Giã từ cuộc chơi từ vòng bảng

09:08, 25/08/2017

(LĐ online) - Bạn có quyền mơ. Tôi có quyền mơ. Chúng ta có quyền mơ. Tất nhiên rồi! Ước mơ luôn là thứ đặc quyền của người yếu thế. Càng yếu thế càng cứ phải mơ. Song giấc mơ ít khi trở thành hiện thực! Hôm 24 tháng 8, giấc mơ chinh phục ngôi vương môn bóng đá nam tại đấu trường SEA Games 29 của chúng ta, một lần nữa lại xa dần, xa dần sau khi U22 Việt Nam thất thủ 0 - 3 trước đối thủ truyền kiếp U22 Thái Lan.

(LĐ online) - Bạn có quyền mơ. Tôi có quyền mơ. Chúng ta có quyền mơ. Tất nhiên rồi! Ước mơ luôn là thứ đặc quyền của người yếu thế. Càng yếu thế càng cứ phải mơ. Song giấc mơ ít khi trở thành hiện thực! Hôm 24 tháng 8, giấc mơ chinh phục ngôi vương môn bóng đá nam tại đấu trường SEA Games 29 của chúng ta, một lần nữa lại xa dần, xa dần sau khi U22 Việt Nam thất thủ 0 - 3 trước đối thủ truyền kiếp U22 Thái Lan.
 
Thực ra, U22 Việt Nam thảm bại 0 - 3 trước U22 Thái Lan, đối với nhiều người, là hiển nhiên, hoàn toàn nằm trong dự đoán. Thậm chí, nhiều người còn nhìn thấy trước nguy cơ Việt Nam bị loại sớm khỏi đấu trường SEA Games 29 ngay sau trận hòa 0 bàn thắng với Indonesia. Ở trận đấu ấy, vì không tận dụng được những cơ hội “ngon ăn” để chuyển thành bàn thắng, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta mất luôn tính tự quyết trong trận đấu với U22 Thái Lan. Nếu muốn giành vé vào Bán kết môn bóng đá nam SEA Games 29, U22 Việt Nam buộc phải có ít nhất 1 điểm trước U22 Thái Lan.
 
Trong trận gặp U22 Thái Lan, chúng ta tỏ ra “biết mình, biết người” khi chọn lối chơi phòng ngự phản công. Trên lý thuyết, lối chơi này của Việt Nam là hợp lý, trước một đối thủ mạnh như Thái Lan. Bởi, từ xưa đến nay, sức bền cầu thủ luôn là một điểm yếu cố hữu của Việt Nam. Do đó, chúng ta chủ động chơi chậm, phòng ngự theo số đông để giảm tiêu hao thể lực cầu thủ; đồng thời, tạo ra một lá chắn vững chắc trước khung thành thủ môn Phí Minh Long. Ở phía trên, các tiền đạo luôn sẵn sàng phản công nhanh mỗi khi có bóng và thiếu chút nữa chúng ta đã thành công với lối chơi phòng ngự phản công. Tiếc rằng, sai lầm của thủ môn Phí Minh Long ở phút bù giờ thứ 2 trong hiệp 1 đã khiến lối chơi phòng ngự phản công của U22 Việt Nam bị phá sản. 
 
Bước vào hiệp 2, các học trò của HLV Nguyễn Hữu Thắng dồn sức tấn công phủ đầu hòng tìm kiếm bàn thắng san bằng cách biệt. Tuy nhiên, việc U22 Việt Nam đẩy cao đội hình tìm kiếm bàn gỡ, ở góc độ nào đó lại cho thấy U22 Thái Lan mới là đội làm chủ thế trận. Phí Minh Long mắc thêm một sai lầm và bàn thắng thứ 2 đến với người Thái ở phút 53 như là một tất yếu. Cách biệt lúc này đã là 2 bàn, U22 Việt Nam lâm vào tình thế “được ăn cả, ngả về không”. Trong tình thế đó, Quang Hải vừa mới vào sân đã ngay lập tức mang về cho U22 Việt Nam 1 quả penalty. Thế nhưng, trên chấm 11 m, Công Phượng lại sút bóng vọt xà ngang. Không lâu sau cú sút bóng vọt xà của Công Phượng, chúng ta nhận thêm bàn thua thứ 3. Bàn thua thứ 3 đã nhấn chìm hẳn mọi quyết tâm của U22 Việt Nam.
 
Ở trận đấu cùng giờ, đối thủ cạnh tranh trực tiếp cho tấm vé vào Bán kết của chúng ta là U22 Indonesia đã đánh bại U22 Campuchia với tỷ số 2 - 0, qua đó giành vị trí thứ 2 bảng B để vào chơi trận Bán kết. 
 
Thất bại 0 - 3 trước U22 Thái Lan để rồi phải dừng cuộc chơi ngay từ vòng bảng, đương nhiên chúng ta có nhiều điều để tiếc nuối. Nhưng chúng ta cũng cần khách quan và thực tế để thừa nhận một điều rằng, U22 Thái Lan mạnh hơn chúng ta. U22 Thái Lan vẫn ở đẳng cấp khác so với U22 Việt Nam. Chiến thắng hôm 24 tháng 8 mà Thái Lan có được trước Việt Nam cũng là nhờ sự khác biệt về đẳng cấp ấy. Thẳng thắn thừa nhận người khác mạnh hơn mình thì mới có thể vượt qua chính mình được.
 
TRỊNH CHU