Australian open 2021 trong tháng Hai

06:01, 21/01/2021

Chỉ 2 tuần nữa, ngay trong dịp trước và sau Tết Âm lịch của người Việt này, từ ngày 8-21/2, Autralian Open, giải Grand Slam đầu tiên của làng quần vợt thế giới năm 2021 sẽ bắt đầu khởi tranh dù đại dịch COVID-19 chẳng có dấu hiệu gì thuyên giảm!

Chỉ 2 tuần nữa, ngay trong dịp trước và sau Tết Âm lịch của người Việt này, từ ngày 8-21/2, Autralian Open, giải Grand Slam đầu tiên của làng quần vợt thế giới năm 2021 sẽ bắt đầu khởi tranh dù đại dịch COVID-19 chẳng có dấu hiệu gì thuyên giảm!
 
Các tay vợt trẻ phải nỗ lực hơn rất nhiều mới có thể vượt qua được Djokovic và Nadal tại giải đấu này. Ảnh: Internet
Các tay vợt trẻ phải nỗ lực hơn rất nhiều mới có thể vượt qua được Djokovic và Nadal tại giải đấu này. Ảnh: Internet
 
Nước Úc trong tháng Hai
 
Sau hơn 100 năm diễn ra trong tháng Giêng đầu năm, nước Úc gần đây đã phải đưa ra quyết định chuyển giải Quần vợt Úc mở rộng Australian Open - giải Grand Slam đầu tiên của năm 2021 sang tháng Hai. Tất cả là vì con Virus Corona cùng đại dịch COVID-19 vẫn đang tung hoành trên khắp thế giới.
 
Châu lục Úc dù được bao quanh bởi các đại dương, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, Úc cũng không phải miễn nhiễm với cơn sóng dữ của Đại dịch Viêm phổi cấp. Nhờ nỗ lực kiểm soát tốt nên đất nước trên 25 triệu dân này có lượng người nhiễm tương đối thấp so với nhiều quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước tại châu Á. Tuy nhiên, một giải đấu lớn như Australian Open với số lượng lớn vận động viên (VĐV) từ nhiều nơi trên thế giới đổ về, Úc vẫn rất thận trọng để đưa ra phương án tốt nhất cho mình, vừa phòng dịch vừa tổ chức được giải.
 
Cũng cần biết rằng, quần vợt đến nay vẫn chưa có một liên đoàn quản lý thống nhất ở cấp độ thế giới, theo kiểu như bóng đá hay cách của Thế vận hội Olympic đang làm. Chính vì vậy, các giải đấu quần vợt hiện nay, ngay cả Grand Slam, trách nhiệm được chia đều cho các thành viên, đó là sự thống nhất ý kiến của tổ chức quần vợt thế giới, quần vợt quốc gia và với địa phương đứng ra tổ chức. Để lùi Australia lại 3 tuần như thế này, theo ông Craig Tiley, Giám đốc điều hành giải đấu, đã phải mất hơn 8 tháng làm việc. 
 
Năm ngoái, Australian Open 2020 chính là giải đấu may mắn nhất khi diễn ra trước khi Virus viêm phổi cấp tràn đến. Cả 3 Grand Slam còn lại đều không có được sự may mắn như vậy. Wimbledon ở Anh lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai đã buộc phải hủy bỏ; US Open vẫn diễn ra trong cuối tháng Tám ở New York như thông lệ nhưng phải diễn ra trên những khán đài đìu hiu trống vắng; còn Roland Garros thì phải lùi từ tháng Năm sang cuối tháng Chín nhưng cũng tổ chức trong sân với một lượng khán giả rất hạn chế.
 
Do tác động của dịch bệnh nên Australian Open 2021 năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử Grand Slam, đã phải tổ chức vòng loại bên ngoài đất nước của mình. Vòng loại nam và nữ được tổ chức tại Doha, Qatar và tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE từ ngày 10-13 tháng Giêng năm nay. Những tay vợt vượt qua vòng loại sau đó mới bay sang Úc, hoàn tất 2 tuần cách ly trước khi bước vào các sự kiện khởi động của giải vào cuối tháng Giêng này. Theo yêu cầu các tay vợt đến Úc phải ở trong các khách sạn được Ban tổ chức chỉ định, mỗi ngày sẽ được bố trí 5 tiếng đồng hồ để tập luyện. 
 
Tháng Hai tại Úc cũng vẫn là mùa hè (nước Úc ở Nam bán cầu nên mùa hè từ tháng 12 đến tháng 2), và mặc dù cuối mùa hè, nhiệt độ tại Melbourne - nơi diễn ra các trận đấu có giảm bớt chút ít so với tháng Giêng trước đó nhưng vẫn có không ít những ngày nóng lên đến trên 35 độ C. Điều này có nghĩa là những trận đấu dưới cái nóng như chảo lửa ban ngày tại Úc vẫn là một đặc sản của giải đấu này. Điều này sẽ cực khó để làm quen với thời tiết cho những tay vợt đến từ các nước ôn đới ở châu Âu và Bắc Mỹ khi thời điểm này đang là mùa đông.
 
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các tay vợt trên thế giới đến dự Australian Open làm quen với thời tiết, thời điểm này mọi năm quốc gia này thường tổ chức rất nhiều các giải quần vợt lớn nhỏ hơn trong nước để các tay vợt có thể tham gia, coi như là một cách “khởi động” cho Grand Slam. Năm nay, do tác động của dịch bệnh nên phần lớn các giải đấu này hầu như đều bị hoãn lại hay hủy bỏ, chỉ còn lại 2 giải gồm một giải ATP 250 tại Melbourne và một giải Adelaide International tại thành phố Adelaide bang Nam Úc, nhưng để thuận lợi hơn cho các tay vợt nước ngoài đến đây khỏi di chuyển, Úc đã lên kế hoạch đưa giải Adelaide International từ Adelaide lên tổ chức luôn tại Melbourne.
 
Cũng như mọi năm, Úc mở rộng năm nay vẫn đầy đủ các nội dung thi đấu, gồm đơn nam, nữ, đánh đôi; có giải cho người khuyết tật thi đấu trên xe lăn với 2 nội dung đơn và đôi; còn giải trẻ được hoãn lại và sẽ tổ chức trong cuối năm nay. 
 
Tiền thưởng tăng 
 
Trong danh sách hạt giống của Úc mở rộng năm nay vẫn có khá đầy đủ các tay vợt tên tuổi hiện nay trong làng banh nỉ thế giới.
 
Với bảng nam, trong tốp đầu của danh sách 35 hạt giống giải đưa ra, chỉ vắng mặt duy nhất tay vợt xếp hạng 5 thế giới là Roger Federer, người Thụy Sỹ; còn lại đều có mặt như số 1 thế giới Novak Djokovic người Serbia; số 2 thế giới Rafael Nadal, người Tây Ban Nha; tay vợt trẻ số 3 thế giới Dominic Thiem, người Áo; tay vợt số 4 thế giới Daniil Mevedev, người Nga; tay vợt số 6 thế giới Stefanos Tsitsipas, người Hy Lạp có lối đánh rất hoa mỹ; tay vợt số 7 thế giới Alexandre Zverev, người Đức.
 
Có thể thấy trong danh sách này, các tay vợt trẻ (thật ra cũng chẳng trẻ lắm) đã dần tiếp cận được vị trí của các tay vợt đàn anh lớp trước và đã từng bước khẳng định được vị thế của mình qua mức độ thi đấu ổn định tại các giải đấu lớn. Tuy nhiên, các tay vợt đàn em nếu muốn vượt được Novak Djokovic - đương kim vô địch Úc mở rộng 2020 hay “vua sân đất nện” Rafael Nadal sẽ phải cố gắng rất nhiều.
 
Với bảng nữ, trong tốp 9 hạt giống của giải đều là những tay vợt xếp từ 1 đến 9 trong bảng xếp hạng thế giới, trong đó, đương kim vô địch giải năm trước, Sofia Kenin của Mỹ được xếp hạt giống số 4. Dẫn đầu hạt giống nữ là tay vợt số 1 thế giới Ashleigh Barty của Úc, tiếp đến là tay vợt số 2 thế giới Simona Halep, người Romania; tay vợt số 3 thế giới người Nhật Naomi Osaka. So với sự ổn định của các tay vợt nam thì quần vợt nữ thường đổi ngôi rất nhanh theo từng giải. Liệu cơ hội năm nay có dành cho tay vợt số 1 thế giới người chủ nhà Ashleigh Barty, vốn thi đấu rất hay gần đây, hay không vẫn là một câu hỏi? 
 
Điều đáng nói nhất, mặc dù dịch bệnh hoành hành, kinh tế thế giới suy thoái nhưng Ban tổ chức để khuyến khích các tay vợt tham gia, đã quyết định tăng tiền thưởng cho giải đấu năm nay. Trong một thông cáo báo chí gần đây, Ban Tổ chức giải cho biết sẽ tăng tổng số tiền thưởng của năm nay lên trên 80 triệu đô Úc, so với tổng mức thưởng 71,5 triệu đô Úc của giải năm 2020. Các tay vợt chỉ cần có mặt trong vòng 1 đầu tiên sẽ được nhận 100 nghìn đô Úc, càng vô sâu tiền thưởng càng tăng lên.
 
Theo ông Craig Tiley, giải đấu không chỉ thuần túy về thể thao mà còn là cơ hội để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Úc, các nông dân, các nhà vườn sản xuất thực phẩm và rượu, các nhà hàng địa phương tại Melbourne và bang Victoria trong thời điểm khó khăn này. Vẫn chưa biết một số lượng lớn các khán giả có được vào sân hay không và có tay vợt tên tuổi nào bỏ cuộc vì dịch bệnh hay không nhưng hy vọng Australian Open sẽ có khởi đầu thuận lợi trong đầu năm mới để các giải Grand Slam còn lại theo sau. 
 
VIẾT TRỌNG