Grand Slam liệu có trở lại trong năm nay?

06:06, 11/06/2020

Khi các giải bóng đá châu Âu lên lịch thi đấu trở lại sau một quãng dài bị hoãn vì đại dịch COVID-19, câu hỏi đặt ra là liệu các giải quần vợt Grand Slam còn lại trong năm 2020 có khởi động lại?

Khi các giải bóng đá châu Âu lên lịch thi đấu trở lại sau một quãng dài bị hoãn vì đại dịch COVID-19, câu hỏi đặt ra là liệu các giải quần vợt Grand Slam còn lại trong năm 2020 có khởi động lại?
 
Một trận đấu tại Australian Open 2020 đầu năm nay. Ảnh Internet
Một trận đấu tại Australian Open 2020 đầu năm nay. Ảnh Internet
 
Khi đại dịch đe dọa
 
Phải nói trong 4 giải Grand Slam của làng quần vợt thế giới diễn ra hằng năm trong năm 2020 này, Australian Open đã rất may mắn thoát khỏi tác động của đại dịch COVID-19 khi diễn ra trọn vẹn trong đầu năm nay. 
 
Diễn ra từ 20/1 đến 2/2 tại Melbourne, đây là lần thứ 108 nước Úc tổ chức Australian Open trên đất nước mình, giải đấu đã diễn ra an bình dù thời điểm này bóng dáng của con virus viêm phổi cấp Corona đã lảng vảng đâu đó bên kia bờ đại dương.
 
Tổng cộng đã có trên 812 nghìn lượt người đến sân để xem các trận đấu đỉnh cao của Australian Open 2020 năm nay, cao nhất từ trước đến nay. Trong số đông đảo khán giả đến sân, không phải ai cũng có được cơ hội cầm được tấm vé vào sân tại các trận chung kết để xem danh thủ Sofia Kenin của Mỹ đánh bại Garbine Muruguza của Tây Ban Nha trong nội dung đơn nữ; xem ngôi sao Novak Djokovic của Serbia nâng chiếc cúp vô địch đơn nam khi đánh bại tay vợt trẻ tài năng Dominic Thiem của Áo. Đó là chưa kể hàng tỷ lượt người trên thế giới theo dõi giải đấu này qua hệ thống truyền hình trực tiếp, vì sau bóng đá, quần vợt chính là môn thể thao thu hút rất đông đảo người xem hiện nay.
 
Nhưng 3 Grand Slam còn lại không có “may mắn” để có lượng khán giả đến sân đó. Cơn sóng chết chóc của đại dịch COVID-19 lan rộng đã nhanh chóng đẩy các sân bóng đá, sân tennis cùng tất cả các sân tập, sân thi đấu các bộ môn thể thao khác rơi vào cảnh hoang vắng. Lần đầu tiên sau thế chiến thứ 2, tất cả các giải thể thao trên thế giới đều phải ngừng lại, hoãn, hoặc hủy. Quần vợt cũng không ngoại lệ.
 
Với giải Pháp mở rộng Roland Garros, ngay giữa tháng 3 năm nay Ban tổ chức giải đã buộc phải tuyên bố hoãn lại vì đại dịch COVID-19.
 
Thông thường Roland Garros bắt đầu vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, đây là giải đấu cao nhất của các giải đấu trên sân đất nện mùa xuân hằng năm. Hoãn giải trong cuối tháng 5, Liên đoàn Quần vợt Pháp dự kiến Roland Garros sẽ được tổ chức vào 20/9 và kéo dài sang 4/10 năm nay, chỉ sau đúng 1 tuần khi giải Mỹ mở rộng (US Open) kết thúc. Đây là lần đầu tiên từ năm 1947 đến nay giải đấu này không tổ chức vào tháng tư như thông lệ và nếu tính trong kỷ nguyên các giải đấu mở rộng, đây là lần đầu tiên Roland Garros phải bị hoãn lại như thế.
 
Nhưng hoãn còn hơn hủy. Giải đấu thứ ba trong năm, Wimbledon tại Anh - một giải đấu uy tín trên mặt sân cỏ vào hàng lâu đời nhất trên thế giới dự kiến tổ chức trong khoảng hơn 2 tuần cuối tháng 6 đầu tháng 7 hằng năm, Ban tổ chức giải này đã buộc phải đưa ra quyết định hủy cả giải vì đại dịch COVID - 19. Còn US Open diễn ra trong cuối tháng 8 đầu tháng 9 hằng năm thì đến nay vẫn chưa có gì chắc chắn.
 
Phụ thuộc vào sự khống chế dịch bệnh
 
Có thể nói việc hoãn lại hay hủy các giải đấu thể thao cấp thế giới là một quyết định đầy khó khăn cho bất cứ nhà tổ chức nào. Đơn giản, đằng sau quyết định này là hàng loạt hệ lụy cần phải giải quyết. 
 
Với Wimbledon, hủy giải đấu này là một thiệt hại tài chính rất lớn. Năm ngoái, tổng doanh thu của Wimbledon đã lên trên 250 triệu bảng Anh. Tuy nhiên, trong tình huống bất khả kháng vì dịch bệnh, Ban tổ chức Wimbledon đã phải đưa quyết định quan trọng này. Nước Anh đang bị tác động rất nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và cho đến nay tình hình vẫn chưa ổn, việc tổ chức Wimbledon vào tháng sáu này gần như là một điều không thể.
 
Nhưng có một điều “an ủi” cho Wimbledon là khi hủy giải Ban tổ chức vẫn nhận được tiền bảo hiểm. Trong năm 2003, khi đại dịch SARS bùng phát, Ban tổ chức Wimbledon đã bỏ tiền ra để mua bảo hiểm cho giải đấu, mỗi năm họ phải trả 1,6 triệu bảng Anh. Trong trường hợp dịch bệnh đe dọa, giải hủy như trong năm nay, Wimbledon sẽ được bồi thường đến 114 triệu bảng Anh. 
 
Như Giám đốc điều hành giải Richard Lewis chia sẻ gần đây, mặc dù có chính sách bảo hiểm tốt, Wimbledon sẽ vẫn chịu tổn thất không nhỏ từ việc bị hủy như thế. “Tất nhiên chúng tôi may mắn có bảo hiểm và nó giúp được phần nào, nhưng nó không giải quyết được tất cả các vấn đề. Các chi tiết và con số cụ thể sẽ cần vài tháng để được đưa ra chính thức” - ông nói .
 
Với Roland Garros, dù đã hoãn đến tháng 9, nhưng gần đây Ban tổ chức giải đấu cũng phải cân nhắc kỹ để trả lại toàn bộ số vé đã bán ra đợt đầu vì lo ngại rằng khi dịch bệnh vẫn còn, khán giả không thể đến sân vì lý do an toàn.
 
Tuy nhiên, không như Wimbledon dù hủy vẫn được tiền bảo hiểm, Roland Garros để duy trì cần rất lớn vào nguồn thu từ tiền bán vé vào sân, tiền quảng cáo, tiền bán bản quyền truyền hình. Không khán giả đến sân đồng nghĩa với không có tiền thu từ bán vé, đây là một “thảm họa” cho giải, liệu có tổ chức được hay không trong tình huống không khán giả vẫn là một câu hỏi. 
 
Còn với giải Mỹ mở rộng, Ban tổ chức giải đấu cho biết, cho đến nay vẫn chưa có một quyết định cuối cùng vì dịch bệnh trên đất Mỹ vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Michael Dowse - Giám đốc điều hành Hiệp hội Quần vợt Mỹ (USTA) gần đây cho biết mọi chuyện sẽ phải quyết định ít nhất là trong tháng 6 này, vì giải phải cần có thời gian cho công tác chuẩn bị trước.
 
Cũng cần nói thêm rằng US Open lâu nay mang đến nguồn thu chính cho các hoạt động của Hiệp hội Quần vợt Mỹ, nên việc hủy giải nếu xảy ra sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức này. Để góp phần hỗ trợ cho phong trào quần vợt đang trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh, các nhà điều hành của Hiệp hội này gần đây đã chấp nhận giảm 20% lương trong các tháng còn lại của năm 2020, để hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở quần vợt tại Mỹ. USTA cũng lên kế hoạch hỗ trợ 15 triệu USD cho các liên đoàn quần vợt các bang trong nước gặp khó khăn vì COVID-19. 
 
Theo Ban tổ chức US Open, hy vọng giải đấu này vẫn diễn ra ở New York như lâu nay, nhưng nếu tình hình nơi đây chưa ổn thì có thể chuyển địa điểm thi đấu sang một địa phương khác trên đất Mỹ. Nhưng rõ ràng, việc US Open và Roland Garros có diễn ra được hay không trong thời gian đến phụ thuộc rất lớn vào việc dịch bệnh có được khống chế hay không?
 
GIA KHÁNH