Cần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy

04:09, 21/09/2022
Công tác quản lý người nghiện và tổ chức cai nghiện ma túy thời gian qua đã được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt và được triển khai thực hiện theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 116 ngày 21/12/2021 của Chính phủ, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện... nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng ma túy trên địa bàn, từ đó góp phần giải quyết và kéo giảm các hoạt động tệ nạn ma túy ở địa phương. 
 
Lực lượng công an thu giữ cây cần sa trồng trái phép để bán kiếm tiền trong rẫy cà phê ở Nam Ban, Lâm Hà.
Lực lượng công an thu giữ cây cần sa trồng trái phép để bán kiếm tiền trong rẫy cà phê ở Nam Ban, Lâm Hà.
 
  CHUYỂN TỪ CAI TRỊ, SANG PHỤC VỤ 
 
Có thể nói rằng, trên địa bàn tỉnh, hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy hiện đã cơ bản hoàn thiện, quy mô sức chứa khoảng 420 học viên. Trong điều trị nội trú, hoạt động cai nghiện đã chuyển hoàn toàn phương châm từ cai trị sang phục vụ. Phương châm này đã được cụ thể hoá bằng các biện pháp như tăng cường hàm lượng y tế trong hoạt động điều trị, tăng cường các giải pháp công tác xã hội (tư vấn, quản lý trường hợp, đối thoại...), tăng cường vai trò tự quản trong điều hành các hoạt động, tập trung xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá - thể thao; tạo được sự liên kết với nhiều sở, ngành, đoàn thể và thân nhân học viên trong hoạt động điều trị nội trú. Qua đó, số lượng người nghiện những năm qua đến điều trị ngày càng nhiều, hoạt động điều trị cũng ngày càng ổn định. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tổng số người được cai nghiện, chữa trị từ cuối năm 2019 đến nay là 1.530 người. Đến nay, số người nghiện ma túy được điều trị cắt cơn 315 người; hoàn thành thời gian cai nghiện 737 người; số người nghiện ma túy được dạy nghề là 95 người; số người được tư vấn quản lý sau cai 971 người. Bên cạnh đó, người nghiện ma túy cai nghiện, chữa bệnh tại cơ sở cai nghiện đều được tư vấn, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ đạt hiệu quả cao, được tư vấn về dự phòng tái nghiện. 
 
Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động người nghiện tham gia điều trị nghiện thay thế bằng thuốc Methadone tại cơ sở điều trị Đà Lạt và 3 cơ sở cấp phát thuốc ở Đạ Tẻh, Lâm Hà, Bảo Lộc. 
 
Để làm tốt công tác cai nghiện, ngoài hoạt động ngày càng chuyên nghiệp của các cơ cở cai nghiện, có thể nói rằng lực lượng công an cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bởi đây chính là lực lượng luôn nắm rõ được tình hình và chính là lực lượng chủ động tiến hành rà soát, lập danh sách số đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn, nhất là số người nghiện không có nơi cư trú ổn định, số có biểu hiện “ngáo đá” để triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý. Công an cũng là lực lượng chịu trách nhiệm thu thập, tích lũy thông tin, tài liệu liên quan đến người nghiện ma túy trên địa bàn nhằm phục vụ tốt cho công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính và vận động người nghiện đi cai nghiện tự nguyện. Trong 3 năm gần đây, lực lượng công an đã lập 927 hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 438 hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc, đã đưa 283 đối tượng đi cai nghiện theo quyết định của Tòa án nhân dân; đã vận động đi cai nghiện tự nguyện 190 trường hợp. 
 
Các đội công tác xã hội tình nguyện của các xã, phường, thị trấn cũng là một trong những lực lượng có đóng góp lớn vào hiệu quả của công tác cai nghiện. Lực lượng này luôn chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội không chỉ cho các đối tượng nghiện mà cả ở những khu vực dân cư phức tạp. Ngoài ra, lực lượng tình nguyện còn thường xuyên tiếp cận, tư vấn, vận động người sử dụng, người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được chữa trị, cai nghiện bằng nhiều hình thức phù hợp, dự phòng tái nghiện. Theo thống kê, các đội tình nguyện trong hơn 2 năm gần đây đã vận động 305 người nghiện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, 525 người đã hoàn thành thời gian cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện khi trở về cộng đồng được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, nghề nghiệp, việc làm... để hòa nhập cộng đồng. Các đội tình nguyện còn phối hợp với gia đình, bạn bè của các đối tượng để nắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng sau khi trở về địa phương để có biện pháp giáo dục phù hợp; đồng thời vận động các nguồn xã hội hóa hỗ trơ,̣ giúp đỡ họ có công việc làm ổn định, chú trọng lựa chọn công việc có ý nghĩa, giúp ích cho xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, từ bỏ ý định trở lại con đường nghiện ma túy. 
 
  QUẢN LÝ SAU CAI NGHIỆN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
 
Công tác quản lý sau cai nghiện ma túy vốn luôn được xác đinh là khâu quan trọng trong quá trình cai nghiện ma túy, vì vậy mà bất cứ người nghiện nào sau khi hoàn thành xong quá trình cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc đều được UBND cấp huyện ban hành quyết định quản lý sau cai nghiện nhằm triển khai các biện pháp chống tái nghiện; và để được hỗ trợ tư vấn, giúp đỡ về việc làm, được tạo điều kiện để họ tránh xa ma túy, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề quản lý người cai nghiện xong trở về cộng đồng hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho công tác cai nghiện không đạt được kết quả bền vững. Rất ít người cai nghiện xong trở về mang giấy đến báo cho chính quyền địa phương. Cái nhìn của gia đình và xã hội về những đối tượng sau cai nghiện vừa trở về nhà cũng vẫn còn thiếu đi sự chia sẻ, cảm thông, động viên dẫn đến người sau cai nghiện thường là mang nặng mặc cảm, tự thu mình lại, ít chia sẻ…
 
Tại một số địa phương có tỷ lệ người nghiện cao, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các huyện, thành phố thành lập và triển khai Văn phòng tư vấn cai nghiện và quản lý sau cai nghiện như tại TP Đà Lạt, huyện Đức Trọng, Lâm Hà. Các văn phòng này để thực hiện tư vấn cho người sử dụng ma túy, người nghiện, người sau cai nghiện và cả thân nhân của họ; tư vấn cho người nghiện cách phòng, chống tái nghiện... Ngoài tư vấn trực tiếp, văn phòng còn đồng thời tư vấn qua các kênh như điện thoại, Internet, cộng tác viên... Tuy nhiên, số lượng đến để tư vấn cũng còn khá khiêm tốn.
 
Bên cạnh đó, cơ chế giám sát việc quản lý, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng dân cư đối với người nghiện hiện có thể nói là vẫn chưa thật sự đồng bộ. Vai trò của các ngành, Mặt trận, các đoàn thể và tổ chức xã hội ở địa phương trong công tác vận động cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và trong việc hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho các đối tượng nghiện sau cai nghiện hiệu quả rất thấp. Tại cơ sở cai nghiện ma tuý, mặc dù các đối tượng cai nghiện đều được học nghề, lao động trị liệu, phục hồi và được tư vấn trước khi hoà nhập cộng đồng nhưng khi họ trở về với cộng đồng thì rất ít số này có thể tìm kiếm được việc làm. Một phần do nghề nghiệp được học không đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương. Một phần là do hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn e ngại, thiếu niềm tin và thậm chí kỳ thị những người sau cai nghiện vừa trở về… Vì vậy, việc hoà nhập của những người sau cai nghiện thực sự vẫn còn rất khó khăn. Hầu hết những trường hợp sau cai nghiện không tái nghiện đến nay hầu như đều là những người có ý chí nỗ lực thật sự của người thân, gia đình, và chính bản thân họ. Việc thiếu niềm tin, thiếu quan tâm, quản lý lỏng lẻo sau cai nghiện chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đối tượng cai nghiện xong trở về địa phương nhưng rất nhanh sau đó lại tái nghiện. Điều này cho thấy chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện không cao. 
 
NGUYỄN NGHĨA