Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Việt Nam

12:11, 10/11/2020

Phóng viên TTXVN tại Tokyo đã có cuộc trao đổi với ông Masataka Fujita, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC), về vai trò của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020 trong một năm đầy biến động.

Phóng viên TTXVN tại Tokyo đã có cuộc trao đổi với ông Masataka Fujita, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC), về vai trò của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020 trong một năm đầy biến động.
 
Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Nhật Bản Masataka Fujita
Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Nhật Bản Masataka Fujita
 
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan dự kiến sẽ được tổ chức trực tuyến từ ngày 12-15/11, với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Tokyo đã có cuộc trao đổi với ông Masataka Fujita, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC), về vai trò của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020 trong một năm đầy biến động do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
 
Tổng thư ký Fujita đã đánh giá cao các nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, một năm khó khăn do đại dịch COVID-19 bùng phát. Ông nhấn mạnh Việt Nam đã tổ chức thành công tất cả các hội nghị của ASEAN.
 
Đánh giá về chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37,  ông Fujita cho rằng “gắn kết” có nghĩa là “có quan hệ vững chắc hơn, hoặc hội nhập hơn nữa” trong bối cảnh các quốc gia ASEAN dường như đã có quan hệ tương đối tốt và sự hội nhập trong khu vực này đang trở nên mạnh mẽ hơn, song trên thực tế, các số liệu thống kê lại không cho thấy đều này.
 
Ông Fujita dẫn số liệu thống kê về thương mại và đầu tư của ASEAN, cho thấy chỉ có 25% hoặc 20% trong tổng giá trị trao đổi thương mại của ASEAN diễn ra trong nội khối, còn lại phần lớn giá trị trao đổi thương mại với các nước bên ngoài ASEAN. Tương tự, tỷ trọng đầu tư trong nội khối ASEAN so với tổng số vốn đầu tư nước ngoài của ASEAN còn thấp hơn nữa. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) hội nhập mạnh mẽ hơn so với ASEAN, với khoảng 70% hoạt động thương mại và đầu tư diễn ra trong nội khối.
 
Liên quan tới cụm từ “chủ động thích ứng”, ông Fujita cho rằng ASEAN đã thích ứng tương đối nhanh khi dẫn chứng rằng trong cuộc khủng hoảng COVID-19, các nước thành viên ASEAN đã đưa ra cam kết chính trị mang tính tập thể nhằm ứng phó với đại dịch.
 
Nhận định về vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, Tổng Thư ký AJC cho rằng năm 2020 là một năm tương đối đặc biệt khi tất cả các quốc gia đều chịu tác động của đại dịch. Tuy nhiên, là một quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19, Việt Nam có thể đi đầu không chỉ trong việc khống chế dịch bệnh mà còn phục hồi mạnh mẽ hơn trong khi nhiều nước khác vẫn chật vật ứng phó với đại dịch. Ông nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm nỗ lực phục hồi kinh tế sau những tác động tiêu cực của đại dịch. Theo ông, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện sức mạnh của quốc gia.
 
Để đối phó với tương lai đầy bất trắc do dịch COVID-19 gây ra, Tổng thư ký Fujita cho rằng Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung cần chú trọng tới các chính sách tăng cường sự bền vững của các chuỗi cung ứng - vốn bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 - để đảm bảo cuộc sống của người dân không ảnh hưởng; chú trọng tới tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro để sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra khủng hoảng tài chính, thiên tai hay đại dịch và đưa việc quản trị này vào hoạt động quản trị doanh nghiệp.
 
Ngoài ra, theo Tổng thư ký AJC, không chỉ ASEAN mà cả Nhật Bản cũng nhận ra rằng hai bên đang chậm chuyển đổi như thế nào. Ở thời điểm hiện nay, phần lớn các nền kinh tế đều đang suy giảm và chứng kiến tăng trưởng âm. Tại ASEAN, chỉ có duy nhất Việt Nam hiện ghi nhận tăng trưởng dương trong năm nay. Tuy nhiên, khi nhìn vào cơ cấu ngành, không phải tất cả các ngành đều suy giảm.
 
Trên thực tế, các lĩnh vực liên quan tới công nghệ thông tin vẫn đang tăng trưởng. Ở Mỹ và các quốc gia khác, nơi giá cổ phiếu vẫn tăng, tất cả các cổ phiếu tăng giá đều là của những công ty liên quan tới công nghệ thông tin. Vì vậy, theo ông Fujita, số hóa có ý nghĩa quan trọng và đây là lĩnh vực cả ASEAN và Nhật Bản có thể tăng cường hợp tác.
 
Tổng thư ký Fujita cũng cho rằng hai bên có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế. Tất cả các quốc gia đều đang trải qua dịch bệnh. Một số nước đã chú trọng đầu tư vào lĩnh vực y tế và đẩy mạnh sản xuất khẩu trang cũng như các đồ bảo hộ cá nhân. Các ngành phục vụ cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 như vậy cần được chú trọng thúc đẩy hơn nữa.
 
Trong bối cảnh Việt Nam cũng như nhiều nước ASEAN sắp trở thành quốc gia có dân số già hóa, có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình trước khi trở thành nước có thu nhập cao, ông Fujita cho rằng điều quan trọng là phải phát triển các ngành chống lại cuộc khủng hoảng này để đối phó với một tương lai không chắc chắn. Ngoài ra, theo ông, tiến trình toàn cầu hóa đã chậm lại, ít nhất là từ năm 2015, và mỗi nước, mỗi doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược phát triển theo hướng chú trọng hơn tới người dân, nhu cầu nội địa và nội khối.
 
(Theo Vietnam+)