Palestine kiện Israel cấm các doanh nghiệp xuất khẩu của Palestine

06:02, 12/02/2020

Palestine cho rằng việc Israel cấm Palestine xuất khẩu các mặt hàng rau, hoa quả, dầu chà là và dầu ôliu mang "động cơ chính trị," nhằm đáp trả quyết định của PA trong cấm nhập khẩu gia súc.

Palestine cho rằng việc Israel cấm Palestine xuất khẩu các mặt hàng rau, hoa quả, dầu chà là và dầu ôliu mang "động cơ chính trị," nhằm đáp trả quyết định của PA trong cấm nhập khẩu gia súc.
 
Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh
Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh
 
Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh ngày 10/2 cho biết, Chính quyền Palestine (PA) sẽ đệ đơn kiện Israel lên các tòa án quốc tế vì cấm người Palestine xuất khẩu các mặt hàng nông sản.
 
Tuyên bố trên được đưa ra trong một thông cáo báo chí sau khi ông Shtayyeh chủ trì cuộc họp nội các thường kỳ tại thành phố Ramallah.
 
Trong thông cáo, ông Shtayyeh nêu rõ: “Biện pháp của Israel cấm người Palestine xuất khẩu hàng hóa là phi pháp và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Palestine.”
 
Ông cho biết thêm rằng chính quyền Palestine đã chuẩn bị một loạt các biện pháp nhằm đối phó: "Chính phủ đã báo cho các đại sứ trên toàn thế giới thông báo tới các chính phủ nhằm lên án các biện pháp đó và gây sức ép đối với Israel."
 
Trước đó cùng ngày, Bộ Nông nghiệp Palestine cho biết về quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Naftali Bennett rằng lệnh cấm Palestine xuất khẩu hàng hóa đã có hiệu lực từ ngày 9/2.
 
Bộ Nông nghiệp Palestine cho rằng quyết định của Israel trong cấm xuất khẩu các mặt hàng rau, hoa quả, dầu chà là và dầu ôliu là mang "động cơ chính trị" và nhằm đáp trả quyết định của PA trong cấm nhập khẩu gia súc giống từ Israel.
 
Nhằm đáp trả quyết định trên của Israel, PA đã cấm nhập khẩu các mặt hàng của Israel như rau, hoa quả, nước ép, soda và nước khoáng.
 
Trong một diễn biến khác, Tổng thư ký Ủy ban Điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Saeb Erekat ngày 10/2 đã bác bỏ thông tin rằng Palestine đã rút lại một dự thảo nghị quyết trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm chống kế hoạch hòa bình của Mỹ, còn được gọi là “Thỏa thuận Thế kỷ.”
 
Trong một thông cáo báo chí, ông Erekat gọi thông tin về việc rút lại dự thảo nghị quyết trên là “không đúng và vô căn cứ.”
 
Ông Erekat nêu rõ: “Dự thảo nghị quyết đã được chuyển tới các nước thành viên và đang được thảo luận. Khi hoàn tất bản cuối cùng, dự thảo sẽ được đưa ra Hội đồng Bảo an để bỏ phiếu.”
 
Trước đó, hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn từ các nhà ngoại giao tại Liên hợp quốc nói rằng do thiếu sự ủng hộ, Palestine đã rút lại đề nghị tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong ngày 11/2 nhằm bác bỏ Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ.
 
Theo nguồn tin, nghị quyết trên do Indonesia và Tunisia đưa ra, có nguy cơ không có đủ 9/15 phiếu ủng hộ, mức tối thiểu cần thiết để được thông qua và không có phiếu phủ quyết từ bất kỳ nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nào.
 
Theo kế hoạch, ngày 11/2, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas có bài diễn văn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
 
Ông Majdi el-Khaldi, trợ lý phụ trách đối ngoại của Tổng thống Palestine, đã trao đổi với Đài phát thanh Tiếng nói Palestine rằng bài phát biểu của ông Abbas sẽ chủ yếu tập trung vào quan điểm của Palestine đối với hòa bình ở Trung Đông.
 
(Theo TTXVN)