số 1, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh cùng các hộ dân tham gia nhận khoán đi tuần tra rừng tại khu vực núi Voi
Cán bộ Trạm Quản lý chuyên trách Bảo vệ rừng số 1, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh cùng các hộ dân tham gia nhận khoán đi tuần tra rừng tại khu vực núi Voi
 
Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, toàn huyện hiện có 40.170 ha đất lâm nghiệp; gồm rừng đặc dụng106 ha, rừng phòng hộ 18.083 ha và rừng sản xuất là 21.981 ha. Trong đó, tổng diện tích rừng là 28.916,2 ha với 19.522,9 ha rừng tự nhiên và 9.393,3 ha rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 31,8%. Hiện nay, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng được giao cho hai đơn vị chủ rừng Nhà nước quản lý là Ban QLRPH Đại Ninh và Tà Năng, cùng 28 doanh nghiệp và 3 cá nhân thuê đất, thuê rừng với tổng diện tích là 6,518,37 ha. Hiện, các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện các dự án đầu tư quản lý, bảo vệ, trồng rừng kinh tế tại 13 dự án trên diện tích 3.358,74 ha; du lịch sinh thái 11 dự án, diện tích 2,472,41 ha; sản xuất nông lâm kết hợp 6 dự án, diện tích 666,02 ha; 1 dự án khác, diện tích 21,2 ha.
 
Ông Nguyễn Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cho biết: Trong năm 2021, được sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện Đức Trọng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng và sự vào cuộc của các ngành chức năng, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, cơ bản nhất là bảo vệ được vốn rừng hiện có, duy trì và nâng cao độ che phủ của rừng hiện nay. 
 
Trong năm 2021, trên địa bàn huyện Đức Trọng đã xảy ra 64 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, diện tích và khối lượng lâm sản thiệt hại. Cụ thể, số vụ vi phạm hành chính là 63 vụ, vi phạm có dấu hiệu hình sự là 1 vụ, giảm 12 vụ, tương đương 15,8% so với cùng kỳ năm 2020; diện tích rừng bị xâm hại 21.938 m 2, giảm 35.372 m 2 so với cùng kỳ; khối lượng lâm sản thiệt hại 162,4 m 3, giảm 81,6 m 3 so với cùng kỳ. 
 
Các cơ quan chức năng của huyện cũng đã tiến hành xử lý vi phạm 56 vụ. Trong đó, xử lý vi phạm hành chính 55 vụ với tổng số tiền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là gần 479 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không xác định được người vi phạm 17 vụ đề nghị các đơn vị chủ rừng khôi phục lại rừng là 6 vụ; xử lý hình sự 1 vụ/1 bị can về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
 
Theo ông Nguyễn Văn Trung, hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng phá rừng trái pháp luật tại một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng phá rừng, ken cây, lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp vẫn đang diễn ra, nhất là tại một số điểm nóng các xã như Phú Hội, Hiệp An. 
 
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện thuê đất, thuê rừng nhưng không triển khai thực hiện hoặc thực hiện chậm theo giấy chứng nhận đầu tư; một số doanh nghiệp không triển khai, tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, không có trụ sở làm việc nên để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép mà không có biện pháp xử lý.
 
Để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng sẽ tăng cường tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các địa phương, đơn vị chủ rừng để chấn chỉnh, nâng cao năng lực; tập trung xác định các điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để chủ động tham mưu, phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn quản lý.
 
Đồng thời, quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do từ nơi khác đến địa phương, ngăn chặn kịp thời tình trạng dân di cư tự do phá rừng lấy đất sản xuất. Cùng với đó, kiên quyết xử lý thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm bằng các biện pháp cưỡng chế, giải tỏa theo quy định; có biện pháp trồng lại rừng trên diện tích đất lấn, chiếm đã giải tỏa…
 
HOÀNG SA