Tiền nhiều có đi liền với thành công?

09:10, 20/10/2016

Sau những thành công về mặt kinh tế, Trung Quốc đang đổ tiền như nước vào bóng đá với mong muốn biến quốc gia mình thành một thế lực bóng đá của châu Á và thế giới, nhưng liệu họ có làm được?

Sau những thành công về mặt kinh tế, Trung Quốc đang đổ tiền như nước vào bóng đá với mong muốn biến quốc gia mình thành một thế lực bóng đá của châu Á và thế giới, nhưng liệu họ có làm được?
 
 Cầu thủ ngoại đang tràn ngập giải bóng đá Trung Quốc. Ảnh: Internet
Cầu thủ ngoại đang tràn ngập giải bóng đá Trung Quốc. Ảnh: Internet
Gian nan đường đến Nga
 
Từng là một quốc gia được cho là “quê hương” của trái bóng, tiền thân của môn bóng đá hiện đại ngày nay nhưng môn thể thao này ở Trung Quốc một thời gian rất dài chẳng thấy ai chơi. Trong khi ở Anh luật lệ bóng đá từng bước được hoàn thiện với sự xuất hiện của rất nhiều CLB bóng đá danh giá từ hai thế kỷ trước hiện vẫn ăn nên làm ra thì bóng đá ở quốc gia đông dân này hầu như vắng bóng suốt trong lịch sử. Mãi đến năm 1924, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc mới được thành lập; 8 năm sau đó, đến năm 1932, họ mới gia nhập Liên đoàn bóng đá thế giới.
 
Nhưng dù gia nhập làng bóng thế giới thì bóng đá Trung Quốc sau đó suốt thời gian dài chẳng có hoạt động gì nổi bật ngoài các trận giao hữu vô thưởng vô phạt với một số quốc gia. Thực tế, bóng đá luôn bị xếp sau rất nhiều môn khác, là môn thể thao hạng hai nếu so với bóng bàn, cầu lông… Phải đến thập niên 80, Trung Quốc mới lần đầu tiên tham dự vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới; đến 2002 với tài thao lược của HLV Bora Milutinovic, người mệnh danh là “phù thủy” nước Serbia, họ mới vượt qua được vòng bảng và lần đầu tiên góp mặt tại vòng chung kết bóng đá thế giới năm này. Tuy nhiên, trong cả 3 trận đấu tại vòng bảng năm đó họ chẳng làm nên “cơm cháo” gì, không ghi nổi một bàn thắng nào, bại cả ba trận và bị loại nhanh chóng ra khỏi vòng bảng.
 
Rất nhiều mong đợi cho đội tuyển Trung Quốc trong vòng loại châu Á Cúp bóng đá thế giới năm nay. Trước đó, trong 8 trận ở vòng loại thứ 2 khu vực họ có kết quả khá tốt, chỉ để thủng lưới duy nhất 1 bàn. Nhưng niềm hy vọng không lâu đã biến thành nỗi thất vọng khi cả trong 4 trận trong vòng loại thứ ba đến nay họ chỉ giành được đúng 1 điểm. Sau trận thua 0 - 2 trước Uzbekistan ngày 11/10 vừa rồi, HLV của họ đã phải ngậm ngùi từ chức. 
 
Trên lý thuyết vẫn còn cửa cho Trung Quốc đến với vòng chung kết bóng đá thế giới tại Nga năm 2018 nếu họ giành được kết quả tốt nhất trong loạt 6 trận còn lại. Nhưng điều này cực khó, ngay cả với những kẻ lạc quan nhất ở Trung Quốc cũng ngần ngừ không thể tin đội tuyển của họ có thể vượt qua được. Và nếu như thế, lại thêm một lần nữa nền bóng đá của một đất nước đông dân nhất thế giới cay đắng lỡ hẹn với World Cup.
 
Tiền có mua được thành công?
 
Với những tăng trưởng vượt bậc trong kinh tế những năm gần đây, Trung Quốc đang khao khát biến đất nước mình trở thành một cường quốc trong nhiều lĩnh vực khác nữa trong đó có thể thao và họ đang đổ rất nhiều tiền ra để tìm kiếm thành công trong lĩnh vực này. 
 
Điển hình như Olympic 2008, với tư cách là chủ nhà họ đã không tiếc công sức xây dựng các công trình lớn để quảng bá hình ảnh đất nước và đặc biệt họ đã chuẩn bị lực lượng VĐV rất tốt để giành vị trí dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương thế giới. 4 năm sau đó tại Olympic London, họ cũng chỉ đứng sau Mỹ trong bảng xếp hạng và tại Olympic Rio de Janero - Brazil vừa rồi Trung Quốc xếp thứ ba, chỉ sau Mỹ và Anh. 
 
Trong bóng đá, họ đang đầu tư rất lớn vào bóng đá trẻ, gửi cầu thủ trẻ sang các học viện bóng đá ở châu Âu hay Brazil học việc, đồng thời xây dựng một đội tuyển quốc gia mạnh với tham vọng vượt qua cả Hàn Quốc và Nhật Bản tại châu Á, trong tương lai có thể sánh ngang với các đội tuyển lớn trên thế giới.
 
Để hiện thực hóa giấc mơ này, Trung Quốc khuyến khích người giàu đổ tiền vào giải trong nước nhằm biến giải bóng đá quốc gia Trung Quốc thành một giải đấu lớn, một cỗ máy in tiền siêu hạng kiểu như “Ngoại hạng Anh” tại đất nước mình.
 
Và đến lượt các đại gia, việc đầu tiên là họ bỏ tiền để chiêu mộ các ngôi sao bóng đá trên thế giới, thu hút họ bằng một mức lương cao ngất ngưởng cho những tên tuổi lớn về thi đấu cho giải Trung Quốc.Trong năm 2016, ước tính các nhà tài phiệt Trung Quốc đã chi ra khoảng 600 triệu USD cho việc mời các ngôi sao quốc tế đến đây. Giải bóng đá Trung Quốc hiện nay đang đầy rẫy các cầu thủ ngoại. 
 
Cùng đó, giới lắm tiền Trung Quốc còn vung tiền mua lại cổ phần hoặc mua toàn bộ các CLB, các đội bóng lớn tại châu Âu và Mỹ. Chẳng hạn, tại Anh, giới nhà giàu Trung Quốc đang có cổ phần tại Manchester City, West Bromwich Albion và Aston Villa. Trên đất châu Âu đến thời điểm này có khoảng 12 CLB  lớn tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha có các mối liên hệ về mặt tài chính với giới làm ăn Trung Quốc.
 
Nhưng liệu những cuộc vung tiền này đã mang lại thành công cho bóng đá Trung Quốc hay chưa? Với nhiều chuyên gia, sự hiện diện của các siêu sao quốc tế dù đến tuổi bên kia sườn dốc, gần giải nghệ cũng phần nào làm cho giải Super League của Trung Quốc thêm màu sắc nhưng thực ra chỉ mang tính giải trí là nhiều. Sự tác động tích cực của họ cho các cầu thủ nội địa đến nay vẫn còn rất mơ hồ. Đội tuyển bóng đá Trung Quốc cho đến nay dù được tập hợp từ các cầu thủ có mặt tại giải đấu cao nhất nước này nhưng thực sự vẫn chỉ là một đội bóng làng nhàng, thi đấu hết sức phập phù trong châu lục.
 
Tiền là cần thiết nhưng chưa đủ, vẫn còn rất nhiều vấn đề trong một nền bóng đá có hơi hướng của một đất nước đang phát triển với bạo lực sân cỏ, bê bối dàn xếp tỷ số, cá cược bất hợp pháp hoành hành… Chỉ khi giải quyết căn bản những vấn nạn này thi bóng đá Trung Quốc mới có cơ hội bắt kịp Nhật Bản, Hàn Quốc được.
 
GIA KHÁNH