Cho cuộc sống thêm niềm vui

09:11, 24/11/2016

Mỗi ngày dù lớn tuổi nhưng những VÐV này vẫn đến câu lạc bộ thể thao, vẫn chơi bóng bàn để giữ gìn sức khỏe và thêm niềm vui trong cuộc sống.

Mỗi ngày dù lớn tuổi nhưng những VÐV này vẫn đến câu lạc bộ thể thao, vẫn chơi bóng bàn để giữ gìn sức khỏe và thêm niềm vui trong cuộc sống.
 
Cặp đôi VĐV Quách Ngọc Thu và Nguyễn Thị Lan
Cặp đôi VĐV Quách Ngọc Thu và Nguyễn Thị Lan
Năm nào cũng vậy, khi đến giải bóng bàn này bà Quách Ngọc Thu - 55 tuổi, người Bảo Lộc cũng sắp xếp công việc nhà để dự giải.
 
 Đó là giải Bóng bàn các Nhà quản lý và Trung cao tuổi cấp tỉnh của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp với Liên đoàn Bóng bàn Lâm Đồng tổ chức hằng năm, năm 2016 này vừa diễn ra giữa tháng 11 tại Đà Lạt.
 
“Có ít giải bóng bàn phong trào dành cho người trung cao tuổi trong năm, dịp này có nhiều người từ các huyện, thành trong tỉnh về thi đấu giao lưu với nhau nên rất vui, dù bận gì thì tôi cũng sắp xếp để có mặt” - bà Thu hào hứng.
 
Giải năm nay quy tụ trên 80 tay vợt từ các đơn vị đại diện cho các huyện, thành, các CLB của những địa phương có phong trào bóng bàn mạnh trong tỉnh, trong đó có CLB Bóng bàn Nhà Văn hóa TDTT Bảo Lộc mà bà Thu là một trong những thành viên tham dự giải.
 
Đây đã là năm thứ 25 bà Thu “gắn bó” với bóng bàn. Chơi bóng bàn từ lúc trẻ, khi ở Đà Lạt bà Thu từng là thành viên của đội tuyển thành phố thi đấu cho các giải tỉnh, khi chuyển về Bảo Lộc sinh sống bà lại tiếp tục thi đấu cho đội tuyển Bảo Lộc. “Tôi thỉnh thoảng có đi bộ nhưng thích nhất vẫn là chơi bóng bàn, bóng bàn giống như niềm đam mê nên dù bận thế nào cũng phải sắp xếp để tập luyện mỗi ngày với CLB” - bà Thu chia sẻ.
 
Bóng bàn, theo bà Thu là môn thể thao dễ chơi, phù hợp cho mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ, ai chơi cũng được, rất phù hợp cho người lớn tuổi, thích hợp với những vùng có thời tiết mưa nhiều như Lâm Đồng, chơi trong nhà nên mưa nắng gì cũng có thể tập luyện. Đây lại là một môn thể thao chẳng tốn kém gì nhiều, chỉ cần mua một cây vợt giá vừa phải, thu xếp thời gian đăng ký tham gia CLB bóng bàn nào đó là được.  
 
CLB Nhà Văn hóa TDTT Bảo Lộc nơi bà Thu đang sinh hoạt có khoảng 60 hội viên, đa số trong số này là nam; chỉ có 7 người trong đó là nữ, kể cả bà. Mỗi ngày vào cuối giờ chiều bà lại thu xếp công việc để đến CLB, ngày nào cũng như ngày nào.
 
Trong 25 năm chơi bóng bàn đó, số huy chương bà Thu nhận được từ các giải cấp thành phố, cả Đà Lạt và Bảo Lộc, và từ các giải cấp tỉnh, theo bà, là “không tính hết”. Như giải năm nay bà cùng một thành viên trong đội đã giành được Huy chương Vàng vô địch đôi nữ lứa tuổi từ 45 trở lên, thêm 2 tấm Huy chương Đồng trong các nội dung cá nhân nữ.
 
Giành được huy chương trong thể thao cũng là niềm vui, là sự động viên khích lệ tinh thần. Nhưng cái được lớn nhất theo bà Thu, chính là sức khỏe. “ Cho đến nay tôi hầu như chẳng đau bệnh gì, vẫn tắm nước lạnh đều mỗi sáng sớm quanh năm dù trời nóng hay lạnh, rất ít khi dùng đến thuốc, có vẻ bác sỹ rất khó lấy được tiền tôi” - bà Thu đùa vui. 
 
Cùng với bà Thu, một tay vợt nữ lớn tuổi khác khá quen thuộc với làng bóng bàn Lâm Đồng cũng có mặt tại giải, đó là bà Nguyễn Thị Lan, 59 tuổi, thành viên của CLB Nhà Văn hóa TDTT Bảo Lộc.
 
Như người đồng đội của mình, bà Lan cũng có khoảng 20 năm chơi bóng bàn phong trào. “Nói thì nghe nhiều lắm nhưng cứ mỗi ngày dành cho nó một ít thời gian, chừng vài giờ để vui và cho sức khỏe là chính”- bà Lan cười. Chơi phong trào nhưng bà Lan cũng giành rất nhiều huy chương từ các giải thành phố và giải cấp tỉnh hằng năm. Giải năm nay bà cũng giành được 3 huy chương, trong đó có cả Huy chương Vàng đánh đôi nữ cùng bà Thu.
 
Và cũng như bà Thu, bà Lan cho biết nhờ chăm chỉ tập luyện nên đến độ tuổi này bà vẫn chẳng bệnh tật gì, chẳng mấy khi phải dùng thuốc. “Ngày nào dù mệt nhọc nhưng cứ đến bàn bóng, tập trung vào quả bóng, vận động để ra mồ hôi, vừa thư giãn đầu óc, vừa vui, tối về ngủ một giấc người lại khỏe ra thôi”. 
 
Cũng chính nhờ thể thao nên bà Lan còn giữ dáng được, trông bà trẻ hơn độ tuổi rất nhiều và rất nhanh nhẹn. “Khi gặp chẳng ai nghĩ tôi đã có cháu nội, cháu ngoại rồi; cũng chẳng ai đoán đúng tuổi thật của tôi, tất cả là nhờ bóng bàn đó”- bà Lan cười tươi.
 
Ông Phan Tấn Nghĩa
Ông Phan Tấn Nghĩa
Tại giải lần này, trong bảng nam có rất nhiều người lớn tuổi vẫn còn thi đấu rất tích cực, tiêu biểu là ông Phan Tấn Nghĩa, người ở phường 6 - Đà Lạt, VĐV cao tuổi nhất giải với 82 tuổi. 
 
“Ngày trẻ tôi chơi nhiều môn thể thao lắm, lớn tuổi bỏ bớt những trò chơi mạnh tôi chuyển sang đi bộ quanh hồ Xuân Hương, mỗi ngày đi một vòng quanh hồ (chừng hơn 5 km), ngày nào cũng đi trong gần 10 năm. Sau đó bác sỹ bảo bớt đi bộ, tôi lại quay sang chơi bóng bàn, môn này phù hợp với tuổi lớn như tôi” - ông Nghĩa cho biết.
 
Mỗi ngày khi có thời gian cụ ông 82 tuổi này vẫn đi bộ đến CLB Nguyễn Công Trứ gần nhà để chơi bóng bàn. “Lớn tuổi rồi, chỉ ở nhà trông cháu cho con đi làm, đưa cháu đi học, quẩn quanh trong nhà mãi cũng chán nên tôi đi chơi bóng bàn”. Tại CLB ông thường thi đấu với những người ít tuổi hơn mình, có một cụ ông 86 tuổi vẫn còn tập luyện với ông nhưng không tham gia giải này. 
 
Về huy chương thì ông Nghĩa cho biết từ khi chơi bóng bàn trong vòng 5-6 năm nay năm nào dự giải này cũng có, ông từng giành Huy chương Vàng cá nhân nam lứa tuổi từ 65 trở lên, còn giải nhì giải ba thì rất nhiều, như năm nay ông được huy chương bạc trong lứa tuổi trên 65 này.
 
Nhưng với ông Nghĩa, có huy chương hay không,  không quan trọng, ông thích thể thao đến với giải đấu vì niềm vui. Vui vì được gặp gỡ mọi người, được thi đấu, được vận động, được sức khỏe. Ông bảo đến nay sức khỏe vẫn ổn, cũng có bị khớp nhưng vài tuần là hết, không bị huyết áp, không tim mạch, rất ít khi dùng thuốc. “Không đau yếu - không làm phiền con cháu là tôi vui nhất” - ông Nghĩa cười.
 
VIẾT TRỌNG