Bảo Lâm: Tăng cường đầu tư cơ sở cho thể dục thể thao

08:03, 09/03/2017

Nhờ hệ thống sân bãi từng bước được đầu tư từ huyện đến xã thôn, nên những năm gần đây, phong trào thể dục thể thao cơ sở ở Bảo Lâm phát triển rất mạnh.  

Nhờ hệ thống sân bãi từng bước được đầu tư từ huyện đến xã thôn, nên những năm gần đây, phong trào thể dục thể thao cơ sở ở Bảo Lâm phát triển rất mạnh.  
 
Thi đấu bóng chuyền ở xã Lộc Đức. Ảnh: V.T
Thi đấu bóng chuyền ở xã Lộc Đức. Ảnh: V.T
Đầu tư mạnh cơ sở vật chất
 
Là huyện vùng sâu còn rất nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây Bảo Lâm đã có những bước chuyển hết sức đáng kể. Thông qua cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện vùng sâu nay đã thay đổi hẳn, không chỉ đường sá được mở rộng, làm mới, nhà cửa trong các khu dân cư cũng ngày càng khang trang hơn, nhiều công trình dân sinh được xây dựng, đặc biệt là hệ thống thiết chế văn hóa thể thao gồm nhà văn hóa và sân bãi thể dục thể thao (TDTT) cơ sở.
 
Theo Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) Bảo Lâm, đến nay huyện có 9 xã có nhà văn hóa xã gồm Lộc An, Lộc Bắc, Lộc Lâm, Lộc Bảo, Tân Lạc, Lộc Ngãi, Lộc Nam, Lộc Thành, Lộc Quảng; thêm 3 xã đang trong quá trình hoàn thành gồm B’Lá, Lộc Phú, Lộc Đức.
 
Cùng đó, huyện đến nay đã có 110/136 thôn, tổ dân phố trong toàn huyện có nhà văn hóa thôn; hầu hết các thôn đều có sân bãi, chủ yếu là sân đất dành cho các hoạt động cộng đồng, thi đấu thể thao. Toàn huyện hiện có trên 40 sân bóng chuyền; 20 sân bóng đá công cộng; có 6 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo có mái che, 2 nhà thi đấu cầu lông; 4 sân quần vợt, hầu hết do người dân đầu tư. Hiện có khoảng 40 câu lạc bộ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, TDTT, trong đó có 20 câu lạc bộ hoạt động rất tích cực. 
 
Trong hoạt động văn hóa, huyện có 1 thư viện huyện đang hoạt động rất tốt, có 13 điểm bưu điện văn hóa xã, 14 tủ sách pháp luật, 300 cụm loa truyền thanh, 61 đội văn nghệ, trong đó có những đội thường xuyên sinh hoạt, huyện hằng năm đều tổ chức các đợt hội diễn văn nghệ quần chúng phục vụ người dân.
 
Trong khi các nhà văn hóa các xã được xây dựng khá rộng thì nhà văn hóa - sinh hoạt động đồng ở thôn tuy có nhỏ hơn với diện tích từ 50 - 200 m2 nhưng cũng khá đa năng; không chỉ sử dụng cho hội họp biểu diễn văn nghệ quần chúng mà khi cần có thể sử dụng các sân bên ngoài làm sân thi đấu thể thao. Về cơ bản hầu hết các nhà văn hóa từ cấp xã đến cấp thôn khi xây dựng xong đều được trang bị tủ, bàn, ghế, thiết bị âm thanh.
 
Theo đánh giá của Phòng VHTT huyện, hầu hết các nhà văn hóa xã và thôn trên địa bàn đến nay cơ bản đã phát huy được vai trò và hiệu quả của mình, được nhiều địa phương thường xuyên sử dụng tổ chức các hoạt động để thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ, TDTT cơ sở phát triển.
 
Ở cấp huyện, Bảo Lâm đến nay là một trong số ít huyện tại Lâm Đồng được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao rất bài bản. Từ năm 2011, Khu Văn hóa Thể thao (VHTT) rộng 7 ha của huyện đã được đầu tư giai đoạn 1 với 38 tỷ đồng, đến nay huyện đã đưa vào sử dụng sân vận động với khán đài 2.000 chỗ ngồi, 1 hội trường 400 chỗ ngồi cùng hệ thống nhà làm việc. Trung tâm hiện đang chờ vốn đầu tư công trình này trong giai đoạn 2, bao gồm một nhà thi đấu và hệ thống các sân thể thao bao quanh.
 
 Nhờ hệ thống cơ sở vật chất này nên phong trào TDTT ở Bảo Lâm những năm gần đây phát triển rất mạnh. Theo Phòng VHTT huyện, số người, số gia đình thường xuyên luyện tập TDTT trong huyện ngày càng tăng, tỷ lệ này đến nay khoảng trên 20% dân số của huyện.
 
Liên kết để tổ chức giải
 
Những năm gần đây bình quân mỗi năm Bảo Lâm tổ chức từ 12 - 14 giải thể thao cấp huyện. 
 
Để tổ chức các giải thể thao này, bên cạnh các giải do tự mình đứng ra, Trung tâm VHTT huyện còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn huyện. Chẳng hạn như giải việt dã truyền thống trong tháng 3 hằng năm được Trung tâm phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức, còn để tổ chức giải cờ vua học sinh toàn huyện, Trung tâm huyện đã phối hợp rất tốt với ngành  Giáo dục huyện. 
 
Đặc biệt, Bảo Lâm rất mạnh về bóng chuyền, trong đó có cả bóng chuyền nam và bóng chuyền nữ. Giải bóng chuyền nam do Trung tâm VHTT huyện phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện thường được tổ chức trong tháng tư hằng năm với rất đông các đội tham dự (như giải năm 2016 vừa qua có đến 29 đội bóng thi đấu). Còn giải bóng chuyền nữ được Trung tâm phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức trong dịp 8/3 hằng năm. Trong năm 2016, giải này có 22 đội, trong đó có 14 đội đại diện các xã thị trấn và các đội còn lại đến từ các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp. Giải 2017 năm nay còn hoành tráng hơn với 24 đội, chia làm 8 bảng, kéo dài trong 3 ngày. Trung tâm bên cạnh liên tịch với Hội Phụ nữ huyện còn mời cả Liên đoàn Lao động huyện và Huyện Đoàn cùng tham gia giải này.  
 
Theo ông Nguyễn Văn Cư - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT Bảo Lâm, do kinh phí từ ngân sách cấp cho các hoạt động TDTT thường rất hạn hẹp, việc huy động từ nguồn xã hội hóa cho các hoạt động TDTT chưa được nhiều nên Trung tâm để tổ chức nhiều hơn các giải thể thao cấp huyện hằng năm Trung tâm phải liên kết với các đơn vị, đoàn thể trong huyện để tổ chức giải và cách làm này đến nay tỏ ra rất hiệu quả: số đội tham gia nhiều hơn, giải thưởng hấp dẫn hơn. 
 
Bên cạnh giải huyện, Trung tâm theo ông Cư còn chú ý đến việc hỗ trợ chuyên môn cho các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức các giải thể thao cấp xã, thôn. Hiện nay, rất nhiều xã ở Bảo Lâm cũng tổ chức các hoạt động TDTT cho mình hằng năm. “Cái khó của các hoạt động TDTT ở cơ sở lâu nay chính là việc thiếu cơ sở vật chất và kinh phí còn hạn hẹp, nhưng với hệ thống sân bãi được xây dựng như hiện nay Bảo Lâm đã cơ bản đáp ứng được phong trào ở cơ sở và chúng tôi luôn khuyến khích các xã bên cạnh kinh phí nhà nước nên vận động thêm từ nguồn xã hội hóa để tổ chức giải và khi cần Trung tâm luôn hỗ trợ để cấp cơ sở phát triển phong trào” - ông Cư khẳng định.
 
VIẾT TRỌNG