Tại sao bầu cử tổng thống Mỹ lại hấp dẫn?

11:09, 17/09/2020

(LĐ online) - Việc bỏ phiếu sớm được bắt đầu từ ngay bây giờ trong khi vẫn còn hơn một tháng nữa mới đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, khắp các trang báo trên toàn thế giới đều đưa tin về sự kiện đặc biệt sôi nổi này. 

(LĐ online) - Việc bỏ phiếu sớm được bắt đầu từ ngay bây giờ trong khi vẫn còn hơn một tháng nữa mới đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, khắp các trang báo trên toàn thế giới đều đưa tin về sự kiện đặc biệt sôi nổi này. 
 
Có nhiều lý do khiến thế giới chú ý đến “cuộc chiến vì linh hồn của nước Mỹ”, đây có lẽ là cuộc bầu cử quan trọng và thú vị nhất của thế giới trong năm nay.
 
Tổng thống Donald Trump trong cuộc vận động tái tranh cử hứa sẽ tiếp tục xây bức tường biên ở biên giới Mỹ và Mexico, cho đến nay ông đã bảo đảm kinh phí cho 445 dặm (716 km) của hàng rào 722 dặm. Ảnh: AFP
Tổng thống Donald Trump trong cuộc vận động tái tranh cử hứa sẽ tiếp tục xây bức tường biên ở biên giới Mỹ và Mexico, cho đến nay ông đã bảo đảm kinh phí cho 445 dặm (716 km) của hàng rào 722 dặm. Ảnh: AFP
 
Trận đấu đầy cam go giữa kẻ tám lạng - người nửa cân
 
Đó là cuộc cân tài, cân sức giữa ứng cử viên Donald Trump 74 tuổi (Đảng Cộng hòa) và ứng cử viên Joe Biden 77 tuổi (Đảng Dân chủ). Với việc đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cộng đồng trên toàn thế giới, cuộc bầu cử này không hề giống bất kỳ cuộc bầu cử nào mà chúng ta đã từng thấy trước đây. Theo kênh CNN, hôm thứ sáu vừa qua, cuộc bỏ phiếu sớm đã bắt đầu ở bốn tiểu bang: Minnesota, South Dakota, Virginia và Wyoming. Và trong tuần này, New Jersey (19/9), Vermont (21/9), Illinois và Michigan (24/9) cũng bắt đầu bỏ phiếu sớm. 
 
Chiến dịch của ông Trump bắt đầu với số tiền nhiều gấp 10 lần đối thủ. Các cố vấn cho biết trong giai đoạn cuối của cuộc đua, chiến dịch tranh cử của ông Trump sẽ tăng cường tiếp cận các nhà tài trợ bằng mọi cách. Chẳng hạn như việc bất chấp quy định của tiểu bang Nevada về hành vi tụ tập từ 50 người trở lên, hôm chủ nhật vừa qua tại Henderson, ông Trump đã tổ chức cuộc vận động tranh cử bên trong một cơ sở của Xtreme Manufacturing. Nhiều người tham dự sự kiện này đã nói với CNN rằng họ không lo ngại về sức khỏe. “Đó là quyền lựa chọn của tôi", Filomena McGuigan, một người ủng hộ ông Trump, 60 tuổi, nói. "Đây không phải là một chế độ độc tài, đây là một nền cộng hòa. Chúng ta có quyền là chính mình và chấp nhận bất cứ rủi ro nào." Kyle Hackett - một người khác ủng hộ ông Trump cũng bày tỏ: "Tôi cảm thấy đó là quyền tự do của tôi với tư cách là một người Mỹ.”
 
Bên cạnh đó, Biden - đối thủ ngang tài ngang sức của ông Trump với sự hỗ trợ của cựu Thị trưởng thành phố New York - ông Michael Bloomberg, đã hợp lực dùng khối tài sản cá nhân khổng lồ của ông này hòng đánh bại ông Trump vào mùa thu năm nay. Khoản tài trợ 100 triệu USD của tỉ phú Bloomberg sẽ được sử dụng cho cử tri bỏ phiếu về phe Joe Biden ở Florida thông qua sự kết hợp giữa quảng cáo truyền hình và kỹ thuật số bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha; trong đó, trọng tâm là cử tri gốc Tây Ban Nha. 
 
Việc chi tiêu mạnh tay của Bloomberg cộng với những gì mà chiến dịch của Biden và các siêu PAC (Ủy ban hành động chính trị) khác liên kết với ông đang thực hiện có thể giúp đảng Dân chủ không chỉ giành được bang mà còn giành được Nhà Trắng.
 
Ứng viên Joe Biden trước thềm bầu cử kêu gọi chi 1,9 nghìn tỷ đô la cho giáo dục Mỹ trong thập kỷ này. Ảnh: REUTERS
Ứng viên Joe Biden trước thềm bầu cử kêu gọi chi 1,9 nghìn tỷ đô la cho giáo dục Mỹ trong thập kỷ này. Ảnh: REUTERS
 
Quảng cáo kỹ thuật số chiếm thế thượng phong thời bầu cử 4.0
 
Có một sự thay đổi lớn trong cách thức bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Các cử tri được dự kiến sẽ chuyển sang bỏ phiếu bằng thư với số lượng chưa từng có để giảm nguy cơ phơi nhiễm với virus corona. Bởi các cuộc vận động tranh cử nếu không bị hủy bỏ cũng giảm tối đa số người tham dự, vì thế vận động cử tri qua internet là vô cùng quan trọng.
 
Theo tờ Politico, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, ông Trump đặt cược lớn vào YouTube. Trong khảo sát của Pew, YouTube là nền tảng trực tuyến phổ biến nhất ở Mỹ với hơn 9/10 người Mỹ từ 18 đến 29 tuổi sử dụng, tỷ lệ chia sẻ cao hơn Instagram, Snapchat hoặc Facebook. Khi ông Trump bắt đầu chặng đua vào Nhà Trắng, mức độ tương tác với kênh YouTube của tổng thống tăng lên đáng kể ở những người từ 25 đến 34 tuổi. 
 
Trong tháng 8, chiến dịch của ông Donald Trump đã đăng gần 900 video, trong khi chiến dịch của ông Joe Biden chỉ khiêm tốn với con số 100. Gần đây, chiến dịch tranh cử của ông Trump lại vừa rút bớt quảng cáo trên truyền hình để đổ thêm tiền vào nền tảng video của Google. Chiến dịch và quỹ chung với Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã chi hơn 65 triệu USD cho YouTube và Google - trong đó khoảng 30 triệu USD tính từ tháng 7.
 
Song song với những hiệu ứng tích cực từ việc tác động cử tri qua nền tảng internet, truyền hình, thì các cuộc tấn công mạng đình đám xuất phát từ Trung Quốc, Nga và Iran lại gây ra không ít tranh cãi trong đợt bầu cử lần này. Microsoft cho biết họ đã ngăn chặn các cuộc tấn công mạng gần đây từ Trung Quốc, Nga và Iran nhắm vào các chiến dịch tranh cử tổng thống của Đảng Cộng hòa và Dân chủ khi các gã khổng lồ ngành công nghệ đang tranh nhau bảo vệ an ninh bầu cử trước cuộc bỏ phiếu của Mỹ. Theo phân tích của Bộ An ninh Nội địa (DHS), Nga đang cố gắng làm suy giảm niềm tin của cử tri vào hệ thống bầu cử Mỹ và đặc biệt là bỏ phiếu qua đường bưu điện trước thềm cuộc bầu cử ngày 3/11 tới đây.
 
Mặt khác, chiêu bài kỹ thuật số còn tấn công ứng viên mạnh mẽ bằng cách phát tán các thông tin hoàn toàn bịa đặt hệt như năm 2016 và còn tinh vi hơn khi cứ lặp đi lặp lại hình ảnh tiêu cực nào đó của phe đối thủ. 
 
Thời điểm khủng hoảng toàn cầu
 
Nối tiếp đại dịch Covid-19, khủng hoảng về bất bình đẳng chủng tộc cũng là một vấn đề nan giải khiến ông Trump mất điểm trong mắt cử tri sau cái chết của George Floyd vào cuối tháng 5 vừa qua. Thêm vào đó, theo Reuters, những đám cháy rừng chết người xé toạc cả ba bang ở Bờ Tây nhắc nhở người Mỹ về những nguy cơ của biến đổi khí hậu, và đây là một trong số những vấn đề chính được đưa ra trước thềm bầu cử.
 
Theo Hãng thông tấn AFP, ông Trump thừa nhận mình đã cố gắng giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa từ đại dịch trong các bản ghi âm được nhà báo kỳ cựu của Mỹ Bob Woodward ghi lại vào ngày 19/3. Và các cuộc thăm dò dư luận sau đó cho thấy khoảng 2/3 người Mỹ không tán thành cách xử lý với dịch Covid-19 của ông và ông bị số đông buộc tội giảm thiểu khủng hoảng để cố gắng gia tăng cơ hội tái đắc cử. Dù đã giải thích rằng: “Tôi sẽ không khiến đất nước này hay thế giới rơi vào tình trạng điên cuồng. Chúng tôi phải thể hiện khả năng lãnh đạo chứ không phải là tạo ra một cơn hoảng loạn."
 
Nước Mỹ hiện đang trong tình trạng chính trị xã hội nội bộ phân hóa sâu sắc, hỗn loạn và dễ bùng nổ. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Nước Mỹ hiện đang trong tình trạng chính trị xã hội nội bộ phân hóa sâu sắc, hỗn loạn và dễ bùng nổ. Ảnh: SHUTTERSTOCK
 
Cả thế giới hồi hộp đợi chờ 
 
Mỹ là một nước với nền kinh tế có tầm ảnh hưởng rộng lớn nhất trên thế giới nên câu chuyện ai lên làm tổng thống Mỹ cũng đều ảnh hưởng đến thị trường quốc tế, kéo theo hàng loạt các sự kiện về quân sự có liên quan. 
 
Dù kết quả thăm dò hiện tại cho thấy ông Biden đang ở thế thượng phong bởi ông Trump bị mất điểm trong cách thức quản lý đại dịch Covid-19, tuy nhiên, bốn năm trước chúng ta đã từng chứng kiến bà Hillary Clinton giành được ưu thế nhưng cuối cùng lại mất ghế tổng thống trong tay ông Trump. Nên không có gì là chắc chắn ông sẽ thất bại. 
 
Nhóm ba nhà khoa học tới từ Thuỵ Sĩ bao gồm Giáo sư Jacques Savoy, chuyên gia Loris Schmid từ Viện Khoa học máy tính thuộc Đại học Neuchâtel va Tiến sĩ khoa học chính trị Christoph Glauser tại Viện Nghiên cứu ứng dụng trong biện luận ở Bern, những người này từng dự đoán Tổng thống Donald Trump thắng cử vào năm 2016. Năm nay, qua phân tích thái độ ứng xử trên internet, họ tiếp tục tin rằng ông Trump sẽ đánh bại đối thủ Joe Biden để tiếp tục lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ tới. 
 
Theo Reuters, nếu Trump giành được thắng lợi, điều đó có nghĩa là cho dù Đảng Dân chủ đang vươn lên, thì cử tri Mỹ vẫn lưu ý đến những thông điệp mà ông Trump nêu ra, nếu các thông điệp đó được “chào hàng” một cách đúng đắn. Ứng viên nào mới là người có chiến lược tranh cử hiệu quả hơn? Có lẽ phải đợi đến đêm 3/11 mới có thể biết được ai “ăn cả” hay “ngã về không”.
 
TRÂM ANH