Vui buồn với caddy ở Ðà Lạt

09:12, 08/12/2016

Caddy (Caddie) - tiếng Anh, là người phục vụ những người chơi golf trên sân golf. Ðó là một nghề chân chính, dựa vào sức lao động của bản thân, không phải là "chân dài" đến đây để phục vụ các đại gia như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài nụ cười, nơi đây còn tồn tại nhiều nỗi buồn đan xen mồ hôi và những giọt nước mắt mà chỉ những người đã và đang theo nghề này mới thấu hiểu.

Caddy (Caddie) - tiếng Anh, là người phục vụ những người chơi golf trên sân golf. Ðó là một nghề chân chính, dựa vào sức lao động của bản thân, không phải là “chân dài” đến đây để phục vụ các đại gia như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài nụ cười, nơi đây còn tồn tại nhiều nỗi buồn đan xen mồ hôi và những giọt nước mắt mà chỉ những người đã và đang theo nghề này mới thấu hiểu.
 
Phục vụ khách trên sân golf
Phục vụ khách trên sân golf
Mồ hôi trên đường golf 
 
Sân golf Dalat Palace ngày đầu tuần khá vắng khách, nên hầu hết nhân viên phục vụ đều tập trung tại phòng chờ. Nhờ vậy mà các caddy mới có thời gian rảnh để trò chuyện với chúng tôi.
 
Nằm ngay trung tâm thành phố Đà Lạt với một lịch sử lâu đời, Dalat Palace (Dalat Palace Golf Club) - trước đây là Đồi Cù, là sân golf 18 lỗ được thiết kế tuyệt đẹp. Tại đây có khoảng 100 caddy đang làm việc, trong đó hầu hết là nữ, chỉ chừng khoảng 10 người trong số này là nam. Đa số caddy ở đây là người từ nhiều nơi đến, có người tận các tỉnh thành phía bắc. Nhiều người chọn công việc này lúc đầu cũng chỉ định làm tạm một thời gian trong lúc chờ tìm được việc khác ưng ý hơn, nhưng sau đó thấy khá ổn định nên gắn bó luôn với nghề.
 
Đà Lạt hiện có 3 sân golf đang hoạt động và đều là sân golf 18 lỗ. Bên cạnh sân Dalat Palace tại trung tâm thành phố (Đồi Cù), còn có sân golf Sacom Tuyền Lâm (Sacom Tuyen Lam Golf Club) tại khu vực hồ Tuyền Lâm và sân golf Đạ Ròn (The Dalat at 1200 Counntry Club) tại Đạ Ròn - Đơn Dương gần kề Đà Lạt. 
 
Tại 3 sân golf này, hằng ngày, trong hoạt động đều có một đội ngũ caddy đông người để phục vụ cho khách chơi golf khi cần.

Theo caddy Trần Thị Bảo Châu, người Nghệ An, người đã gắn bó 7 năm với nghề, khi mới bắt đầu vào nghề, do có nhiều khách nước ngoài chơi golf nên caddy được dạy tiếng Anh để có thể giao tiếp. Họ phải học các nghiệp vụ chuyên môn về cách đánh golf, luật chơi golf, phải thông thuộc địa hình sân golf, hiểu đặc tính từng lỗ golf, cách nhìn độ dốc và phán đoán hướng gió sao cho phù hợp để đưa ra lời khuyên cho người chơi golf khi cần… Họ còn phải học lái xe để chở người chơi di chuyển trên sân.

Còn theo caddy Nguyễn Thị Nhuận, tổng chiều dài 18 lỗ golf này của sân dài hơn 10 km, mỗi vòng đánh phải đi hết chiều dài này. Tùy vào khách đến chơi, người nào chơi hay thì thời gian caddy di chuyển trên sân khoảng 3 tiếng đồng hồ, còn gặp những người mới tập đánh thì thời gian lên đến 5 - 6 tiếng. Để phục vụ người chơi golf, caddy phải mang theo bao gậy khá nặng với 14 cây gậy đủ các kích cỡ khác nhau, kèm theo nước uống, cả thức ăn nhẹ của khách đi theo nếu có. Khi khách chơi golf cần, caddy phải lựa chọn và đưa cho họ cây gậy phù hợp với khoảng cách từ bóng đến lỗ golf, chuẩn bị bút để ghi điểm…Mặc kệ ông trời có nắng như đổ lửa hay mưa như trút nước thì caddy vẫn phải âm thầm, lặng lẽ vác gậy đi bên cạnh khách, kèm theo cây dù che nắng mưa cho khách chơi khi cần. Bởi thế mà đòi hỏi các caddy phải thật sự tập trung, có sức khỏe tốt và một đôi chân thật dẻo dai mới có thể theo nghề được.
 
Cùng với những khó khăn của công việc, caddy cũng gặp không ít câu chuyện buồn. Đó là những hôm gặp phải khách khó tính, đánh bóng không tốt, bóng văng vào bụi cây, hố nước tìm không ra, thi đấu bị thua thì họ lại quay sang quát mắng caddy, bảo caddy không chịu tập trung, đưa không đúng gậy khiến họ đánh trượt. Có người còn mê tín, cho rằng caddy ấy không hợp tuổi nên mới mang đến vận xui cho họ… Còn rất nhiều lý do dở khóc dở cười khác nữa.
 
“Nghề này cực lắm, lại rất dễ tủi thân. Có những hôm đi bộ cả ngày đã mệt, người toát hết mồ hôi lại còn bị khách cằn nhằn, khó chịu, đổ lỗi cho mình, làm mình vừa buồn, vừa tủi, lại vừa ấm ức chẳng biết nói với ai” - chị Châu trầm ngâm. Những lúc như vậy chị kể chỉ biết khóc mà thôi.
 
Còn theo chị Nhuận, khách đến chơi golf mỗi người một tính, có người đòi hỏi caddy trẻ, đẹp, có người lại muốn caddy phải có kinh nghiệm để họ “tư vấn” lúc chơi khi cần, biết đưa ra lời khuyên thế nào đúng thời điểm để họ đánh được điểm. Có người lại thích một caddy hiểu biết, biết nhiều chuyện về Đà Lạt, về lịch sử của thành phố hoa này, biết những chỗ ăn ngon của thành phố để cùng họ nói chuyện trên đường đi… Bởi vậy theo chị, làm nghề caddy “vác bị gậy” này cũng giống như “làm dâu trăm họ”, phải biết cách “nhìn người”, tùy theo ý khách mà chiều.
 
Niềm vui 
 
Nhưng không chỉ có nỗi buồn, nghề caddy cũng có những niềm vui của riêng nó. Như chị Nhuận cho biết, tập thể anh chị em caddy nơi đây do nhiều người cùng làm việc lâu năm với nhau nên rất gắn bó, xem nhau như người thân trong gia đình, những lúc rảnh cũng vui đùa, tâm sự với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm làm việc, cùng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn.
 
Trong tuần, vào những hôm vắng khách, caddy được chơi golf mỗi người hai lần để trau dồi thêm kinh nghiệm. Họ thường tập trung lại mỗi nhóm bốn người để cùng chơi với nhau. Caddy Đoàn Văn Thành Lộc, quê ở Thanh Hóa, mới theo nghề được 2 năm nay vui vẻ khoe: “Được cầm gậy đánh golf cảm giác thích lắm, càng chơi lại càng mê, càng hăng, không biết mệt là gì. Đặc biệt là những caddy nam, tay nghề chơi golf của mấy anh, mấy chú trong đội ngày càng tiến bộ, chẳng hề thua kém gì người chơi golf thực thụ đâu”.
 
Bên cạnh những vị khách khó tính, sân golf nhiều ngày cũng tiếp đón các vị khách vô cùng vui vẻ, cởi mở. Những lúc đi bộ trên sân, họ cũng hay trò chuyện với caddy về gia đình, về công việc… Khách hay nói đùa: “Làm caddy là công việc sướng nhất, vừa được đi bộ tập thể dục lại vừa có tiền”. Trong những dịp được phục vụ những người như thế đã làm cho các caddy ở đây, như chị Nhuận chia sẻ “làm mình vui lên rất nhiều”, xóa bớt khoảng cách giữa người phục vụ và “ông chủ”. Thông thường sau khi phục vụ caddy sẽ được “bồi dưỡng” một khoản nhỏ (gọi là tiền tip - phục vụ), nhưng có nhiều người vui vẻ thưởng cho caddy khá hào phóng. 
 
Có lẽ niềm vui và cũng một phần nhờ vào những khoản “bồi dưỡng” nhỏ hằng ngày này đã phụ thêm ít nhiều vào khoản lương thu nhập chính hằng tháng vốn cũng chẳng nhiều nhặn gì nên rất nhiều caddy sau một thời gian “thử” làm việc đã quyết định gắn bó lâu dài với cái nghề khá vất vả này.
 
Như caddy Nguyễn Thị Nhuận, người quê ở Hải Dương vào Đà Lạt lập nghiệp với hơn 22 năm theo nghề caddy này tâm sự: “Tôi đã lớn tuổi nên cũng định nghỉ việc rồi, nhưng ở nhà lại thấy buồn tay buồn chân khó chịu lắm nên lại tiếp tục công việc. Hằng ngày được đi bộ, vận động trong khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp, nhìn những quả bóng golf lăn trên sân lòng lại thấy vui. Bây giờ chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi về hưu, sắp phải xa nơi này, chắc sẽ nhớ lắm. Nhớ từng quả bóng, từng cây gậy mà mình đã một thời gắn bó”.
 
Phóng sự: NGUYÊN LINH - VIẾT TRỌNG