Khi thể thao thế giới "bất động" vì virus Corona

06:03, 19/03/2020

Đâu rồi những sân bóng đá ngập khán giả reo hò, những sân quần vợt nín thở dõi mắt theo các cú đánh của các siêu sao, những đường chạy bộ ngập nắng và người…

Đâu rồi những sân bóng đá ngập khán giả reo hò, những sân quần vợt nín thở dõi mắt theo các cú đánh của các siêu sao, những đường chạy bộ ngập nắng và người… Từ châu Á sang châu Âu, từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ, từ Bắc Mỹ đến Nam Mỹ, thể thao thế giới đã bị bất động bởi cú đấm “knock- out” của một con virus cực nhỏ nhưng đầy chết chóc!
 
Trận đấu trong khuôn khổ giải Champions League giữa CLB Paris Saint-Germain và Borussia Dortmund trên sân Parc des Princes không khán giả ngày 11/3/2020. Ảnh: UEFA/REUTERS.
Trận đấu trong khuôn khổ giải Champions League giữa CLB Paris Saint-Germain và Borussia Dortmund trên sân Parc des Princes không khán giả ngày 11/3/2020. Ảnh: UEFA/REUTERS.
 
Đóng cửa sân vận động
 
Nếu có một nhà quay phim nào ghi lại quang cảnh nước Ý những ngày này để chiếu lại sau đó thì đảm bảo nhiều người nếu không biết về tác động của virus Corona hiện nay sẽ cho rằng đó là một phim giả tưởng với cảnh dàn dựng hơn là phim tài liệu chân thật. Đâu rồi một nước Ý với những thành phố du lịch lãng mạn tràn ngập du khách, đâu rồi những bãi biển vùng Địa Trung Hải ngập nắng đẹp như mơ, đâu rồi các sân bóng đá với cờ xí và cả rừng người reo hò cổ vũ… Thay vào đó là những con đường vắng lặng thưa thớt bóng người, nhà hàng, quán xá đóng cửa; tu viện, nhà thờ, quảng trường và cả sân bóng đá tất cả đều im lìm như một thành phố chết. 
 
Có thể tóm tắt thông báo lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước của Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hôm 9/3 vừa rồi bằng một câu nói ngắn gọn: “Nên ở nhà”. Việc phong tỏa cả đất nước này đã được giới truyền thông phương Tây gọi là “chưa từng có” trước đây và so sánh nó với thời chiến tranh. Nhưng đây không phải là cuộc chiến tranh với kẻ thù hữu hình, đất nước với hơn 60 triệu dân này đang trong một cuộc chiến chống lại con virus Corona nhỏ bé vô hình đang hoành hành dữ dội tại đây. 
 
Trước đó, Ý đã cho phong tỏa một số thành phố tại các vùng phía bắc giàu có nhưng vẫn chưa đủ, số ca nhiễm và số người tử vong vì nhiễm virus Corona cứ tăng lên một cách nhanh chóng, buộc chính phủ quốc gia này đi một bước tiếp mạnh mẽ hơn khi tuyên bố phong tỏa cả đất nước. Người dân Ý được yêu cầu ở tại nhà, tránh các cuộc tụ họp đông người nơi công cộng và tất nhiên, các trận đấu bóng đá của Serie A cũng phải bị cấm.
 
Cấm các hoạt động thể thao đông người, nước Ý cũng cho đóng cửa luôn các trường học các cấp, kể cả đại học; hạn chế việc di chuyển ra vào nước Ý cũng như giữa các thành phố trong nước, ít nhất là từ ngày 10/3 đến 3/4 sắp đến theo lệnh phong tỏa.
 
Cùng với Ý, hằng loạt các giải bóng đá lớn châu Âu cũng lần lượt bị tác động nghiêm trọng, buộc phải hoãn, hủy các trận đấu. Từ giải bóng đá Tây Ban Nha đến giải Vô địch quốc gia Pháp, Ngoại hạng Anh, đến Budesliga của Đức… đều bị virus Corona giáng một đòn mạnh đến choáng váng. Quyết định để những trận đấu diễn ra trên sân bóng không người rốt cuộc cũng chẳng đến đâu, không thu được tiền vé bao nhiêu mà cũng chẳng đảm bảo an toàn cho cầu thủ nên đã cho lùi lại vô thời hạn, thậm chí có giải còn xem xét liệu có thể cho kết thúc sớm mùa bóng năm nay ngay trong giai đoạn này hay không?
 
Như Ngoại hạng Anh chẳng hạn, sau những chần chừ, ngày 13/3 Ban tổ chức giải đã cho tạm ngừng các trận đấu để đảm bảo an toàn cho khán giả lẫn cầu thủ. Nhiều chuyên gia nước này đưa ra ý kiến có nên ngừng giải và hủy kết quả giải đấu này trong mùa giải năm nay hay không, hay là nên trao cúp vô địch cho đội đang dẫn đầu (đội Liverpool) để kết thúc mùa giải luôn. Tại Đức, sau những do dự có nên giữ lại vòng đấu thứ 26 bằng những trận đấu kín không khán giả hay không để cứu vãn Bundesliga nhưng rồi cũng đã sớm đi đến quyết định hoãn vô thời hạn luôn.
 
Và tất nhiên, khi bóng không lăn trên sân các liên đoàn thành viên thì Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cũng không có lý do gì để không hoãn các giải trong khuôn khổ Champions League và Europa League. Một loạt các trận đấu trong khuôn khổ 1/8 Champions League đã phải bị hoãn trong tuần rồi, tương tự là các trận của Europa League cũng hoãn như vậy. Hôm thứ ba (17/3) tuần này sau một cuộc họp trực tuyến kéo dài, UEFA đã phải đưa ra quyết định dời Euro 2020 (dự kiến diễn ra trong tháng 6 năm nay tại 12 quốc gia châu Âu) sang mùa hè 2021.
 
Hoãn vô thời hạn
 
Khẩu hiệu của thể thao dù ở đâu cũng thường là “nhanh hơn, mạnh hơn, khỏe hơn”, nhưng với con virus Corona vô hình chẳng chừa một ai này, thể thao dường như cũng chẳng thể khỏe hơn khi chính các VĐV cũng bị nhiễm bệnh như thường chứ không chỉ khán giả và các quan chức, các lãnh đạo thể thao!
 
Chính vì vậy, theo sau các giải bóng đá châu Âu bị hoãn lại, đến lượt giải bóng rổ chuyên nghiệp nhà nghề Bắc Mỹ (NBA) bên kia bờ đại dương cũng chịu tác động khi một cầu thủ của đội Utah Jazz bị nhiễm COVID-19. Khi phát hiện cầu thủ trong giải bị dương tính với virus Corona, Ban tổ chức giải đấu này đã đưa ra quyết định tạm hoãn vô thời hạn.
 
Tại Nam Mỹ, COVID-19 cũng làm ngưng trệ nhiều giải đấu lớn của các nước ở đây. Điển hình như việc Liên đoàn Bóng đá Brazil (CBF) trong ngày 15/3 vừa qua đã có quyết định tạm ngừng các trận đấu của giải bóng đá nước này, nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan. Tương tự, Liên đoàn Bóng đá Mexico cũng cho ngừng tất cả các trận đấu ở giải hạng nhất, giải hạng hai lẫn giải bóng đá nữ từ 15/3 và phải chờ cho đến khi nào có khuyến nghị của giới chức y tế quốc gia sẽ có thông báo mới rằng có nên tiếp tục hay không!
 
Và không chỉ có bóng đá, bóng rổ, nhiều giải đấu lớn cấp quốc tế khác trong các bộ môn như golf, quần vợt, bóng bầu dục, điền kinh… đều bị hoãn. Chẳng hạn giải đua xe Công thức 1 sau khi hủy khai mạc vòng đua Grand Prix tại Úc thì các chặng đua tiếp theo trong đó có chặng đua Việt Nam trong tháng 4 cũng bị hoãn. Hay như trong quần vợt, mới đây Ban tổ chức Roland Garros - 1 trong 4 giải Grand Slam lớn trên thế giới chơi sân đất nện tại Pháp cũng cho biết sẽ hoãn từ tháng 4 sang tháng 9 năm nay. Làng thể thao thế giới hiện nay tất cả các giải có tổ chức được hay không đều đang phụ thuộc rất lớn vào cuộc chiến chống đại dịch virus Corona toàn cầu hiện nay.
 
GIA KHÁNH