Hướng tới quản lý chặt, chống thất thu thuế tài nguyên khoáng sản

05:06, 17/06/2022
Trước tình trạng khai thác khoáng sản; san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép, không phép; sông, suối, ao, hồ bị lấn chiếm, san lấp, ngăn dòng chảy, ảnh hưởng cảnh quan môi trường…; câu hỏi đặt ra là các ngành chức năng làm gì trước thực trạng này?
 
Khai thác khoáng sản tại Đạ Tẻh
Khai thác khoáng sản tại Đạ Tẻh
 
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh hiện có 96 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực. Trong đó, 6 giấy phép khai thác các loại khoáng sản bao gồm cao lanh, bauxit, đá ốp lát do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; còn lại UBND tỉnh cấp 90 giấy phép khai thác khoáng sản sử dụng vào sản xuất vật liệu xây dựng thông thường.
 
Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh cho hay, từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp toàn tỉnh tăng trên hai con số, tương đương 16,7%. Đáng chú ý trong đó ngành Công nghiệp khai khoáng tăng 21,89%. Điểm qua số liệu này để thấy, lĩnh vực khai khoáng đang duy trì mức tăng cao và góp phần vào nguồn thu ngân sách tỉnh. 
 
Điều đáng nói là trong thời gian qua, không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng mà ngay cả người dân cũng phản ảnh, tại một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản (cát, đá, đất san lấp, vàng, cao lanh….); san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép, không phép, lợi dụng việc san gạt, cải tạo mặt bằng để khai thác, vận chuyển khoáng sản; sông, suối, ao, hồ bị lấn chiếm, san lấp, ngăn dòng chảy, ảnh hưởng cảnh quan môi trường, thất thoát tài nguyên...
 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, trước tình hình trên, thực hiện các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, quy định của pháp luật, Sở đã chủ động nắm bắt tình hình, báo cáo, đề xuất tỉnh ban hành chỉ thị về việc “tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời, xây dựng “Quy chế phối hợp” giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Công an tỉnh “trong công tác quản lý, bảo vệ, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh”. 
 
Qua đó, mỗi khi nhận được thông tin đã báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như quy định của pháp luật. Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời kiểm tra, xử lý hoặc có văn bản đề nghị UBND các địa phương, các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Kết quả nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra xử lý mà điển hình như vụ khai thác vàng tại xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, khai thác cát tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà... 
 
Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất UBND tỉnh các giải pháp tăng cường công tác quản lý về khoáng sản, đặc biệt trong hoạt động khai thác cát quy chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh; khoanh định vùng hạn chế và khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
 
Song song với việc tăng cường quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, cơ quan thuế và ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Tăng cường công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Trên cơ sở đó, hai đơn vị đã xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý, chống thất thu thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để hai ngành trong thời gian tới tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp quản lý thu và chống thất thu trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
 
Theo đó, Cục Thuế tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin về tình hình thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cung cấp danh sách đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản; còn Cục Thuế tỉnh thường xuyên cung cấp danh sách các đơn vị kê khai nộp tiền thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đơn vị khai thác khoáng sản vượt công suất; kê khai thuế, phí lĩnh vực khoáng sản nhưng không có giấy phép khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp; kê khai sản phẩm khai thác không đúng loại tài nguyên được cấp, khai thác đơn vị nợ đọng tiền thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản… Từ đó hai đơn vị chủ động, kịp thời đôn đốc, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền đôn đốc, xử lý theo quy định.
 
Định kỳ hàng năm phối hợp thông báo tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến các đơn vị khai thác khoáng sản, kịp thời điều chỉnh, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; giải đáp các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp và nhờ đó mà công tác tính, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong những năm vừa qua của tỉnh luôn đạt chỉ tiêu được giao, số nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giảm dần qua các năm.
 
Tiến tới để chống thất thu thuế trong lĩnh vực khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện dự án xây dựng hệ thống kiểm soát giám sát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế trên địa bàn tỉnh. Thông qua hệ thống thông tin dữ liệu trạm cân, camera giám sát được kết nối trực tiếp từ các mỏ tới cơ quan quản lý nhà nước nhằm đối chiếu, theo dõi sản lượng khoáng sản khai thác thực tế với sổ sách, chứng từ kê khai của các đơn vị khai thác khoáng sản.
 
Một lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông cho hay, để quản lý tốt lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, tránh thất thoát sản lượng khai thác và thất thu thuế, với công nghệ thông tin hiện nay có thể giải quyết triệt để bài toán này. Đó là yêu cầu, đôn đốc các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện lắp đặt trạm cân, camera giám sát, lập sổ sách chứng từ nhằm xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế theo quy định tại Điều 41, 42, 43 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ. Đây là cơ sở để đối chiếu giữa sản lượng khai thác thực tế và sản lượng kê khai thuế, phí. Có như thế mới hướng tới quản lý chặt sản lượng, chủng loại khai thác và chống thất thu thuế trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, tài nguyên trên địa bàn tỉnh.
 
XUÂN TRUNG