Khi bóng đá là để phục vụ

09:12, 29/12/2016

Theo đúng truyền thống, cứ đến dịp gần Giáng sinh và năm mới trong khi các giải bóng đá châu Âu có kỳ nghỉ thì Ngoại hạng Anh vẫn tiếp tục thi đấu với tốc độ dồn dập hơn nhằm phục vụ khán giả.

Theo đúng truyền thống, cứ đến dịp gần Giáng sinh và năm mới trong khi các giải bóng đá châu Âu có kỳ nghỉ thì Ngoại hạng Anh vẫn tiếp tục thi đấu với tốc độ dồn dập hơn nhằm phục vụ khán giả.
 
Liverpool đang thi đấu rất thăng hoa dưới tay của HLV Jurgen Klopp (ảnh Liverpool FC)
Liverpool đang thi đấu rất thăng hoa dưới tay của HLV Jurgen Klopp (ảnh Liverpool FC)

10 ngày 3 trận
 
Nếu như nhiều quốc gia vùng Đông và Đông Nam Á trong đó có Việt Nam có Tết Nguyên đán (đầu năm Âm lịch) với hội hè tưng bừng thì các nước ở châu Âu như nước Anh cũng có tết riêng của mình. Đó là vào dịp này, dịp cuối năm Dương lịch với nhiều lễ hội đi liền nhau như lễ Giáng sinh, lễ Tặng quà (Boxing day), nghỉ năm mới. Tại Anh, công sở, trường học đóng cửa, nhiều người đi làm ăn xa về nhà đoàn tụ cùng gia đình, thăm cha mẹ, dành thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. 
 
Nhưng với những người làm bóng đá Anh, đây lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, họ chẳng được nghỉ lễ mà phải còn lo chạy đua nước rút trong những ngày này. Theo truyền thống, đây là thời gian quan trọng nhất của các đội bóng Ngoại hạng Anh: trong vòng 10 ngày mỗi đội bóng phải chơi 3 trận liền.
 
Cụ thể, ngay sau đêm Giáng sinh, đúng  vào ngày lễ Tặng quà 26/12 rất nhiều đội đã phải ra quân cho vòng 18, đến 29/12 kết thúc vòng 18; vòng 19 lại bắt đầu chỉ vài ngày sau đó, vào thứ bảy 31/21/2016 và chủ nhật 1/1/2017. Sau vòng 19 này, khi cầu thủ còn chưa đủ thời gian hồi phục thì họ phải bắt đầu ngay cho vòng 20 từ ngày 2 - 4/1/2017. Chỉ sau loạt 3 trận này họ mới được nghỉ 10 ngày trước khi vòng 21 bắt đầu trở lại trong ngày 14/1/2017.
 
Với rất nhiều cầu thủ, đây chính là quãng thời gian khó khăn nhất trong cả mùa giải. Họ phải ra sân trong tiết trời lạnh giá cuối năm, mệt mỏi vì phải di chuyển đến nhiều vùng với các sân cỏ trong nước, họ không đủ thời gian hồi sức sau các trận đấu dồn dập nên rất dễ bị chấn thương trên sân.  
 
Với các đội bóng đại gia giàu có, nhân lực đầy đủ, nhiều cầu thủ dự bị sẵn sàng thay phiên ra sân thì quãng thời gian này cũng chẳng đáng lo lắm. Nhiều đội cũng từng tham dự các cúp châu Âu với lịch thi đấu dồn dập nên cũng quen, trang thủ dịp này để tăng tốc. Nhưng với những đội bóng nhỏ, tài lực có hạn, không đủ nhân lực dự bị, nếu không có sự chuẩn bị tốt cho quãng này sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất lợi.  
 
Thông thường, để thuận lợi hơn cho các đội cũng như tránh việc các cổ động viên theo đội cổ vũ phải di chuyển quá xa, Ban tổ chức giải dịp này thường xếp các đội nằm gần nhau về mặt địa lý gặp mặt nhau, tuy nhiên trong giải cũng có không ít các đội phải chấp nhận đưa quân đi xa.
 
Cái lý của sự “điên rồ” 
 
Vì sao các giải bóng đá hàng đầu khác ở châu Âu dịp này đều có kỳ nghỉ thì cầu thủ bóng đá Anh lại phải “hành xác” mình như vậy?  
 
Câu trả lời cực kỳ đơn giản: vì khán giả. Bóng đá là để phục vụ người xem, không có khán giả bóng đá sinh ra để làm gì? Đây là quãng thời gian nghỉ làm, dịp hội hè nên mọi người cần giải trí, cần bóng đá nhất. Họ cần có bóng đá môn thể thao họ yêu thích để cả nhà cùng bạn bè đến sân thưởng thức các trận đấu, thưởng thức các màn trình diễn của các cầu thủ đội nhà mình mến mộ. Bản thân các đội bóng cũng cần thu hút thêm khán giả đến sân dịp này để tăng doanh thu cho đội. 
 
Sau sự cố bóng đá Anh bị tẩy chay vì vấn nạn côn đồ (hooligan), những năm 80 thế kỷ trước người Anh đã bắt tay vào làm mới lại giải bóng đá lâu đời của mình. Với sự ra đời của giải Ngoại hạng Anh năm 1992 các sân bóng ở Anh đã thân thiện hơn với khán giả vì không có rào ngăn, các trận đấu của giải được đẩy lên nhanh hơn, cầu thủ ra sân thi đấu cật lực hết mình, bóng đá mang tính cống hiến, phục vụ khán giả ngày nhiều hơn.
 
Để phục vụ khán giả, người Anh cho đến nay bất chấp các phê phán về lịch thi đấu “điên rồ” này, vẫn duy trì truyền thống chơi bóng đá trong những ngày cuối năm, xem đây là một cơ hội để đưa môn thể thao này ngày càng phát triển rộng hơn đến với tất cả mọi người, không chỉ là người Anh mà đến nhiều nơi trên thế giới.  
 
Sự “điên rồ” này đến nay đã có cái lý của nó. Theo thống kê, Premier League là giải đấu bóng đá được xem nhiều nhất trên thế giới hiện nay, giải đã phát sóng đến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với khoảng 650 triệu hộ gia đình, khoảng 4,7 tỷ khán giả truyền hình thưởng thức trong đó có khản giả Việt Nam. 
 
Đây cũng là giải đấu bóng đá có doanh thu cao nhất thế giới, với tổng doanh thu 20 câu lạc bộ của giải chỉ trong mùa bóng 2009 - 2010 cách đây 6 năm đã là 2.48 tỷ Euro. Mùa bóng 2013 - 2014, giải đấu này đã có lợi nhuận ròng trên 78 triệu bảng Anh, vượt qua tất cả các giải bóng đá khác trên thế giới. Từ năm 2013, giải đấu này thu về 2.2 tỷ Euro một năm tiền bản quyền truyền hình nội địa và quốc tế.
 
Sự hấp dẫn của giải đấu này ngày càng lớn đến mức rất nhiều HLV tài danh trên thế giới đã không cưỡng nổi lời mời, cùng rủ nhau về tụ hội nhau để thi tài trong mùa giải năm nay. Cho đến trước vòng đấu 19 cuối tuần này, Chelsea của HLV Antonio Conte - người Ý đang dẫn đầu với 46 điểm; đứng nhì bảng là  Liverpool của  HLV tài năng Jurgen Klopp - người Đức đang thi đấu rất hay với 40 điểm. Điều đáng ngạc nhiên đội bóng Manchester City của HLV lừng danh Pep Guardiola với rất nhiều kỳ vọng lại chỉ có 39 điểm, đứng thứ ba, còn  Arsenal của HLV lão làng Arsene Wenger chỉ được  37 điểm đứng thứ tư.
 
Sẽ rất khó đoán cho đội nào trong 4 đội dẫn đầu trên sẽ vô địch vì cuộc đua hãy còn dài, và thực ra cũng không thể loại ra 2 cái tên đang đứng kề sau 4 đội này là Tottenham Hotsspur và Machester United cùng được 33 điểm trong đó Machester United của HLV Mourinho đang có dấu hiệu hồi phục rất nhanh sau một chặng dài phập phù đầu mùa. Hãy chờ xem những đội trong tốp dẫn đầu này xử lý như thế nào trong giai đoạn nước rút này? 
 
GIA KHÁNH