Ngăn ngừa, xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng, xúc phạm nhau trên mạng xã hội

06:05, 13/05/2022
Dù đã có nhiều cảnh báo từ cơ quan chức năng nhưng một số người dân trên địa bàn vẫn có thói quen nguy hiểm khi sử dụng mạng internet để lan truyền các thông tin mà không quan tâm tới tính chính xác của nó, thậm chí xúc phạm, chửi bới vô cớ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới danh dự, uy tín của các tổ chức, cá nhân liên quan.
 
Lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng mời làm việc, xử phạt vi phạm hành chính với một số trường hợp đăng tải thông tin không chính xác trên mạng xã hội
Lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng mời làm việc, xử phạt vi phạm hành chính với một số trường hợp đăng tải thông tin không chính xác trên mạng xã hội
 
Nhiều người vẫn nhớ thời điểm năm 2019 tới 2021 trên mạng xã hội rộ lên nhiều tin đồn không chính xác về các ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn các huyện, thành phố gây tâm lý xấu tới người dân. Điều đáng nói là từ một lời đồn thổi thiếu căn cứ liên quan tới dịch COVID-19, ngay lập tức nhiều trang facebook một số tài khoản có nhiều lượng người theo dõi tại địa phương đăng tải, tiếp tục tạo hiệu ứng dây truyền khiến không ít người dân hoang mang, vội vã tin theo. 
 
Nổi cộm thời gian qua xuất hiện nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” loan tin trị COVID-19 bằng nước “Thánh Thiên” trên các trang mạng xã hội”. Điều trái khoáy là mặc dù cách chữa bệnh nghe rất phản khoa học nhưng lại còn nhiều người dân tin theo. Không những đồn thổi cách chữa bệnh phản khoa học, nhóm hoạt động tôn giáo trái phép mang tên “Trừ quỷ Bảo Lộc” còn đăng tải, lan truyền các thông tin mang màu sắc mê tín dị đoan gây phức tạp tình hình trật tự xã hội tại địa phương. Mặc dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần, nhưng tới thời điểm này, một số thành viên vẫn lén lút đăng tải thông tin trái pháp luật lên mạng xã hội, chưa chấm dứt hoạt động hoàn toàn.
 
Ðây có thể coi là một trong những thí dụ điển hình về tình trạng tin đồn thất thiệt, tác động xấu tới cộng đồng, trong một số trường hợp có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Ðáng lo ngại là vấn nạn này đã và đang xảy ra trong thực tế, dưới nhiều hình thái khó lường, vì nhiều mục đích khác nhau.
 
Trong khi đó, hành vi xúc phạm, chửi bới vô cớ các cá nhân, tổ chức trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, instagram, skype, viber, wechat,whatapp,... diễn ra khá phức tạp. Phổ biến nhất trên địa bàn là việc một số trang mạng xã hội có nhiều người theo dõi như các trang mua bán bất động sản, việc làm, kinh doanh mỹ phẩm online,… thường xuyên đăng tải thông tin gọi là góc “Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “bóc phốt”, “đòi nợ” rồi đưa ảnh, thông tin của cá nhân, tổ chức lên mạng xã hội nhưng hoàn toàn không dẫn từ các trang báo chính thống hay từ cơ quan chức năng mà tự ý đăng tải, thậm chí người bị đăng tải, bị bôi xấu không hề hay biết. Nhiều người không rõ thông tin trên có chính xác hay không nhưng việc bình luận, chửi bới trên mạng như trên đã làm tổn hại uy tín, danh dự cá nhân không nhỏ. Trong khi đó, theo quy định của Luật Vi phạm hành chính hay Luật Hình sự thì các cá nhân, tổ chức chỉ vi phạm hay sai phạm khi cơ quan chức năng tiến hành ra quyết định xử phạt hoặc toà án đưa ra phán quyết.
 
Theo thống kê từ cơ quan chức năng, từ năm 2019 tới nay, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an Lâm Đồng, Công an các huyện, thành phố, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông,… đã xử phạt trên 150 trường hợp các cá nhân về hành vi “đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức”. Hầu hết các hành vi nêu trên đều bị xử phạt theo khoản 2 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện và giao dịch điện tử (chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật). 
 
Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, các hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội tùy thuộc vào tính chất, mức độ khác nhau còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1 hoặc điểm l khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155, Điều 156 của Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường về vật chất những thiệt hại gây ra cho cá nhân, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật Dân sự nếu có. 
 
Liên quan tới vấn đề nêu trên, tháng 6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn triển khai nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là một trong những “điều luật mềm” giúp cơ quan chức năng địa phương tăng cường các biện pháp quản lý không gian mạng, giảm thiểu những hậu quả xấu, tác động tiêu cực từ mạng xã hội.
 
C.PHONG