Bỉ giải trình tự gen của virus gây bệnh đậu mùa khỉ

06:05, 28/05/2022
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ), các nhóm nghiên cứu từ Đại học công giáo Louvain (KU Leuven) của nước này đã bắt đầu tiến trình giải trình tự gen của virus gây bệnh đậu mùa khỉ.
 
Virus đậu mùa khỉ nhìn dưới kính hiển vi tại Viện nghiên cứu Robert Koch của chính quyền liên bang Đức, ngày 23/5/2022
Virus đậu mùa khỉ nhìn dưới kính hiển vi tại Viện nghiên cứu Robert Koch của chính quyền liên bang Đức, ngày 23/5/2022
 
Theo kết quả phân tích và nghiên cứu, nhà vi sinh vật học Emmanuel André cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ có DNA phức tạp hơn nhiều so với virus RNA. Trong khi đó, hiện có rất ít dữ liệu chất lượng tốt về các chủng gốc để có thể so sánh và xác định xem liệu virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã có biến thể ở châu Âu hay chưa.
 
Cho đến nay, hầu hết các bộ gen của virus gây bệnh đậu mùa khỉ được phân tích đều có cùng gốc với chủng virus xuất hiện ở Tây Phi và ít độc lực hơn so với 2 chủng ban đầu ở Trung Phi. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ khả năng các trường hợp mắc  bệnh mới được ghi nhận gần đây ở châu Âu đều đến từ cùng một chủng virus, dù chưa thể xác định chắc chắn.
 
Đầu tháng 5 này, các nhà khoa học cũng đã giải trình tự gen virus từ mẫu bệnh phẩm của một người mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Bồ Đào Nha và xác định được rằng chủng virus mà người này mắc phải giống chủng đã ghi nhận ở Anh năm 2018.
 
Theo Giáo sư sinh học và miễn dịch học Eric Muraille thuộc Đại học Tự do Brussels (ULB), không nên chủ quan khi đánh giá về mức độ lây lan của bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu, dù hiện nay tốc độ lây lan mới chỉ ở mức thấp. Bởi, theo vị giáo sư này, nếu không được vô hiệu hóa kịp thời, bệnh có thể lây truyền từ người sang một số loài thú cưng trong gia đình và tạo thành các ổ chứa virus rất khó loại bỏ.
 
Giáo sư Muraille nhấn mạnh việc xuất hiện nhiều ca bệnh ở các nước phương Tây hiện nay cho thấy có thể virus đã âm thầm lây lan trong một thời gian. Vì thế, đây là thời điểm quan trọng để kiểm soát dịch bệnh và cần phải thực hiện mọi biện pháp để cắt đứt chuỗi lây nhiễm nhằm tránh nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ sẽ trở thành một căn bệnh đặc hữu ở châu Âu. Theo Giáo sư Muraille, mọi thái độ kỳ thị với người bệnh tại thời điểm này đều khiến họ sợ sệt mà giấu bệnh và gây khó khăn cho việc truy vết cũng như nghiên cứu về đường đi của loại virus này.
 
Cũng theo Giáo sư Muraille, do châu Âu không phải là môi trường thông thường của virus gây bệnh đậu mùa khỉ, virus này lại có khoảng 200 gen tiến hóa rất chậm ít có nguy cơ gây biến thể nguy hiểm nên việc cần làm hiện nay là phải xác định chính xác trình tự gen và theo dõi sự tiến hóa của virus này.
 
Theo số liệu của Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), tính đến thời điểm này đã có 118 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở 12 nước châu Âu, không kể Anh. Giới chức y tế Bỉ và quốc tế đánh giá virus này không lây lan nhanh như virus corona, thậm chí còn chậm hơn bệnh đậu mùa thông thường. Bệnh lây qua tiếp xúc gần qua các tổn thương trên da, nhưng người bệnh thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, việc xuất hiện các ca bệnh lây truyền từ người sang người đồng thời ở cả Mỹ và châu Âu hiện nay cho thấy phần nào sự bất thường của loại virus này, đòi hỏi phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ như cách ly mầm bệnh, chăm sóc y tế, tiêm phòng cho các trường hợp tiếp xúc gần và giải trình tự gen trên quy mô lớn đối với chủng virus đang lây lan ở Mỹ và phương Tây.
 
(Theo Baotintuc.vn)