Những điều đọng lại sau AFF Cup 2016

08:12, 15/12/2016

Thứ bảy tuần này sẽ là trận đấu cuối cùng của AFF Cup 2016 để quyết định đội bóng nào ở Đông Nam Á lên ngôi vô địch. Đó có thể là Indonesia lần đầu tiên hay Thái Lan tiếp tục vô địch lần thứ 5. Với đội tuyển bóng đá Việt Nam, AFF Cúp 2016 năm nay đã kết thúc trong vị đắng đầy tiếc nuối. 

Thứ bảy tuần này sẽ là trận đấu cuối cùng của AFF Cup 2016 để quyết định đội bóng nào ở Đông Nam Á lên ngôi vô địch. Đó có thể là Indonesia lần đầu tiên hay Thái Lan tiếp tục vô địch lần thứ 5. Với đội tuyển bóng đá Việt Nam, AFF Cúp 2016 năm nay đã kết thúc trong vị đắng đầy tiếc nuối. 
 
Các cầu thủ đội tuyển Việt Nam sau trận thua Indonesia trên sân Mỹ Đình
Các cầu thủ đội tuyển Việt Nam sau trận thua Indonesia trên sân Mỹ Đình

Những điều đọng lại 
 
Tiếc nuối vì so với Indonesia - đội vào chung kết gặp Thái Lan, thì đội tuyển Việt Nam xứng đáng hơn. Đội tuyển Việt Nam trong giải năm nay đã chơi bóng với một tinh thần mạnh mẽ, có bài bản, tấn công đẹp mắt, có nhiều bàn thắng đẹp, còn Indonesia dù rất nỗ lực khi vào đến chung kết nhưng họ một phần cũng nhờ vào… may mắn. 
 
Nhưng thực sự mà nói, trước đội tuyển Indonesia không hơn gì, đội tuyển Việt Nam đã thua chính… mình, chính những sai lầm đầy ngớ ngẩn trong hàng thủ đã biếu không cho đội bạn những bàn thắng để rồi cục diện không xoay xở được. 
 
Trong trận bán kết lượt đi trên sân khách, khi tỷ số đang là 1-1, trung vệ Quế Ngọc Hải sau khi vào bóng không trúng đã cố tình phạm phải lỗi không cần thiết, dẫn đến quả phạt đền khiến đội bạn nâng tỷ số lên 2-1. Nếu không có bàn thua này, đội tuyển Việt Nam sẽ thong dong hơn rất nhiều ở lượt về.
 
Ngay trong trận lượt về trên sân nhà Mỹ Đình, hàng thủ đội tuyển Việt Nam lại tiếp tục mắc lỗi nữa. Trong một pha phản công chẳng nguy hiểm gì, từ một quả tạt cánh của cầu thủ Indonesia, thủ môn Nguyên Mạnh của đội tuyển Việt Nam bắt hụt, nhưng cái chân của một cầu thủ đội nhà - Đình Đồng, lại lóng ngóng giơ cao cản bóng khiến bóng rơi vào chân cầu thủ đội bạn. Nếu Lilipaly - cầu thủ người Indonesia không ghi bàn thì trong tình huống đó bóng cũng sẽ lăn vào lưới nhà Việt Nam.
 
Nhưng đáng trách nhất chính là tấm thẻ đỏ cực kỳ vô duyên của thủ môn Nguyên Mạnh. Cú đạp nguội vào người cầu thủ đội bạn đã không qua mắt được tổ trọng tài. Hành động phi thể thao này khiến Nguyên Mạnh bị truất quyền thi đấu, phải ra sân trong khi đội nhà đang bị dẫn trước 0-1 và đã hết quyền thay người. Tấm thẻ đỏ không đáng có này đã giáng một đòn rất mạnh vào đội tuyển Việt Nam lúc đó, làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả trận đấu của toàn đội.
 
Trước đó, trong trận gặp Campuchia, đội tuyển Việt Nam cũng phải đá trong tình cảnh mất người. Hậu vệ Đình Luật phạm lỗi nhận thẻ đỏ phải ra sân, toàn đội sau đó phải thay đổi lối chơi. Cũng may trận đó đội tuyển Việt Nam gặp một đội nhẹ ký hơn. 
 
Rất nhiều người sau trận đấu lượt về của đội tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình trách trọng tài Fu Ming - người Trung Quốc, bắt chính trận đấu hôm đó, đã quá nặng tay với thủ môn Nguyên Mạnh. Nhưng câu hỏi đặt ra là hàng thủ đội tuyển Việt Nam vì sao trong giải này lại liên tục mắc lỗi như vậy? Tại sao một HLV từng là một hậu vệ xuất sắc của đội tuyển Việt Nam một thời là Nguyễn Hữu Thắng lại không xây dựng được một hàng thủ vững chắc, để xảy ra lỗi liên tục trong hàng thủ như vậy? 
 
Nhiều lý giải lẫn biện hộ đã được đưa ra, trong đó có nhắc đến tinh thần thi đấu “máu lửa” của đội tuyển, cầu thủ không ngại “va chạm”, vào trận quả cảm như những “chiến binh”… Tuy nhiên, có một sự thực rằng đội tuyển Việt Nam trong giải này có một hàng thủ chơi cực rắn, nếu không nói là rắn đến mức không cần thiết trong một giải đấu quốc tế, trước cặp mắt của rất nhiều khán giả trong và ngoài nước. Không biết họ sẽ nghĩ gì khi chứng kiến một tuyển thủ quốc gia đá nguội vào cầu thủ đội bạn khi giành bóng như vậy?   
 
Trước đây lối chơi rắn này đã từng có những đội tuyển quốc gia trong khu vực áp dụng, nhưng cách chơi phi thể thao này bị lên án và dần được loại bỏ trong đời sống thể thao khu vực và quốc tế. 
 
Trong nước, Hoàng Anh Gia Lai là CLB bóng đá tiên phong trong việc đấu tranh với vấn nạn “chém đinh chặt sắt”, xóa bỏ bạo lực dần tràn ngập trên sân cỏ trong nước bằng cách đào tạo những lứa cầu thủ chơi đẹp, rất  “fair play” trên sân. Một số cầu thủ này vẫn đang hiện diện trong đội tuyển quốc gia nhưng có vẻ tác động của họ về mặt này rất ít. Người tác động chính trên sân và trong cả đội tuyển phải là HLV nhưng HLV Hữu Thắng qua cả giải đấu này vẫn chưa có một giải pháp hiệu quả nào để ngăn chặn lối chơi như vậy.
 
Chính vì vậy, dù ở lại hay ra đi sau AFF Cup 2016 này, HLV Nguyễn Hữu Thắng hay ai lên thay thì cũng cần qui tụ được các cầu thủ giỏi trong nước chứ không nên chỉ tập trung vào các cầu thủ đồng hương, đồng thời dứt khoát loại bỏ cách chơi phi thể thao này khỏi đội tuyển quốc gia. 
 
Thay đổi thể thức
 
Theo thông báo từ Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á, thay vì có 8 đội như hiện nay, kể từ năm 2018, AFF Cup sẽ quy tụ đến 10 đội bóng tham dự.
 
Trong 10 đội này, có 9 đội bóng đứng đầu khu vực Đông Nam Á theo bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), suất còn lại thuộc về đội giành chiến thắng trong trận đấu play-off giữa đội xếp thứ 10 và 11 trong khu vực Đông Nam Á.
 
Cùng đó, thể thức thi đấu của AFF Cup 2018 cũng có sự thay đổi. Giải đấu được chia thành 2 bảng, mỗi bảng 5 đội và thay vì đá tập trung vòng bảng tại một quốc gia như hiện nay, các đội sẽ đá lượt đi và lượt về trên sân khách và sân nhà ngay từ vòng bảng. Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ lọt vào vòng bán kết và từ vòng bán kết tới chung kết, các đội cũng thi đấu theo thể thức lượt đi và lượt về trên sân nhà và sân khách.
 
Theo nhiều chuyên gia, việc thay đổi thể thức thi đấu lượt đi, lượt về ngay từ vòng bảng sẽ làm giải đấu này hấp dẫn hơn, thu hút được khán giả nhà, thu hút quảng cáo tạo nguồn thu để phát triển bóng đá cũng như nâng tầm giải đấu này lên một đẳng cấp mới.
 
GIA KHÁNH