Người đưa dưỡng sinh vào vùng dân tộc thiểu số

09:04, 20/04/2017

Không chỉ đóng góp tích cực cho sự phát triển của phong trào dưỡng sinh Di Linh, những năm gần đây, ông còn đưa dưỡng sinh vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Không chỉ đóng góp tích cực cho sự phát triển của phong trào dưỡng sinh Di Linh, những năm gần đây, ông còn đưa dưỡng sinh vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Đó là ông Lê Đình Mật, người Di Linh, một chủ doanh nghiệp xăng dầu có tiếng tại huyện này. 
 
Năm nay ông Mật đã 70 tuổi (sinh năm 1947) nhưng trông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, “còn làm việc cả ngày được” - ông cười. Để có sức khỏe đó, như ông cho biết, nhờ rất nhiều vào dưỡng sinh, nhờ ông đi tập môn thể dục này đều đặn trong suốt 15 năm nay.
 
Ông biết đến dưỡng sinh khi ông 55 tuổi, đó là những năm do làm việc nhiều, công việc doanh nghiệp bận rộn cả ngày đã hút dần sức lực của ông. Khi sức khỏe yếu có người vận động nên ông thử đi tập dưỡng sinh. Thời điểm đó, huyện Di Linh đang mở lớp cho người cao tuổi tại thị trấn Di Linh gần nhà ông.
 
Ông Lê Đình Mật (thứ hai bên phải sang) vinh dự nhận giấy khen của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng về những đóng góp cho phong trào TDTT của tỉnh trong năm 2016. Ảnh: V.T
Ông Lê Đình Mật (thứ hai bên phải sang) vinh dự nhận giấy khen của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng về những đóng góp cho phong trào TDTT của tỉnh trong năm 2016. Ảnh: V.T
Bài tập ngày đầu đi tập của ông là Thái Cực quyền với các động tác mềm mại như múa. Ông đã tự hỏi mình làm sao tập được bài này, nhưng rốt cuộc thì ông cũng tập được, càng tập ông càng thấy thích. Ông đi tập rất siêng năng, thực hiện tốt các động tác tư thế dễ làm rồi đến các động tác phức tạp hơn, phần nào tập chưa được ông lại cố gắng. 
 
Hiệu quả sức khỏe đến với ông rất rõ. Chỉ một thời gian siêng năng tập luyện ông đã dần lấy lại được “phong độ”. Chính vì vậy dù bận rộn ông cũng sắp xếp thời gian đều đặn đến CLB luyện tập cùng mọi người, ông học thêm rất nhiều bài khác nhưng “bài tủ” của ông vẫn là Thái Cực quyền. 
 
“Với những người lớn tuổi như tôi, xương khớp dần thoái hóa, tim mạch cũng có vấn đề, đi tập hằng ngày với các động tác mềm dẻo như thế giúp cơ thể hoạt bát trở lại, đẩy lùi bệnh tật” - ông nói. 
 
Theo ông, tập dưỡng sinh quan trọng nhất là hơi thở, phải điều hòa hơi thở, phối hợp nhịp nhàng giữa cơ thể và các động tác, tập trung di chuyển theo tiếng nhạc và rồi chuyển biến sẽ đến.
 
Và cái được nhất của dưỡng sinh theo ông Mật, chính là niềm vui mà môn thể dục này mang lại. “Tuổi già đến, nhiều người khi con cái trưởng thành ra lập gia đình cứ luẩn quẩn ở nhà lâu dần chẳng muốn đi đâu, ngại tiếp xúc với mọi người, buồn rầu. Đến lớp tập dưỡng sinh rất vui, nói chuyện, tâm sự với mọi người sẽ làm tinh thần thoải mái hơn, chống được trầm cảm của tuổi già” - ông nói.
 
Và rồi từ một người đi tập, ông dần trở thành thầy giáo dạy dưỡng sinh. Không chỉ vận động mọi người chung quanh đi tập ông còn dành thời gian đi học các lớp dưỡng sinh nâng cao tại TP Hồ Chí Minh rồi về dạy lại cho mọi người trong câu lạc bộ nơi mình tập, dạy lại cho nhiều CLB trong huyện Di Linh. 
 
Ông còn bỏ tiền mời thầy từ TP Hồ Chí Minh về dạy các bài mới cho các CLB trong huyện. “Phải có bài mới để mọi người thay đổi chứ tập hoài một vài bài cũng chán. Với lại cần bắt kịp phong trào, các địa phương khác có bài mới thì mình cũng phải có chứ” - ông suy nghĩ. Từ một vài CLB ban đầu, đến nay, Di Linh theo ông đã có hàng ngàn người tập luyện dưỡng sinh ở khắp các xã trong huyện. 
 
Đặc biệt, trong 3 năm nay, ông chính là “nhà tài trợ chính” cho các hoạt động dưỡng sinh tại Di Linh, cho CLB dưỡng sinh thị trấn Di Linh và CLB xã Tân Châu đại diện Di Linh đi dự giải tỉnh và các giải quốc gia trong nước. Mỗi CLB như thế có không dưới 20 thành viên nên những chuyến đi dự giải như thế khá tốn kém, từ việc đầu tư mời thầy từ TP Hồ Chí Minh về tập với đội cả tháng, thuê xe chở đoàn đi dự giải (ít nhất cũng vài ngày), tiền thuê khách sạn cho đoàn ở, ăn uống, tiền sắm sửa trang phục… Mỗi đợt đi như thế trung bình cũng mất từ 3 - 5 triệu đồng/người, có chuyến cả chục triệu đồng. Để tạo điều kiện cho mọi thành viên trong đoàn tham gia thi đấu, ông đứng ra lo chuyện tài chính, mọi người cứ đóng góp cho chuyến đi được bao nhiêu thì được, còn lại ông lo hết.
 
Có phải vì tinh thần đó không mà CLB Dưỡng sinh thị trấn Di Linh và đặc biệt là CLB Dưỡng sinh xã Tân Châu liên tục giành giải cao trong các hội thi, liên hoan dưỡng sinh từ giải tỉnh đến giải khu vực, giải quốc gia. Đoàn đi đâu ông cũng đánh xe đi theo cùng đoàn để động viên thi đấu.
 
Gần đây, ông còn đưa dưỡng sinh vào phát triển trong vùng dân tộc thiểu số của huyện, đó là thôn Ka Min, thị trấn Di Linh. Tại đây, với rất nhiều công sức, ông đã gầy dựng được một CLB dưỡng sinh cho người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn. “Phải thuyết phục mãi bà con mới tập luyện” - ông cười.
 
 Lý do ông đưa dưỡng sinh vào vùng dân tộc thiểu số khá đơn giản “Anh coi, chỉ có thanh niên chơi bóng đá, bóng chuyền, còn người lớn tuổi chẳng có gì để tập luyện. Tôi đưa môn thể dục này vào để bà con cùng nâng cao sức khỏe” - ông nói.
 
Trong dịp Liên hoan dưỡng sinh miền Trung Tây Nguyên vừa qua ông đã đưa đội dưỡng sinh gồm 12 thành viên là người dân tộc thiểu số tại thôn Ka Min lên Đà Lạt trình diễn.
 
Hết mình vì phong trào dưỡng sinh Di Linh nhưng với ông, đó chỉ là chuyện bình thường, một việc cần làm, làm “vì sức khỏe của mình - sức khỏe cộng đồng”. Như ông nói: “Chẳng qua mình có điều kiện nên hỗ trợ cho phong trào, môn này nếu không có giúp đỡ thì khó phát triển được. Quan trọng làm thế nào để mọi người cùng đoàn kết vì phong trào chung cho sức khỏe cả cộng đồng.
 
VIẾT TRỌNG