Nông dân trên thế giới điêu đứng vì giá phân bón cao, buộc phải thu hẹp sản xuất

07:01, 23/01/2022
Nông dân tại các nước đang phát triển đang phải thu hẹp sản xuất nông nghiệp do giá phân bón tăng cao, một thực tế có thể làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu.
 
Giá cao khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón trong năm 2022 tại khu vực tiểu Sahara châu Phi năm 2022 được dự bảo giảm 30%, ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp
Giá cao khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón trong năm 2022 tại khu vực tiểu Sahara châu Phi năm 2022 được dự bảo giảm 30%, ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp
 
Từ các cánh đồng trồng bơ, ngô, cafe ở Nam Mỹ cho tới trang trại trồng dừa, dầu cọ ở Đông Nam Á, giá phân bón tăng cao đang gây sức ép lớn đối với người nông dân tại thế giới đang phát triển, khiến việc tăng gia, sản xuất bị đội thêm nhiều chi phí, buộc người dân phải thu hẹp sản xuất.
 
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các khoản chi cho gạo, rau, củ quả trong năm 2022 sẽ tăng thêm, sau một năm mà giá lương thực toàn cầu đã lên mức đỉnh điểm trong nhiều thập kỉ trở lại đây. Giá tăng một lần nữa sẽ làm trầm trọng thêm nạn đói, một vấn nạn đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới do người lao động mất việc làm vì yếu tố liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Nó cũng cản trở nỗ lực của các nhà lãnh đạo, ngân hàng trung ương các nước trong kéo giảm lạm phát.
 
“Các nông trại đang thất thu và nhiều người bỏ trồng trọt”, Rodrigo Fierro, chủ một nông trại chuyên trồng bơ, cam, quýt ở miền trung Colombia chia sẻ. Trong vài tháng trở lại đây, giá phân bón mà ông Fierro phải mua đã tăng gấp đôi. Cùng tình cảnh với anh là bà Christina Ribeiro do Valle, 75 tuổi, một nông dân trồng cafe xuất khẩu ở Brazil, người phải trả khoản chi phí phân bón tăng gấp ba lần trong năm ngoái.
 
Giá cao, nhưng nguồn cung khan hiếm kể từ đầu năm, người nông dân như bà Valle phải trả tiền trước, sau đó mới được vào danh sách chờ. Nhà cung cấp sẽ chuyển hàng khi nào có đủ lượng phân bón. “Hạt cafe sẽ không thể phát triển được nếu như thiếu phân bón. Tình cảnh chẳng khác gì nuôi một đưa trẻ suy dinh dưỡng”, bà Valle buồn rầu nói.
 
Nông dân tại Mỹ cũng không phải ngoại lệ. Nhiều người đã phải chuyển đổi kế hoạch sản xuất. Nhưng tác động từ việc giá phân bón tăng mạnh dường như tồi tệ hơn ở những nước đang phát triển, khi mà các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ không đủ khả năng tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, không thể thanh toán trước các khoản mua phân bón giá cao.
 
Theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Phân bón Quốc tế (IFDC), nhu cầu tiêu thụ phân bón trong năm 2022 tại khu vực tiểu Sahara châu Phi năm 2022 có thể giảm 30%. Điều này đồng nghĩa với sản lượng lương thực 30 triệu tấn sẽ không được đưa ra thị trường, đủ để nuôi sống 100 triệu người.
 
Josef Schmidhuber – Phó Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), cho biết việc hạn chế tiếp cận phân bón sẽ tác động lớn để sản xuất và sản lượng nông nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, thực phẩm, giảm thu nhập và mức sống của người nông dân.
 
Phân DAP, loại phân bón được dùng phổ biến trong nông nghiệp, có giá 745 USD/tấn tại thời điểm tháng 12/2021, tức đã tăng gấp đôi so với mức giá trung bình của năm 2020. Phân ure xuất khẩu từ khu vực Đông Âu thậm chí còn tăng gấp bốn lần so với mức giá trung bình của năm 2020.
 
Giá tăng chủ yếu xuất phát từ leo thang chi phí giá năng lượng toàn cầu, với giá khí đốt tại châu Âu trong quý 4 năm 2021 cao gấp 10 lần so với thời điểm năm 2020. Các cơ sở sản xuất phân đạm phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên, để chuyển hóa các nhiên liệu hóa học thô thành sản phẩm tinh chất. Vì thế, giá khí đốt tăng ngay lập tức làm tăng giá phân bón. Tình hình tồi tệ hơn khi nhiều nhà sản xuất phân bón lớn trên thế giới như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Nga áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu trong nửa cuối năm 2021, đẩy giá bán toàn cầu tăng cao.
 
Một nhân tố mới nổi lên gần đây là việc Mỹ và Liên minh châu Âu áp lệnh cấm vận chống Belarus sau những căng thẳng về vấn đề người tịn nạn trên biên giới Belarus-Ba Lan. Belarus là một nước xuất khẩu lớn hợp chất kali (potash/mù tạt), một nhiên liệu chính trong khoáng chất phân bón. Belarus hiện chiếm 20% sản lượng potash toàn thế giới, nên đóng vai trò là nhà cung ứng lớn. Các tổ hợp sản xuất phân bón lớn trên thế giới sẽ không sẵn sàng nâng mức sản lượng chừng nào nguồn cung từ Belarus bị chặn lại.
 
Tại đảo Sumatra ở Indonesia, những người trồng dừa như Burhanuddin Rafik đang phải tìm kiếm những giải pháp thay thế cho phân bón. Ông cho biết những nông dân trong vùng gần đây đã phải chuyển sang sử dụng mỳ chính (MSG) – một loại hương vị có hàm lượng nitrogen cao và được dùng trong bữa ăn hàng ngày, để kích thích cây trồng thay cho phân bón. Nông dân cũng thử các biện pháp cánh tác hữu cơ khác như rắc tro để làm tốt đất.
 
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, khi đại dịch bước sang năm thứ ba, nhiều hộ gia đình đã phải cắt giảm cả số lượng lẫn chất lượng lương thực, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày. Một trong những lý do chính là việc giá phân bón tăng cao, làm giá lương thực tăng theo.
 
Lượng người không được tiếp cận đầy đủ với lương thực, thực phẩm trong năm 2020 lên đến 2,4 tỉ người, tăng 320 triệu người so với năm trước đó. Nó cũng gây ra tình trạng làm phát tăng ở khoảng 80% các nền kinh tế mới nổi trong năm 2020, với giá lương thực tăng ở mức hai con số và đóng vai trò quan trọng trong rổ hàng hóa để tính lạm phát.
 
(Theo baotintuc.vn)