Lỗ hổng trong quản lý thuốc điều trị ung thư ở các nước châu Âu

09:10, 06/10/2017

Trong giai đoạn 2009-2013, các nhà quản lý dược của Liên minh châu Âu (EU) đã cấp phép đưa vào sử dụng ít nhất 39 loại thuốc điều trị ung thư mới trong khi chưa có bằng chứng về hiệu quả điều trị của chúng.

Trong giai đoạn 2009-2013, các nhà quản lý dược của Liên minh châu Âu (EU) đã cấp phép đưa vào sử dụng ít nhất 39 loại thuốc điều trị ung thư mới trong khi chưa có bằng chứng về hiệu quả điều trị của chúng.
 
Điều này khiến bệnh nhân ung thư đối diện với nguy cơ "tiền mất tật mang" và làm dấy lên quan ngại về tiêu chuẩn quản lý thuốc của châu Âu. 
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: biospectrumindia.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: biospectrumindia.com)

Báo cáo của một nhóm chuyên gia y tế công cho biết 39 loại thuốc này nằm trong tổng số 68 loại thuốc ung thư mới được Cơ quan Y khoa châu Âu (EMA) cấp phép, bán trên thị trường trong khoảng thời gian trên. Theo đó, nhiều loại thuốc được thông qua dựa trên những kết quả thử nghiệm ban đầu thiếu thuyết phục không thể chắc chắn về hiệu quả thật sự. 
 
Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí y tế BMJ cảnh báo việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh cũng như cộng đồng. Theo đó, nếu các loại thuốc đắt tiền song không có tác dụng lâm sàng được đưa vào sử dụng và lại được cấp cho các hệ thống y tế công, cá nhân các bệnh nhân sẽ bị tổn hại, nguồn lực quan trọng của xã hội bị lãng phí và hệ thống chăm sóc y tế giá hợp lý và công bằng cũng bị hủy hoại. 
 
Phản ứng trước báo cáo trên, EMA cho biết đã thảo luận rộng rãi về các kết quả chứng minh tác dụng của thuốc ung thư và sẵn sàn tranh luận sâu hơn về vấn đề này. 
 
Không chỉ châu Âu, một nghiên cứu tương tự năm 2015 về thuốc ung thư của Mỹ cũng cho kết quả rằng hầu hết thuốc được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép trong khoảng thời gian từ năm 2008-2012 đều chưa được chứng minh là hiệu quả trong việc tăng khả năng sống sót hay cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Trong khi đó, những loại thuốc đã được FDA cấp phép sẽ được bán cho chương trình y tế Medicare của Mỹ với giá ấn định. 
 
Một trong các tác giả của nghiên cứu này, giáo sư Vinay Prasad thuộc Đại học Y tế và Khoa học Oregon cho biết chi phí trung bình cho thuốc ung thư ở Mỹ là trên 100.000 USD/người/năm. Như vậy, các bệnh nhân ung thư đã tiêu tốn rất nhiều tiền vào những loại thuốc ung thư chắc chắn có độc tính song không đảm bảo về hiệu quả./. 
 
(Theo vietnam+)