Để phong trào dạy bơi, học bơi phát triển

VIẾT TRỌNG 02:35, 01/06/2023

Ngày 5/6 tới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng sẽ phối hợp với UBND huyện Đơn Dương tổ chức Lễ khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và phát động cấp tỉnh toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước năm 2023 trên toàn địa bàn tỉnh.

Các VĐV xuất phát trong một nội dung bơi tại Giải Bơi học sinh phổ thông toàn tỉnh lần thứ 2, năm 2023 tại TP Bảo Lộc. Ảnh: Khánh Phúc
Các VĐV xuất phát trong một nội dung bơi tại Giải Bơi học sinh phổ thông toàn tỉnh lần thứ 2, năm 2023 tại TP Bảo Lộc. Ảnh: Khánh Phúc

NHỮNG NỖ LỰC 

Trước lễ phát động cấp tỉnh trong cuối tuần này, Sở Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng đã phối hợp với TP Bảo Lộc tổ chức Giải Bơi học sinh phổ thông toàn tỉnh lần thứ 2 năm 2023 tại Bảo Lộc. Diễn ra trong 2 ngày từ 29-30/5, giải năm nay có 525 VĐV là học sinh của 40 đoàn từ các Phòng Giáo dục, các trường học, cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GDĐT Lâm Đồng trong tỉnh tham gia. Học sinh tranh tài theo các nhóm tuổi trong 2 nội dung gồm bơi ếch và bơi tự do, trong đó bậc tiểu học thi đấu cự ly 25 m; bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông thi đấu cự ly 50 m. Trong năm 2022, giải cũng được tổ chức với trên 300 học sinh tham dự.

Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lâm Đồng, toàn tỉnh tính đến cuối năm 2022 có 97 cơ sở tổ chức các hoạt động bơi, tăng 17 cơ sở so với năm 2021, tính cả các hồ bơi lắp ghép. Toàn bộ các cơ sở hoạt động bơi này đều có HLV, hướng dẫn viên môn bơi, có nhân viên cứu hộ, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật. 

Đến nay, có 11/12 huyện, thành phố trong tỉnh được phân bổ quỹ đất cho hoạt động TDTT, trong đó có quy hoạch xây bể bơi. Theo ước tính của ngành chức năng tỉnh, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước trong tỉnh đạt khoảng 50%, biết bơi là 35% tính đến cuối năm 2022; có khoảng 65% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.

Đến nay, Lâm Đồng cũng luôn chú ý đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho gia đình, trường học, cộng đồng xã hội thông qua nhiều hình thức. Trong năm 2022 vừa qua, toàn bộ 12 huyện, thành phố trong tỉnh đều tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện bơi, phòng, chống đuối nước. Sở VHTTDL Lâm Đồng cũng định kỳ tổ chức các lớp tập huấn bơi an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em. Như trong năm 2022, các lớp tập huấn đã được tổ chức tại 3 huyện Đạ Tẻh, Di Linh và Đức Trọng với trên 300 học viên là giáo viên giáo dục thể chất, đoàn viên, công chức, viên chức, lực lượng cứu hộ của một số hồ bơi tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia. Sau lớp tập huấn, các học viên về địa phương đã mở các lớp dạy bơi, có gần 100 lớp dạy bơi được các hồ bơi, các cơ sở kinh doanh hoạt động môn bơi và các thầy, cô đứng ra tổ chức, góp phần triển khai hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước tại địa phương. 

Ngành VHTTDL Lâm Đồng cũng phối hợp với ngành GDĐT tỉnh đánh giá kết quả trẻ em học bơi theo quy định chung cùng tổ chức các giải bơi cho học sinh cấp toàn tỉnh. Công tác phổ cập bơi cho trẻ em được ngành GDĐT quan tâm, nhiều trường học trong tỉnh đã đầu tư bể bơi di động và bể bơi cố định cho học sinh, từng bước đem lại hiệu quả, dần hình thành mô hình trẻ em toàn trường biết bơi. Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố trong tỉnh cũng tích cực phối hợp với Phòng GDĐT huyện, thành phố tổ chức các giải bơi học sinh. Trong năm 2022 đã tổ chức 11 giải cấp huyện với trên 3.000 học sinh tham gia thi đấu và cổ vũ.

Ngành chức năng tỉnh cũng tích cực vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện môn bơi; vận động các hồ bơi, các cơ sở kinh doanh hoạt động bơi có chế độ miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em và học sinh tham gia học bơi, tạo điều kiện cho các trường học thực hiện chương trình học bơi cho học sinh. Xây dựng và nhân rộng các môn hình tiên tiến về dạy bơi, dạy kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, từng bước nhân rộng mô hình trong cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

NÂNG TỶ LỆ TRẺ BIẾT BƠI AN TOÀN

Vẫn còn không ít những tai nạn thương tâm về trẻ đuối nước xảy ra trên địa bàn Lâm Đồng. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 30 trường hợp tử vong do tai nạn đuối nước (trong đó riêng huyện Lâm Hà có đến 9 trường hợp), tăng 9 vụ so với năm 2021. Những tháng đầu năm 2023, đã có 6 trường hợp đuối nước xảy ra, trong đó Đơn Dương có 1, Di Linh 1, Bảo Lộc 2, Đạ Tẻh 1 và Lâm Hà 1.

Như Sở VHTTDL Lâm Đồng đánh giá, việc triển khai mô hình trẻ em toàn xã, phường, thị trấn biết bơi, học sinh toàn trường biết bơi vẫn chưa được triển khai một cách tích cực; hầu hết các trường tiểu học, THCS, THPT trong tỉnh chưa có bể bơi, nên việc đưa môn bơi vào trường học còn gặp nhiều khó khăn; một số trường đầu tư trang bị bể bơi kiên cố, bể bơi lắp ghép, tuy nhiên gặp khó khăn về nguồn nước để duy trì hoạt động bơi; việc đầu tư kinh phí xây dựng hoặc trang bị hồ bơi lắp ghép chưa thực sự được quan tâm, số bể bơi phục vụ cho trẻ em còn thiếu, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đưa kết quả phong trào dạy bơi, học bơi, kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em là một trong những tiêu chí thi đua hàng năm của cơ quan, đơn vị, chưa được các trường học quan tâm.

Riêng tại Đà Lạt, với nhiệt độ trung bình từ 18 - 21 độ C, bể bơi phải sử dụng bằng nhiều phương pháp giữ nước ấm hoặc làm cho nước nóng, việc đầu tư cho môn bơi tốn nhiều chi phí, vì vậy chưa thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Trong năm 2023 này, ngành VHTTDL đề nghị các huyện, thành phố cần triển khai hiệu quả chương trình bơi an toàn cho trẻ em. Lâm Đồng sẽ cho thí điểm mô hình trẻ em toàn xã, phường, thị trấn biết bơi, học sinh toàn trường biết bơi tại một số địa phương trong tỉnh; phấn đấu tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 55%, biết bơi an toàn là 40%; có khoảng 70% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Tỉnh cũng yêu cầu toàn bộ 12 huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đều tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2023, hướng đến mục tiêu phấn đấu giảm 15% số trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước so với năm 2022.

Ngành VHTTDL tỉnh cũng cam kết đảm bảo toàn bộ các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước đều có HLV, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước được tập huấn kiến thức nghiệp vụ chuyên môn do Sở VHTTDL Lâm Đồng hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng nhận; đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị chuyên môn, vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật.

Nhiều giải pháp được ngành chức năng tỉnh đưa ra, trọng tâm trong đó là việc tăng cường đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng xã hội; phổ biến, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em cho học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh học sinh; vận động các gia đình quan tâm, giám sát con, em mình phòng, chống tai nạn đuối nước, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão và các đợt thiên tai.

Ngành cũng chú ý xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, HLV, cộng tác viên, hướng dẫn viên về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động dạy bơi và phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, đồng thời tiếp tục kiện toàn và phát triển mạng lưới dịch vụ đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường nước; vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi.