Chịu chơi như "lão tướng" Phan Đình Thuần

09:04, 13/04/2017

Mới chỉ chơi xe đạp trong vòng 3 năm nay, "lão tướng" Phan Đình Thuần - người Di Linh đã giành nhiều huy chương từ các giải đua xe đạp địa hình trong nước. 

Mới chỉ chơi xe đạp trong vòng 3 năm nay, “lão tướng” Phan Đình Thuần - người Di Linh đã giành nhiều huy chương từ các giải đua xe đạp địa hình trong nước. 
 
Lão tướng Phan Đình Thuần với chiếc xe đạp địa hình trị giá 20 triệu đồng. Ảnh: V.T
Lão tướng Phan Đình Thuần với chiếc xe đạp địa hình trị giá 20 triệu đồng. Ảnh: V.T
Gọi ông là “lão tướng” thì có vẻ chưa đúng lắm, vì ông vẫn tự cho rằng mình vẫn còn trẻ, không phải trẻ về độ tuổi vì đã lên hàng U.60 rồi, nhưng trẻ về tinh thần, về cách ông đương đầu với thử thách trong những cuộc đua. “Đã chơi là chơi hết mình” như cách ông nói.
 
Sinh năm 1960, người Di Linh, ông Phan Đình Thuần vốn là một thợ máy ô tô. Ông hầu như cả đời cứ luẩn quẩn trong hiệu sửa xe, bên các chiếc ô tô, cả ngày cúi mặt xuống với máy móc, thuộc từng chi tiết trong bộ máy đó để nhìn, nghe là biết xe hỏng ở đâu, chữa chỗ nào. Ông bảo ông mê ô tô nhưng ô tô đắt tiền, tiền đâu mà chơi ô tô nên chỉ còn biết mê xe đạp vì đó cũng là một cỗ máy đơn giản nhưng rất hiệu quả.
 
Ông chơi xe đạp cách đây chừng 3 năm. “Hồi nhỏ tôi đã mê xe đạp, lớn lên cứ mải chuyện gia đình, lo làm ăn, cơm áo gạo tiền đè nặng hai vai, đến một lúc nào đó chợt thấy mình già rồi, phải bớt việc lại để dành chút thời gian cho đam mê của mình. Ô tô là cả một gia sản trong khi xe đạp bình dân giá rẻ hơn nhiều, thôi thì chơi xe đạp cũng được” - ông cười sảng khoái.
 
Cho đến thời điểm này ông khoe đã mua được 4 chiếc xe đạp, chiếc đầu tiên cách đây 3 năm lúc bắt đầu đạp xe, giá 4 triệu đồng. Đó là chiếc xe đạp cũ, chạy đường trường. Sau đó ông mua tiếp chiếc thứ 2, đắt hơn chút, 14 triệu đồng cũng là xe đạp đường trường. Rồi ông mua chiếc thứ 3 có giá 17 triệu đồng, là xe đạp địa hình và gần đây nhất ông đã mua chiếc xe địa hình mới có giá 20 triệu đồng để tham dự các cuộc thi địa hình quốc gia.
 
Khi có chiếc xe đạp đầu tiên, ông gia nhập Câu lạc bộ (CLB) xe đạp - nơi tập hợp những người yêu xe đạp như ông tại thị trấn Di Linh với chừng 20 thành viên. Cứ buổi sáng sớm 4 ngày trong tuần, các thành viên trong CLB lại tập hợp với nhau để cùng luyện tập, mỗi buổi chạy chừng 30 km lòng vòng quanh huyện. Có ngày ông chợt nghĩ sao không thử sức mình ở các cuộc đua xem sao? 
 
Cuộc thi đầu tiên mà ông tham dự là giải leo núi địa hình Kala do huyện Di Linh tổ chức cách đây 2 năm. Lần đó, trong nhóm tuổi 51 - 65, ông giành được giải nhì với tấm huy chương đầu tiên trong đời. 
 
Thấy ông có duyên với huy chương, mọi người trong CLB vận động ông cùng tham gia giải đua xe đạp địa hình “Victory Challenge” (Chiến thắng Thử thách” ở Đà Lạt trong năm 2016. Đây là một giải quốc tế lớn với rất nhiều tay đua trong nước lẫn nước ngoài tham gia nên lệ phí nộp cho giải khá cao nhưng ông cũng bỏ tiền túi dự giải. Tại giải này trong nhóm tuổi 51 - 65 phong trào, trong cả 3 chặng đua ông đều là người đầu tiên cán đích, giành Huy chương Vàng chung cuộc.
 
Sau giải đó, trong năm 2016 ông tham gia thêm 2 giải đua xe đạp địa hình khác trong nước, đó là giải Hầm Đá tại Quận 9 - TP Hồ Chí Minh, ông về hạng 6 và giải chinh phục Núi Nhỏ ở Vũng Tàu trong tháng 12 ông lại về nhất trong nhóm tuổi của mình.
 
Trong tháng 1 năm 2017 này, ông Thuần đã có dịp dự một giải quốc tế ở Malaysia. Đó là giải phong trào mở rộng cho tất cả các hạng tuổi với rất nhiều tay đua quốc tế tham dự, ông có mặt trong màu áo của Liên quân Việt Nam - chủ yếu là các tay đua địa hình tại TP Hồ Chí Minh. Kết thúc giải ông xếp thứ 254 trong khoảng 1.000 VĐV tham dự, tất cả chi phí chuyến đi này ông tự bỏ tiền túi của mình. 
 
Và tại giải “Dalat Victory Challenge” lần 3 trong tháng 3/2017 vừa qua ở Đà Lạt, ông Thuần đã lặp lại thành tích xuất sắc như lần đầu năm ngoái ông dự giải, nghĩa là cả 3 chặng đua trong 3 ngày ông đều về đích đầu tiên, bỏ rất xa các tay đua người nước ngoài phía sau mình, tiếp tục giành Huy chương Vàng chung cuộc trong nội dung 51 - 65 tuổi. Với thành tích thi đấu ấn tượng này ông chính là người duy nhất tại giải được Ban tổ chức tặng 1 chiếc xe đạp địa hình rất có giá trị. 
 
Để chiến thắng các con dốc đứng trong đường rừng, vượt qua được các con đường đá đất lổn nhổn bất cẩn chút xíu là té ngã, chiến thắng những con suối đáy đầy đá cắt ngang đường đua đó… ông không có gì hơn là sự quyết tâm. “Trong thể thao không có bí quyết, chỉ có tập luyện và chịu khó tập luyện mà thôi. Xe đạp cần có sự khéo léo, nhanh nhẹn, nhưng sự khéo léo, nhanh nhẹn đó cũng chính từ tập luyện thường xuyên mà có” - ông nói.
 
Với ông, huy chương nếu có được, chỉ là một phần của cuộc chơi. Chiến thắng lớn nhất trên đường đua với ông chính là chiến thắng bản thân mình, coi mình liệu còn có đủ can đảm và dũng khí để chinh phục những con đường gian khó đó được không: “Chiến thắng đến vì mình đạt đến ngưỡng đó thôi” - ông suy nghĩ đơn giản. 
 
Vậy thì cái được sau 3 năm chơi xe đạp của người thợ máy Phan Đình Thuần ở thị trấn nhỏ thanh bình như Di Linh là gì? Đó là sức khỏe mà chính xe đạp và thể thao đã mang lại cho ông: không bệnh tật, không đau yếu gì, tinh thần sảng khoái. Đó là có cơ hội đi dự giải khắp nơi dù chính từ tiền túi của mình; là dịp được quen biết nhiều người, có nhiều bạn bè từ những người mê xe đạp như mình. Cộng đồng xe đạp đó theo ông Thuần, rất vô tư, vui, đi đâu ở Việt Nam này cũng có.
 
Và một điều quan trọng nhất, đó là khi đạp xe ông thấy mình như hòa mình với thiên nhiên, với cây cỏ, núi rừng, với cảnh vật 2 bên đường. Đạp xe cho ông sống lại cảm giác ở tuổi thơ mê đắm khi nhìn vào chiếc xe đạp đường trường và phải đến độ tuổi này ông mới thực hiện được, mới thấy cuộc sống của mình bên những con ngựa sắt thêm phần ý nghĩa. “Tôi sẽ gắn bó với xe đạp cho đến ngày nào không còn đạp xe được nữa thôi” - ông bộc bạch.
 
Trong năm nay, ông Thuần lên kế hoạch sẽ tiếp tục tham dự một số giải xe đạp địa hình nữa, đó là các giải do Liên đoàn xe đạp địa hình Việt Nam tổ chức trong nước. “Nhưng chắc tôi đi vừa thôi, năm rồi dự giải vắng nhà nhiều quá khách hàng gọi điện than phiền hoài. Mình là thợ máy, đi hoài mất khách hết” - ông cười vui.
 
VIẾT TRỌNG