Nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

06:04, 20/04/2022
Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm bảo vệ, hạn chế sự xâm hại tài nguyên rừng. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của ngành chức năng, mặc dù có giảm về số vụ và mức độ thiệt hại nhưng tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, rừng một số nơi vẫn bị “chảy máu” và chưa được ngăn chặn triệt để.
 
Tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực đèo Prenn, Đà Lạt
Tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực đèo Prenn, Đà Lạt
 
Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2021, số vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) tuy có giảm so với năm 2020 nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế, đó là tình hình vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng còn dấu hiệu diễn biến phức tạp, tập trung ở một số huyện như Đam Rông, Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương... Đặc biệt, có một số vụ vi phạm nổi cộm xảy ra gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, trong đó, số vụ chưa xác định đối tượng vi phạm vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, chiếm 34%. Một số dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp triển khai chậm tiến độ; chủ đầu tư không bố trí lực lượng đủ mạnh để QLBVR, còn để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và báo cáo cơ quan chức năng xử lý…
 
Thực tế trên cho thấy công tác QLBVR của các đơn vị chủ rừng chưa thực sự tốt. Năng lực tổ chức, điều hành và tinh thần trách nhiệm của một số chủ rừng còn hạn chế, yếu kém; các lực lượng tham gia QLBVR ở một số nơi còn buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm.
 
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích rừng lớn, phân bố không tập trung, địa hình chia cắt, hiểm trở, phức tạp, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên cũng gây nhiều khó khăn cho công tác QLBVR. Trong khi đó, hiện nay, nhu cầu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng, đời sống của người dân còn khó khăn, trình độ còn hạn chế, quỹ đất để cấp cho các hộ nghèo, hộ thiếu đất sản xuất có giới hạn; giá trị của đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích rừng đan xen, giáp ranh với các diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân nên công tác QLBVR cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế các đối tượng vi phạm thời gian qua trên địa bàn cho thấy thường thực hiện các hành vi vi phạm bằng các hình thức khá tinh vi, đơn cử như hành vi phá rừng trái pháp luật bằng hình thức ken, khoan cây đổ hóa chất, hậu quả chỉ biểu hiện sau một thời gian dài, gây cho cơ quan chức năng rất nhiều khó khăn trong điều tra truy tìm đối tượng vị phạm để xử lý. Lực lượng bảo vệ rừng hiện vẫn còn mỏng, thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác QLBVR; chế độ đãi ngộ còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hiện nay, bên cạnh đó, áp lực công việc ngày càng lớn nên một số cán bộ chưa thực sự an tâm, nhiệt huyết công tác nên hiệu quả thực thi nhiệm vụ chưa cao. 
 
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan ở trên, cũng cần phải thừa nhận rằng, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm vẫn còn chưa quyết liệt trong công tác QLBVR, giải tỏa diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng lại rừng; chưa thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa cao; nội dung, hình thức, biện pháp triển khai chưa hiệu quả, chưa thật sự đến được với mọi người dân, mọi đối tượng, nhất là những người dân sống và canh tác trong và ven rừng. Một số đơn vị chủ rừng chưa sử dụng hiệu quả lực lượng nhận khoán QLBVR để thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm để xử lý. Một số doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án trên địa bàn tỉnh bố trí lực lượng QLBVR không có chuyên môn, nghiệp vụ, bị động, thiếu linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các tình huống phát sinh. Công tác quản lý, phục hồi lại rừng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật sau khi xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả, nhiều diện tích vi phạm bị người dân lấn chiếm canh tác nông nghiệp trái phép, còn nhiều trường hợp tái lấn chiếm sau khi các cơ quan chức năng đã tiến hành tổ chức giải tỏa.
 
Chính quyền cơ sở một số nơi chưa thực hiện hết trách nhiệm QLBVR; chưa thường xuyên hoặc thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, ngăn chặn để rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật. Một bộ phận các chủ rừng không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ rừng trên lâm phần được giao; có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong bảo vệ rừng ở một số nơi thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ.
 
Năm 2022 này, tỉnh đặt mục tiêu chung là phấn đấu giảm 10% về số vụ, diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại; số vụ vi phạm phát hiện được đối tượng đạt từ 80% trở lên và không để tình trạng phá rừng trở thành điểm nóng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương. Để công tác QLBVR hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra, mới đây, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 10 về ”Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó nhấn mạnh, các huyện, thành phố tăng cường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của tỉnh trong việc kiểm tra thường xuyên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng và cán bộ câu kết, tiếp tay, bao che cho đối tượng vi phạm theo đúng quy định của Đảng, Nghị quyết Tỉnh ủy, pháp luật Nhà nước. Địa phương nào tiếp tục để xảy ra việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng mà đồng chí bí thư thành ủy, huyện ủy không kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm một cách nghiêm minh và không giải tỏa trồng lại rừng thì chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 
 
Tuy nhiên, để công tác QLBVR hiệu quả hơn, vai trò, tinh thần trách nhiệm của các chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, ngoài việc tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng và các hành vi tiêu cực; rất cần các đơn vị chủ rừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công an… và đặc biệt là chủ động trong công tác quản lý bảo vệ, nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. 
 
NGUYÊN THI